Theo Ban quản lý KKT Quảng Bình, quý I/2021, đơn vị đã thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao trên các lĩnh vực, triển khai xây dựng quy hoạch phát triển các KKT, KCN nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho công tác thu hút, kêu gọi các dự án đầu tư. Kế hoạch bố trí vốn phát triển đầu tư hạ tầng trong KKT, KCN năm 2021 là 68,051 tỷ đồng, đến nay đã giải ngân 13 tỷ đồng, vốn còn lại hơn 55 tỷ đồng sẽ tiếp tục giải ngân trong năm 2021.
Quảng Bình ưu tiên các nguồn vốn để đầu tư hạ tầng tại các KKT nhằm thu hút nhà đầu tư, doanh nghiệp |
Cũng trong quý I/2021, tại các KKT, KCN đã cấp chủ trương đầu tư cho 3 dự án với tổng mức đầu tư đăng ký 155 tỷ đồng, cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho Dự án Nhà máy nhiệt điện Quảng Trạch II với số vốn đầu tư 48.156 tỷ đồng; sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp vẫn ổn định với tổng doanh thu 743 tỷ đồng, tăng 5% so với cùng kỳ năm 2020. Kim ngạch xuất nhập khẩu tại KKT Cửa khẩu quốc tế Cha Lo đạt 318 triệu USD, tăng 150% so với cùng kỳ; thuế hàng hóa qua cửa khẩu đạt 17 tỷ đồng, tăng 197,1% so với cùng kỳ. Công tác quản lý Nhà nước trên các lĩnh vực tiếp tục được quan tâm và thực hiện tốt. Đặc biệt, chất lượng hoạt động cải cách hành chính có nhiều tiến bộ với chỉ số cải cách hành chính luôn đứng tốp đầu của tỉnh...
Phát biểu tại buổi làm việc, ông Trần Thắng - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình đánh giá cao việc Ban quản lý KKT đã bám sát chỉ đạo của tỉnh ủy và UBND tỉnh trong triển khai và thực hiện tốt nhiệm vụ được giao. Bên cạnh đó, Chủ tịch UBND tỉnh cũng đã chỉ rõ một số vấn đề còn tồn tại hạn chế, bất cập cần có giải pháp hiệu quả để kịp thời khắc phục.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình, thời gian tới Ban quản lý KKT tiếp tục rà soát để quy hoạch các KCN mới, tranh thủ sự giúp đỡ của các Bộ, ngành Trung ương hỗ trợ các nguồn vốn từ các chương trình mục tiêu quốc gia để tham mưu UBND tỉnh, các sở, ban, ngành phê duyệt Kế hoạch vốn trung hạn giai đoạn 2021 - 2025, trong đó ưu tiên bố trí đủ nguồn vốn Trung ương và địa phương để đầu tư xây dựng hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật các KKT, KCN nhằm đáp ứng nhu cầu về mặt bằng sản xuất và hạ tầng phục vụ cho các nhà đầu tư và doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh; tăng cường công tác xúc tiến đầu tư, phối hợp với các sở, ngành trong tỉnh, kết nối với các trung tâm xúc tiến đầu tư của các Bộ, ngành trong việc quảng bá thu hút đầu tư, ưu tiên thu hút những dự án có quy mô lớn, công nghệ hiện đại, thân thiện môi trường và có đóng góp lớn vào ngân sách và thu hút nhiều lao động; đôn đốc các nhà đầu tư sớm triển khai các dự án đã ký biên bản ghi nhớ hợp tác đầu tư vào KKT, KCN tỉnh.
“Bên cạnh đó, thường xuyên nắm bắt hoạt động của các doanh nghiệp để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và chủ động tạo điều kiện để các doanh nghiệp phát triển sản xuất, tiêu thụ sản phẩm; hướng dẫn các doanh nghiệp thực hiện tốt các chế độ, chính sách của pháp luật về lao động; nắm chắc tình hình diễn biến dịch bệnh Covid-19, đề xuất các biện pháp phòng ngừa đảm bảo tốt công tác phòng, chống dịch bệnh…”, ông Trần Thắng nhấn mạnh.