Theo Sở Công Thương Quảng Bình, thời gian qua sức tiêu thụ hàng Việt ở các chợ nông thôn trở nên sôi động hơn, tâm lý tiêu dùng hàng nội dần trở thành thói quen của người dân. Người dân nông thôn đa số thu nhập thấp, cuộc sống còn nhiều khó khăn, trong khi đó hàng ngoại chất lượng tốt thì giá quá đắt, một số mặt hàng giá thấp thì chất lượng không đảm bảo nên hàng Việt vẫn là sự lựa chọn phù hợp của người tiêu dùng. Đối với doanh nghiệp họ cũng nhận thức được ý nghĩa của Cuộc vận động nên có sự đầu tư về mẫu mã, bao bì hàng hóa ngày càng đẹp và tiện lợi hơn để thu hút người tiêu dùng hàng Việt. Cuộc vận động bước đầu đã thay đổi nhận thức của người dân trong tiêu dùng hàng Việt.
Hội nghị Ngành Công thương 6 tỉnh Bắc Trung Bộ và Kết nối cung - cầu hàng hóa được tổ chức tại Quảng Bình |
Ông Phan Hoài Nam – Phó Giám đốc Sở Công Thương Quảng Bình cho biết, với vai trò quản lý nhà nước lĩnh vực công thương, Sở đã lồng ghép trong công tác chuyên môn để triển khai thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” nên mang lại một số kết quả quan trọng, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh thúc đẩy phát triển ngành công thương. Đồng thời, tích cực tham mưu, chỉ đạo, hướng dẫn cộng đồng doanh nghiệp, tuyên truyền đến người tiêu dùng trong việc ưu tiên mua sắm hàng Việt, vì vậy đã góp phần vào thành công chung của Cuộc vận động trên địa bàn tỉnh.
Bên cạnh đó, ngành Công Thương Quảng Bình không ngừng đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, bồi dưỡng, tập huấn trong việc thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Từ năm 2009-2018 Sở đã phối hợp với Báo Quảng Bình đăng 68 bài viết và 76 chuyên mục trên Đài PTTH Quảng Bình, đăng hơn 1.500 bài viết, sưu tầm trên Trang thông tin điện tử của Sở và đăng tải 100 sản phẩm của các doanh nghiệp thành viên lên Sàn giao dịch thương mại điện tử tỉnh Quảng Bình. Hỗ trợ nâng cấp Website của 20 doanh nghiệp, xây dựng mới 10 Website bán hàng trực tuyến cho các doanh nghiệp, thực hiện nhiều đề án về phát triển thương mại điện tử hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh qua kênh phân phối thương mại điện tử. Tổ chức 11 lớp (105-200 học viên/lớp) tập huấn, hội nghị bồi dưỡng kiến thức cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh.
Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh, Sở Công Thương đã tham mưu UBND tỉnh Quảng Bình ban hành quy định chính sách khuyến khích phát triển công nghiệp - thương mại giai đoạn 2011-2015; ban hành quy định nội dung và mức hỗ trợ khuyến khích phát triển công nghiệp và xúc tiến thương mại tỉnh Quảng Bình. Việc ban hành các chính sách trên là yếu tố quan trọng để giúp các doanh nghiệp phát triển, góp phần thúc đẩy kinh tế của tỉnh Quảng Bình.
Khai trương điểm bán hàng nông sản Việt tại Quảng Bình |
Tích cực hỗ trợ doanh nghiệp trong phân phối, tiêu thụ hàng hóa, mở rộng thị trường đưa hàng Việt về nông thôn, miền núi, tổ chức bán hàng Việt khuyến mại, các hoạt động xúc tiến thương mại. Trực tiếp chỉ đạo, tổ chức mời gọi các doanh nghiệp tham gia Hội chợ Quốc tế 3 nước Việt Nam, Lào, Thái Lan; Hội chợ Xuân; Hội chợ Thương mại tại Thành phố Đồng Hới và xác nhận tổ chức hội chợ tại các huyện, thị xã trên địa bàn tỉnh. 10 năm qua đã hỗ trợ cho 168 lượt doanh nghiệp tham gia Hội nghị kết nối cung cầu … Tư vấn hỗ trợ thành lập 5 doanh nghiệp đầu mối bao tiêu sản phẩm sắn, nghệ củ, nấm linh chi và nấm mộc nhĩ; thủy hải sản và khoai lang trên địa bàn tỉnh. Hỗ trợ đầu tư thiết kế nhãn hiệu sản phẩm, chỉ dẫn địa lý, bao bì cho 2 doanh nghiệp trên địa bàn.
Thực hiện Đề án “Phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động”, Sở Công Thương Quảng Bình đã phối hợp với Bộ Công Thương xây dựng 2 Điểm bán hàng Việt với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam” tại siêu thị Diến Hồng (huyện Minh Hóa) và siêu thị Thái Hậu (thị xã Ba Đồn). Ngoài ra, để nhân rộng mô hình điểm bán hàng Việt, Sở Công Thương đã hỗ trợ xây dựng thêm 4 điểm bán hàng Việt khác tại thành phố Đồng Hới và xã Phúc Trạch (huyện Bố Trạch).
Từ năm 2012-2018, Sở Công Thương đã hỗ trợ 4.375,961 triệu đồng cho hơn 500 lượt doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh tham gia Hội chợ, hội nghị kết nối cung cầu, tham quan học tập kinh nghiệm tại các tỉnh bạn... Từ năm 2010-2018, Sở đã hỗ trợ cho 236 doanh nghiệp, cơ sở đầu tư phát triển sản xuất công nghiệp số tiền 15.943 triệu đồng. Tiếp nhận và theo dõi thông báo thực hiện khuyến mại của 21.493 lượt doanh nghiệp với tổng giá trị hàng hóa doanh nghiệp thông báo thực hiện khuyến mại là 51.906 tỷ đồng.
Đưa hàng Việt về vùng nông thôn, miền núi |
Về công tác quản lý thị trường, kiểm tra, kiểm soát giá cả; đấu tranh ngăn chặn hàng lậu, hàng giả, hàng nhái, gian lận thương mại, hàng kém chất lượng, hàng vi phạm quy định an toàn thực phẩm, Sở đã chỉ đạo lực lượng Quản lý thị trường ban hành nhiều văn bản tăng cường phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước để giám sát việc thực hiện bán hàng khuyến mại trên địa bàn; phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm. Từ năm 2009 - 2018, lực lượng Quản lý thị trường đã kiểm tra 20.168 trường hợp, phát hiện 7.168 vụ vi phạm. Tổng số tiền phạt vi phạm hành chính, bán hàng tịch thu, trị giá hàng tịch thu chưa bán, trị giá hàng tiêu hủy và thu khác là khoảng 40.000 triệu đồng. Tổng số tiền thu nộp ngân sách nhà nước khoảng 32.000 triệu đồng.
Lực lượng quản lý thị trường Quảng Bình tăng cường, đấu tranh ngăn chặn hàng giả, hàng nhái, gian lận thương mại |
Có thể khẳng định, Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã làm thay đổi nhận thức đến hành động của người dân trong việc ưu tiên mua sắm hàng Việt đảm bảo chất lượng. Từ đó, tạo động lực cho doanh nghiệp, cơ sở sản xuất ra các sản phẩm Việt vừa đảm bảo chất lượng vừa đa dạng về hình thức, mẫu mã thu hút người tiêu dùng. Các thương nhân, cơ sở kinh doanh đầu tư mở rộng hệ thống phân phối hàng hóa, tổ chức các chuyến hàng lưu động kèm theo với các chương trình khuyến mại kích cầu tiêu dùng nhất là vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa để đưa hàng Việt đến tận tay người tiêu dùng. Cuộc vận động thực sự đã tạo được sức lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng về tiêu dùng hàng Việt từ đó góp phần tăng trưởng tổng mức bán lẻ hàng hóa trên địa bàn tỉnh Quảng Bình thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.