Vụ sạt lở bờ sông uy hiếp nhà dân: Quảng Nam công bố tình huống khẩn cấp Quảng Nam: Sạt lở nghiêm trọng bờ sông Vu Gia, uy hiếp hàng loạt nhà dân |
UBND tỉnh Quảng Nam vừa có quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư dự án Kè chống sạt lở khẩn cấp bờ sông Quảng Huế đoạn qua thôn Phú Nghĩa (xã Đại An, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam).
Theo đó, quy mô đầu tư xây dựng kè chống xói lở 2 bên bờ sông Quảng Huế với tổng chiều dài khoảng 1,12 km. Trong đó, đoạn kè bờ tả tại vị trí hố xói có chiều dài đoạn kè khoảng 270 m. Kết cấu chân kè bằng cấu kiện bê tông đúc sẵn, bên trong ống buy chèn bê tông đá hộc, gia cố chống xói bằng rọ và thảm đá; mái kè bằng rọ đá và đá lát khan trong hệ khung giằng bê tông cốt thép; đỉnh kè bằng bê tông cốt thép, kết hợp đường quản lý bằng bê tông; gia cố chống xói hạ lưu đập.
Sửa chữa đoạn kè bờ tả với chiều dài đoạn kè khoảng 550 m. Nội dung sửa chữa tại những vị trí hư hỏng tháo dỡ gia cố lại đá lát trong khung giằng bê tông cốt thép, trên tầng lọc dăm đệm, cát thô, vải địa kỹ thuật.
Xây mới đoạn kè bờ hữu với chiều dài đoạn kè khoảng 300 m. Trong đó, kết cấu gồm chân kè bằng lăng thể đá đổ tại chỗ, gia cường bằng cấu kiện buy bê tông đúc sẵn, độn đá hộc; mái kè bằng rọ đá, thảm đá và đá lát khan trên tầng lọc gồm dăm đệm, cát thô và vải địa kỹ thuật trong hệ khung dầm bê tông cốt thép; đỉnh kè bằng bê tông kết hợp đường quản lý bằng bê tông.
Dự án Kè chống sạt lở khẩn cấp bờ sông Quảng Huế có tổng mức đầu tư 64,5 tỷ đồng. |
Dự án có tổng mức đầu tư dự kiến 64,5 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách Trung ương, nhóm dự án C. Thời gian thực hiện dự án trong năm 2024.
Đây là dự án nhằm bảo vệ tính mạng, tài sản, đất canh tác và các công trình hạ tầng ven sông, góp phần ổn định đời sống dân cư, phát triển kinh tế xã hội vùng dự án.
UBND tỉnh Quảng Nam giao Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh làm chủ đầu tư dự án, khẩn trương hoàn chỉnh các hồ sơ, thủ tục, triển khai thực hiện dự án đảm bảo tiến độ, đồng thời, tuân thủ theo đúng các quy định của pháp luật. Các Sở: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Ban chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh phối hợp với các ngành liên quan theo dõi, hướng dẫn chủ đầu tư trong quá trình triển khai thực hiện.
Trước đó, như Báo Công Thương đưa tin, qua các đợt thiên tai từ cuối tháng 9/2022, tình hình sạt lở bờ sông Quảng Huế đoạn qua thôn Phú Nghĩa, xã Đại An, huyện Đại Lộc (đã bị sạt lở từ cuối năm 2020) tiếp tục diễn ra, làm cuốn trôi đất sản xuất nông nghiệp (khoảng 3 ha) và nguy cơ ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, sinh hoạt của các hộ dân đang sinh sống tại khu vực. Ngoài ra, khu vực sạt lở gần sát móng 2 trụ điện đường dây trung thế có nguy cơ ngã đổ sẽ gây thiệt hại lớn về tài sản và ngưng cung cấp điện diện rộng đối với các xã vùng B của huyện Đại Lộc và vùng lân cận.