Mặc dù bị ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19, nhưng giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Bình vẫn có mức tăng trưởng khá |
Theo Sở Công Thương Quảng Bình cho biết, 6 tháng đầu năm 2020, chỉ số sản xuất công nghiệp ước tăng 5,1% so với cùng kỳ năm 2019, trong đó: ngành công nghiệp khai khoáng tăng 5,5%; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 5,0%; sản xuất và phân phối điện tăng 5,5%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 4,9%.
Giá trị sản xuất công nghiệp (theo giá so sánh 2010) 6 tháng đầu năm ước đạt 6.122,3 tỷ đồng, tăng 6,0% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: kinh tế nhà nước ước đạt 150,6 tỷ đồng, tăng 5,3%; kinh tế ngoài nhà nước ước đạt 4.208,5 tỷ đồng, tăng 5,7%; kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài ước đạt 1.763,2 tỷ đồng, tăng 6,7%.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu, dịch vụ toàn tỉnh 6 tháng đầu năm ước đạt 21.384 tỷ đồng, giảm 2,4% so với cùng kỳ và đạt 42,5% so với kế hoạch năm 2020, trong đó: tổng mức bán lẻ hàng hoá ước đạt 18.857,1 tỷ đồng, tăng 0,3%; doanh thu hoạt động lưu trú và ăn uống ước đạt 1.726,8 tỷ đồng, giảm 20,4%; doanh thu hoạt động du lịch đạt 84,5 tỷ đồng, giảm 52,2; doanh thu hoạt động dịch vụ đạt 715,3 tỷ đồng, giảm 7,8%.
Đại diện Phòng quản lý thương mại (Sở Công Thương) cho biết, hoạt động thương mại 6 tháng đầu trên địa bàn tỉnh Quảng Bình có mức tăng thấp nhất so với nhiều năm là do tác động nặng nề của dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng đến mọi mặt của đời sống, kinh tế - xã hội; nhiều cơ sở sản xuất kinh doanh phải đóng cửa trong thời gian dài, thu nhập của người dân ảnh hưởng, tổng cầu của nền kinh tế xuống thấp, khách du lịch sụt giảm, cơ cấu chi tiêu của người dân nghiêng về các mặt hàng thiết yếu phục vụ đời sống, hạn chế tiêu dùng các mặt hàng xa xỉ phẩm.
Về thực hiện nhiệm vụ và giải pháp 6 tháng cuối năm 2020, Sở Công thương Quảng Bình đã xây dựng các kế hoạch cụ thể như tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp; tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở sản xuất công nghiệp, các dự án mới đầu tư đi vào sản xuất ổn định, khai thác tốt công suất thiết bị và hiệu quả đầu tư.
Thời gian tới, tỉnh Quảng Bình sẽ tập trung đẩy nhanh tiến độ các dự án công nghiệp trọng điểm |
Trong đó, tập trung đẩy nhanh tiến độ đầu tư các dự án công nghiệp, thương mại lớn đang triển khai như: Nhà máy Nhiệt điện Quảng Trạch I và II; các dự án đường dây và trạm biến áp 500-220-110kV theo Quy hoạch điện; các dự án điện năng lượng tái tạo trên địa bàn. Xúc tiến triển khai các dự án: điện mặt trời, điện gió, điện sinh khối, dệt may, chế biến gỗ OKAL, thu hồi nhiệt điện ở các nhà máy xi măng, chế biến thủy sản... tiếp tục mời gọi các dự án đầu tư phát triển công nghiệp, thương mại vào địa bàn tỉnh.
Về lĩnh vực thương mại, tiếp tục thực hiện tốt cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, khuyến khích các tổ chức, cá nhân sử dụng hàng hóa do doanh nghiệp trong tỉnh sản xuất. Đảm bảo cân đối cung - cầu các mặt hàng thiết yếu nhằm bình ổn thị trường, giá cả, nhất là trong các dịp lễ, tết, mùa du lịch và mưa bão. Tập trung củng cố thị trường nội địa, phát triển mạng lưới kinh doanh thương mại ở cả ba khu vực thành phố, nông thôn, miền núi; gắn sản xuất với lưu thông nhằm tạo điều kiện tiêu thụ sản phẩm cho nông dân và doanh nghiệp.
Đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả hoạt động Khuyến công; tăng cường công tác xúc tiến thương mại để hỗ trợ cho các doanh nghiệp, phát triển sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Tiếp tục thực hiện tốt Kế hoạch phát triển thương mại điện tử, hoạt động Sàn giao dịch thương mại điện tử và Trang thông tin điện tử của Sở Công Thương. Đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo TCVN ISO 9001:2015 tại Sở Công Thương.