Quảng Nam: Xử lý hơn 1650 vụ buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong năm 2023 Bộ trưởng Bộ Công Thương trả lời về ngăn chặn hàng giả trên môi trường thương mại điện tử |
Đấu tranh chống gian lận thương mại, hàng giả ở thương mại điện tử còn nhiều khó khăn
Theo Cục Quản lý thị trường– Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Quảng Nam, 6 tháng đầu năm 2024, Ban Chỉ đạo 389 Quảng Nam đã triển khai nhiều giải pháp trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
Các lực lượng chức năng thông qua công tác thanh tra, kiểm tra đã phát hiện, bắt giữ 1.039 vụ việc vi phạm (tăng 10,3% so với cùng kỳ năm 2023, tương ứng tăng 97 vụ).
Số vụ phát hiện vi phạm liên quan đến vận chuyển, buôn bán hàng cấm, hàng lậu tại Quảng Nam tăng mạnh (Ảnh:CTV) |
Trong đó, đáng chú ý, số vụ vi phạm liên quan đến hàng cấm, hàng nhập lậu tăng mạnh. Cụ thể, các lực lượng thuộc Ban chỉ đạo 389 tỉnh Quảng Nam đã phát hiện, bắt giữ 396 vụ buôn bán, vận chuyển hàng cấm, hàng lậu, tăng 100% so với cùng kỳ năm 2023.
Ngoài ra, phát hiện 625 vụ gian lận thương mại, gian lận về thuế (giảm 14,5% so với cùng kỳ); 10 vụ hàng giả, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ (tăng 28,57% so với cùng kỳ).
Xử lý vi phạm hành chính 1.085 vụ (tăng 17,17% so với cùng kỳ, tương ứng tăng 159 vụ). Tổng số tiền thu nộp ngân sách Nhà nước gần 59 tỷ đồng (tăng 2,56% so với cùng kỳ). Gồm, tiền thu phạt vi phạm hành chính hơn 21,25 tỷ đồng; tiền phạt bổ sung, truy thu thuế hơn 38,44 tỷ đồng; tiền bán thanh lý hàng tịch thu gần 782 triệu đồng. Tiến hành khởi tố 202 vụ/378 đối tượng.
Ông Lương Viết Tịnh - Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh Quảng Nam cho biết, các kết quả thực hiện của Ban chỉ đạo 389 tỉnh góp phần ổn định thị trường; tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh cho các doanh nghiệp, hộ kinh doanh, bảo vệ được lợi ích hợp pháp và quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng; không để xảy ra địa bàn, điểm nóng về buôn lậu, gian lận thương mại, không có hiện tượng đầu cơ, găm hàng... Tuy nhiên, công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên môi trường thương mại điện tử của các lực lượng chức năng còn nhiều khó khăn nhất là công tác đấu tranh, phát hiện, xử phạt các hành vi vi phạm pháp đối với các tổ chức, cá nhân hoạt động kinh doanh qua mạng xã hội như: zalo, Facebook, Twiter, Tiktok... vì vậy, kết quả phát hiện, xử phạt vi phạm hành chính trên môi trường thương mại điện tử còn chưa cao.
Các đơn vị thuộc Ban chỉ đạo 389 Quảng Nam kiểm tra, phát hiện hộ kinh doanh Mai Thương si tuyển (huyện Thăng Bình) sử dụng mạng xã hội để buôn bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu và kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ (Ảnh:CTV) |
Kiểm soát chặt, xử lý nghiêm
Theo ông Phan Thái Bình – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, Trưởng Ban chỉ đạo 389 Quảng Nam, trong những tháng cuối năm 2024, Ban Chỉ đạo 389 tỉnh sẽ tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chỉ đạo của Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia, UBND tỉnh, về công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
Tăng cường tuần tra, kiểm soát chặt chẽ trên các tuyến biên giới, cửa khẩu đường bộ, đường sắt, đường biển, đường hàng không, các đường mòn, lối mở, khu vực tập kết hàng hóa gần biên giới để ngăn chặn hàng cấm, hàng giả, hàng kém chất lượng nhập lậu vào thị trường nội địa của tỉnh và các vùng lân cận để tiêu thụ.
Kiểm soát chặt chẽ các chợ đầu mối, chợ dân sinh, các trung tâm thương mại, đại lý, cửa hàng tạp hóa, sàn giao dịch thương mại điện tử, các trang mạng xã hội (zalo, facebook, tiktok...) mua, bán trực tuyến, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng hoạt động kinh doanh để mua bán, vận chuyển hàng cấm, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ... nhất là vào các dịp Lễ, Tết.
Quảng Nam kiểm soát chặt, xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng kinh doanh để vận chuyển, buôn bán hàng hàng, hàng nhập lậu, hàng giả (Ảnh:CTV) |
Chủ động các giải pháp chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả phù hợp diễn biến tình hình địa phương. Đặc biệt tập trung đấu tranh, ngăn chặn hiệu quả các hoạt động mua bán, vận chuyển trái phép ma túy, pháo nổ, động vật hoang dã, buôn lậu, vận chuyển trái phép thuốc lá, xăng dầu, đường cát, vàng, ngoại tệ...; chú trọng kiểm tra kiểm soát thị trường đối với các hoạt động thương mại điện tử, nền tảng kinh tế số, các loại hình thương mại phi truyền thống mới phát sinh trong những năm gần đây.
Ngoài ra, tăng cường phối hợp, chia sẻ thông tin giữa các đơn vị trong Ban chỉ đạo 389 để nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa, ngăn chặn, đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; đẩy mạnh tuyên truyền trên các nền tảng số, mạng xã hội; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, nâng cao hiệu quả công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả của Ban Chỉ đạo 389 Quảng Nam trong thời gian tới.