Theo đó, tính đến nay toàn tỉnh Quảng Bình có 332 dự án ĐMTMN được lắp đặt, đấu nối, với tổng công suất lắp đặt 4.167kWp, trong đó 240 dự án ĐMTMN có công suất lắp đặt dưới 10kWp/dự án; 88 dự án có công suất lắp đặt từ 10 - 100kWp/dự án; 3 dự án có công suất lắp đặt từ 100 - 500kWp; 1 dự án có công suất lắp đặt trên 500kWp. Ngoài ra, còn có 30 dự án có tổng công suất lắp đặt 29.564kWp đã được thỏa thuận đấu nối và 20 dự án có tổng công suất lắp đặt 13.287kWp đang làm thủ tục thỏa thuận đấu nối, hiện đang vướng mắc vì chưa có hướng dẫn cụ thể. Bên cạnh đó, hiện tại trên địa bàn Quảng Bình có khoảng 60 đơn vị, doanh nghiệp có tổng diện tích mái khoảng 39ha đề xuất phát triển quy mô ĐMTMN, dự kiến công suất lắp đặt 34.217kWp.
Với những hiệu quả mang lại, ĐMTMN đang được doanh nghiệp, người dân tại TP. Đồng Hới lắp đặt |
Đại diện Sở Công Thương Quảng Bình cho biết, nhằm đẩy mạnh công tác thực hiện các văn bản của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời tại Việt Nam, Chương trình Quốc gia về sử dụng năng lượng, tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019 - 2030, UBND tỉnh Quảng Bình đã ban hành các văn bản thúc đẩy phát triển ĐMTMN trên địa bàn, nhằm khuyến khích phát triển ĐMTMN tại các cơ quan, doanh nghiệp và các hộ dân trên địa bàn tỉnh, tạo ra nguồn điện tự dùng tại chỗ, phát triển nguồn năng lượng sạch từ các cấp chính quyền, cơ quan, đoàn thể đến các doanh nghiệp và hộ dân trên địa bàn tỉnh, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng, thực hiện cam kết của Việt Nam về giảm phát thải khí nhà kính và Chương trình Quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
Bên cạnh đó, Công ty Điện lực Quảng Bình (PC Quảng Bình) cũng đã thực hiện công bố công khai lưu đồ thực hiện việc tiếp nhận và giải quyết nhu cầu lắp đặt ĐMTMN trên website của Công ty (https://pcquangbinh.cpc.vn), Cổng thông tin điện tử của tỉnh (https://www.quangbinh.gov.vn), trong đó thể hiện các thủ tục cần thiết khi lắp đặt, số ngày thực hiện, các hồ sơ cần thiết theo từng giai đoạn để chủ đầu tư chủ động chuẩn bị. Đồng thời, công bố công khai về khả năng truyền tải công suất của từng xuất tuyến, từng trạm biến áp để nhà đầu tư có thông tin cần thiết trong giai đoạn đầu tư hoặc khi có thay đổi.
Tuy nhiên, để tạo điều kiện cho cho việc hướng dẫn, vận động cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp phát triển hệ thống ĐMTMN theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và đảm bảo cho hệ thống vận hành an toàn, ổn định lâu dài, UBND tỉnh Quảng Bình kiến nghị Bộ Công Thương ban hành quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật của hệ thống ĐMTMN phù hợp, mang lại hiệu quả cao cho người dân và doanh nghiệp; tăng cường công tác quản lý nhà nước, kiểm tra, kiểm định đối với hệ thống ĐMTMN có công suất lắp đặt trên 500kWp; tham mưu, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành cơ chế giá ĐMTMN sau thời hạn của Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg ngày 6/4/2020; đồng thời phối hợp với Bộ Tài chính ban hành hướng dẫn cho việc phát triển hệ thống ĐMTMN tại trụ sở, cơ quan, tổ chức hành chính Nhà nước và đơn vị sử dụng tòa nhà là tài sản công.