Quảng Nam phát triển du lịch xanh, giữ gìn giá trị văn hoá bản địa |
Chiều 16/9, tại TP. Hội An, với sự bảo trợ của UBND tỉnh Quảng Nam và Tổ chức UNESCO tại Việt Nam, Hiệp hội Du lịch Quảng Nam tổ chức hội thảo quốc tế: "Du lịch xanh trên nền tảng văn hóa Quảng Nam".
Đây là hoạt động nằm trong chuỗi sự kiện Năm Du lịch Quốc gia Quảng Nam 2022: Điểm đến Du lịch xanh và hướng đến kỷ niệm 23 năm Đô thị cổ Hội An, Khu đền tháp Mỹ Sơn được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới.
Hội thảo quốc tế "Du lịch xanh trên nền tảng văn hóa Quảng Nam" |
Phát biểu tại hội thảo, ông Phan Xuân Thanh - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Nam cho biết, trên hành trình hướng đến mục tiêu du lịch xanh - bền vững, Quảng Nam đã nhận được sự ủng hộ của chính quyền địa phương, sự đồng thuận của cộng đồng và doanh nghiệp, sự hợp tác kỹ thuật và nguồn lực của các tổ chức, các chuyên gia...
Để phát triển du lịch xanh - bền vững sẽ gặp những khó khăn phải đối mặt: sự chuyển biến nhận thức và hành động, thay đổi tư duy thích ứng để chuyển đổi hệ thống quản trị tốt và phát triển nhân lực, sự xung đột với mô hình cũ, dịch bệnh Covid- 19… “Việc hiện thực hóa ý niệm về con đường du lịch xanh của Quảng Nam sẽ dần được hiện hữu thông qua những nỗ lực trong các hoạt động du lịch. Từ vấn đề môi trường - rác thải đến việc nương tựa vào tài nguyên thiên nhiên biển cả, dòng sông, cánh đồng và những giá trị văn hóa, lịch sử truyền thống… để tạo ra bầu không khí du lịch trong lành, những sản phẩm du lịch khác biệt riêng của địa phương. Điều đó cũng được định lượng một phần bởi Bộ tiêu chí du lịch xanh Quảng Nam với sự tham gia của cộng đồng doanh nghiệp”, ông Thanh cho hay.
Tại hội thảo, các đại biểu, chuyên gia du lịch trong nước và quốc tế, những bên liên quan đã bàn thảo các vấn đề: Tầm quan trọng của phát triển du lịch xanh dựa trên nền tảng văn hoá của Quảng Nam; Làm thế nào để khai thác nét đẹp văn hoá đặc trưng Quảng Nam cho phát triển du lịch xanh; Chia sẻ kinh nghiệm - mô hình và giải pháp quốc tế áp dụng cho phát triển du lịch xanh.
Các chuyên gia trình bày, đóng góp ý kiến tại hội thảo |
Với ông Douglas Hainsworth - Trưởng nhóm chuyên gia Dự án Du lịch bền vững Thụy Sĩ, để khai thác nét đẹp văn hoá đặc trưng Quảng Nam cho phát triển du lịch xanh, ông khuyến nghị văn hóa phải giữ ở vị trí trung tâm, nhưng cần nỗ lực để làm đa dạng, trải rộng và nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch văn hóa – du lịch xanh. Cần tập trung vào tính chân thực, sự đa dạng, trải rộng, chất lượng, tính bền vững.
Theo ông Nguyễn Thanh Hồng - Giám đốc Sở Văn hoá Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Nam, qua các cuộc khảo sát, tham dò của các chuyên gia, du lịch Quảng Nam lâu nay chủ yếu tập trung ở phía Bắc, cụ thể là trung tâm đô thị cổ Hội An và Khu đền tháp Mỹ Sơn. Du khách đến đông nhưng doanh thu không nhiều, số ngày và đêm lưu trú của du khách tại Quảng Nam cũng không cao.
Chính vì thế, Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Nam cho rằng có những giải pháp để tuyên truyền nhận thức sâu rộng trong việc triển khai bộ tiêu chí du lịch xanh, làm thế nào để có thêm nhiều sản phẩm lan toả về phía Nam, Tây, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nông thôn để khai thác các giá trị tìềm năng làng nghề, bản sắc văn hoá bản địa vùng miền núi phía Tây tỉnh Quảng Nam. Đa dạng sản phẩm và theo định hướng xuyên suốt phát triển du lịch xanh, bền vững, du lịch trên nền tảng văn hoá. Phấn đấu sau Năm du lịch Quốc gia 2022 sẽ có nhiều sản phẩm đảm bảo theo bộ tiêu chí du lịch xanh được công nhận, có giá trị.
Để phát triển du lịch xanh trong thời gian tới đạt hiểu quả, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Trần Văn Tân đề nghị Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch, cộng đồng du lịch, các bên liên quan tiếp tục quan tâm thực hiện tốt các nhiệm vụ. Ông cũng gợi mở một số công việc cần triển khai để phát triển du lịch xanh trên nền tảng văn hoá.
Ông Trần Văn Tân - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam |
Thứ nhất, cần tập trung xây dựng du lịch xanh quán triệt trên từng sản phẩm cụ thể, địa điểm du lịch. Phấn đấu đến năm 2025, Quảng Nam có 10 - 20 mô hình du lịch xanh tiêu biểu như kế hoạch của UBND tỉnh đã đề ra.
Thứ hai, ngành du lịch, cộng đồng du lịch Quảng Nam tiếp tục tăng cường áp dụng bộ tiêu chí du lịch xanh ở các cơ sở kinh doanh, cộng đồng doanh nghiệp, các cơ quan đơn vị có liên quan.
“Tôi thiết nghĩ Quảng Nam cần có những sản phẩm du lịch dịch vụ xanh, tour du lịch xanh, cơ sở lưu trú du lịch xanh, mang lại giá trị đích thực. Mỗi cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, người dân đều phải là một đại sứ chuyển tải thông điệp du lịch xanh và thực hiện thật tốt bộ tiêu chí du lịch xanh để chuyển tải đến khách du lịch nhiều hơn nữa”, ông Tân nhấn mạnh.
Quảng Nam cần có những sản phẩm du lịch dịch vụ xanh, tour du lịch xanh, cơ sở lưu trú du lịch xanh, mang lại giá trị đích thực |
Thứ ba, với bề dày lịch sử và giá trị đặc trưng của văn hoá Quảng Nam, cần xác lập nền tảng văn hoá trong phát triển du lịch xanh, các hoạt động du lịch phải thiết lập trên nền tảng văn hoá ấy, nương tựa và phát huy những giá trị văn hoá truyền thống, đặc trưng. Chú trọng giảm áp lực đến những các di sản, kết hợp tái tạo, giữ gìn các giá trị văn hoá bản địa, các làng nghề.
Thứ tư, các sở ban ngành liên quan tiếp tục tham mưu đề xuất UBND tỉnh để xây dựng chiến lược phát triển văn hoá du lịch theo hướng bền vững, du lịch xanh, khuyến khích tinh thần đổi mới sáng tạo trên nền tảng bảo tồn thật tốt những giá trị văn hoá cốt lõi, đặc trưng, giảm thiểu tác động đến môi trường, tự nhiên và xã hội.