Quảng Nam định hướng xúc tiến đầu tư thành lập Khu công nghiệp Quảng Nam - Hoa Kỳ Quảng Nam: Nước sông dâng cao, người dân vùng “rốn lũ” Đại Lộc tất bật chạy lụt |
Hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh Quảng Nam tuy phục hồi sau đại dịch Covid-19 nhưng vẫn còn nhiều khó khăn, vì vậy đã tác động đến công tác thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH) trên địa bàn trong năm 2023. Ông Nguyễn Văn Hùng - Phó Giám đốc BHXH tỉnh Quảng Nam đã có cuộc trao đổi kết quả thực hiện chính sách BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT) của Quảng Nam với phóng viên Báo Công Thương.
Tuyên truyền lưu động BHXH trên địa bàn TP.Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam. Ảnh: H.Q |
Trong bối cảnh kinh tế, xã hội còn nhiều khó khăn, xin ông cho biết kết quả thực hiện các nhiệm vụ về chính sách BHXH, BHYT của BHXH tỉnh Quảng Nam trong năm 2023?
Đến nay, hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh Quảng Nam tuy có phục hồi sau đại dịch Covid-19 nhưng vẫn còn nhiều khó khăn nên vẫn còn tình trạng cắt giảm lao động và số nợ chậm đóng BHXH tăng lên; công tác phát triển người tham gia BHXH tự nguyện gặp nhiều khó khăn do tác động của nhiều yếu tố khác nhau.
Theo đó, số người tham gia BHXH bắt buộc toàn tỉnh giảm 2.520 người so với cuối năm 2022, riêng Hội An tăng 2.539 người, các huyện miền núi có tăng nhưng không nhiều, còn lại phần lớn các huyện đồng bằng đều giảm. Số người tham gia BH thất nghiệp (BHTN) tăng giảm tương đương như nhóm tham gia BHXH bắt buộc; số người tham gia BHXH tự nguyện toàn tỉnh giảm 2.188 người so cuối năm 2022; riêng số người tham gia BHYT, toàn tỉnh tăng 7.056 người so với cuối năm 2022.
Cụ thể, số người tham gia BHXH, BHTN, BHYT theo bảng sau:
Nội Dung | Đến hết tháng 9/2023 | Tỷ lệ so với KH giao % | So với thực hiện năm trước | Số còn phải thực hiện đến hết năm 2023 | |
Tăng (giảm) | Tỷ lệ % | ||||
- BHXH | 210.933 | 90,84 | -4.708 | 97,82 | 21.276 |
+ BHXH bắt buộc | 191.547 | 93,15 | -2.520 | 98,70 | 14.084 |
+ BHXH tự nguyện | 19.386 | 72,94 | -2.188 | 89,86 | 7.192 |
- BHTN | 177.780 | 92,72 | -2.414 | 98,66 | 13.951 |
- BHYT | 1.467.108 | 99,64 | 7.506 | 100,51 | 5.336 |
Có 11/18 đơn vị đạt tiến độ thu BHXH trong 9 tháng đầu năm 2023 trên mức bình quân chung cả tỉnh; có 7/18 đơn vị có tỷ lệ thu đạt thấp hơn tỷ lệ chung toàn tỉnh. Ngoài ra, tính đến hết ngày 30/9/2023, toàn tỉnh đã hướng dẫn, cài đặt mới cho 352.248 trường hợp, đạt 79% tổng số người tham gia BHXH, BHYT vượt 3% so kế hoạch BHXH Việt Nam giao. Bên cạnh đó, một số đơn vị có tỷ lệ đã cài đặt VssID cao là: Tiên Phước 104%; Nông Sơn 90%; Núi Thành 96%; Quế Sơn 89%, Hội An 84; Phú Ninh 83%; Văn Phòng 82% và Điện Bàn 81%...
Ông Nguyễn Văn Hùng, Phó Giám đốc BHXH tỉnh Quảng Nam |
Bên cạnh những kết quả tích cực, ông có thể chia sẻ thêm về các khó khăn đối với ngành BHXH tỉnh Quảng Nam trong việc hoàn thành các chỉ tiêu, kế hoạch của BHXH Việt Nam giao?
Số người tham gia BHXH, BHTN giảm so với cuối năm 2022, đặc biệt số người tham gia BHXH tự nguyện còn giảm sâu hơn so với tháng trước (giảm 2.188 người so cuối năm 2022), 3 tháng cuối năm phải phấn đấu phát triển mới 21.276 người mới đạt kế hoạch BHXH Việt Nam giao (trong đó BHXH bắt buộc 14.084 người và BHXH tự nguyện 7.192 người).
Tỷ lệ chậm đóng tính đến hết tháng 9 năm 2023 cao hơn tỷ lệ BHXH Việt Nam giao là 1,12% (4,90/3,78). Chi phí khám chữa bệnh BHYT 9 tháng đầu năm còn tăng khá cao so với cùng kỳ năm 2022 (tăng 10,25% về số lượt khám chữa bệnh và 14,88% về chí phí) và chiếm 78,93% dự toán Chính phủ giao. Số người lao động rút BHXH một lần vẫn gia tăng khá cao, tính đến hết tháng 9/2023 có 14.913 người lao động rút BHXH một lần, tăng hơn 4.440 người so với cùng kỳ năm 2022.
Bên cạnh đó, vẫn còn nhiều cơ sở khám chữa bệnh BHYT nhập dữ liệu thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT bị sai lệch thông tin nên Hệ thống thông tin giám định BHYT đã từ chối tự động, xin gửi lại dữ liệu làm khó khăn và chậm trễ trong công tác giám định, thanh quyết toán chi phí. Ngoài ra, mặc dù đã tích cực đôn đốc các đơn vị thực hiện kết luận sau thanh tra, kiểm tra nhưng còn một số đơn vị chưa nghiêm túc thực hiện các kết luận, cũng như các quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực BHXH.
Việc triển khai người tham gia cài đặt VssID hiện nay rất khó khăn. Đối với người tham gia BHXH, kế hoạch BHXH Việt Nam giao 100% đối với người tham gia BHXH bắt buộc, trong khi đó thực tế đa phần người tham gia là công nhân không dùng điện thoại thông minh và không có email. Đối với nhóm người chỉ tham gia BHYT thì hiện nay ứng dụng VNeID có chức năng tích hợp thẻ BHYT nên thay vì dùng VssID người tham gia dùng VNeID tiện ích hơn.
Trong bối cảnh hiện nay, BHXH tỉnh Quảng Nam sẽ tập trung vào nhóm giải pháp trọng tâm nào để hoàn thành các chỉ tiêu của năm 2023?
BHXH tỉnh Quảng Nam sẽ tiếp tục tham mưu và tranh thủ sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, Chính quyền địa phương và công tác phối hợp của các ngành, đơn vị, đoàn thể và nhất là Ban Chỉ đạo thực hiện chính sách BHXH, BHYT từ cấp tỉnh đến cấp xã trong việc triển khai thực hiện chính sách BHXH, BHYT, BHTN. Tham mưu triển khai thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 39-CT/TU ngày 30/5/2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tiếp tục tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện chính sách BHXH, BHTN, BHYT trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2022-2025.
Đồng thời, bám sát các văn bản chỉ đạo của ngành, của tỉnh, nhất là các thông báo kết luận để tham mưu, triển khai thực hiện hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ cấp trên giao năm 2023. Tiếp tục phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền về chính sách BHXH, BHYT, BHTN, trong đó trọng tâm là BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình nhằm duy trì và phát triển người tham gia BHXH, BHYT trên địa bàn tỉnh. Phấn đấu hoàn thành và vượt các chỉ tiêu, kế hoạch giao, cũng như mục tiêu theo Nghị quyết số 28-NQ/TW và chỉ tiêu tỷ lệ người dân tham gia BHYT theo tinh thần Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 25/10/2017 của BCH Trung ương về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới. Triển khai thực hiện kế hoạch thí điểm xây dựng điểm sáng tuyên truyền về BHXH, BHYT hộ gia đình ở thôn, khối phố, xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh.
Đẩy mạnh thực hiện công tác thu, đôn đốc các đơn vị sử dụng lao động trích nộp BHXH, BHYT, BHTN đầy đủ, kịp thời, nhằm đảm bảo được tiến độ thu BHXH, BHYT, BH thất nghiệp theo quy định; đồng thời tích cực đôn đốc thu hồi số tiền chậm đóng để giảm tỷ lệ tiền chậm đóng tại các đơn vị sử dụng lao động, đảm bảo quyền lợi cho người lao động theo đúng quy định; tập trung xây dựng, hoàn thiện kịch bản phát triển người tham gia và triển khai đồng bộ, có hiệu quả tại các địa phương. Phấn đấu đạt và vượt chỉ tiêu, kế hoạch BHXH Việt Nam giao về số người tham gia, số thu và giảm tỷ lệ chậm đóng BHXH, BHTN, BHYT.
Thực hiện công tác giám định, thanh quyết toán chi phí khám chữa bệnh BHYT quý II, III/2023 theo Quy trình giám định BHYT. Rà soát, đối chiếu, hoàn chỉnh, phê duyệt việc cập nhật kịp thời các danh mục của cơ sở khám chữa bệnh theo quy định (nhất là danh mục thuốc, VTYT); Thực hiện tốt giám định theo chuyên đề và cảnh báo của Trung tâm Giám định BHYT và Thanh toán đa tuyến nhằm kiểm soát chi phí khám chữa bệnh BHYT đối với các cơ sở khám chữa bệnh trên toàn tỉnh; đồng thời, cảnh báo và chấn chỉnh kịp thời các cơ sở khám chữa bệnh có chi phí khám chữa bệnh gia tăng bất thường; phấn đấu đảm bảo dự toán chi phí khám chữa bệnh BHYT Thủ tướng Chính phủ giao. Phối hợp với Sở Y tế phân bổ đầu thẻ đăng ký khám chữa bệnh ban đầu năm 2024 cho các cơ sở khám chữa bệnh theo quy định.
Hoàn thành công tác thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch BHXH Việt Nam giao, kịp thời ban hành kết luận sau thanh tra, kiểm tra và theo dõi, đôn đốc các đơn vị thực hiện nghiêm túc kết luận đã ban hành. Tăng cường kiểm tra, giám sát các Tổ chức dịch vụ thu và nhân viên thu đảm bảo hoạt động theo đúng quy định. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả các giải pháp giám sát sử dụng thẻ BHYT của người bệnh tại các cơ sở y tế có điều trị nội trú, tại nhà, nơi làm việc… nhằm kiểm soát chi phí khám chữa bệnh BHYT.
Tiếp nhận hồ sơ và giải quyết, chi trả kịp thời các chế độ BHXH, BHTN, BHYT đối với người tham gia BHXH, BHTN, BHYT theo đúng quy định. Thực hiện tốt công tác cải cách hành chính, chuyển đổi số, hoàn thiện dữ liệu người tham gia BHXH, BHYT, nhất là về cải cách thủ tục hành chính và tinh thần phục vụ người dân; đôn đốc, hướng dẫn các đơn vị sử dụng lao động đẩy mạnh thực hiện giao dịch điện tử đối với hồ sơ tham gia BHXH, BHYT và giải quyết hưởng các chế độ BHXH ngắn hạn nhằm tạo thuận lợi cho đơn vị, người lao động, giảm thời gian đi lại, chờ đợi trong giao dịch với cơ quan BHXH.
Cho phép thực hiện trả mã OTP khi cài đặt ứng dụng VssID về tin nhắn như trước đây để thuận tiện và phù hợp hơn với nhóm người tham gia BHXH bắt buộc là công nhân. Hướng dẫn chi tiết nội dung trùng sổ có liên quan đến trường hợp mượn hồ sơ tư pháp để BHXH tỉnh xử lý những hồ sơ tồn đọng.
Xin cảm ơn ông!