Quảng Bình: Hiệu quả từ những ngôi nhà chống lũ |
Ngày 14/9, UBND tỉnh Quảng Bình đã có buổi làm việc với các chuyên gia về vấn đề "Đánh giá nguyên nhân gây ngập lụt kéo dài do lũ và định hướng giải pháp thoát lũ cho vùng Lệ Thủy, Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình'.
Ông Đoàn Ngọc Lâm- Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Bình cho hay, xuất phát từ tình hình lũ lụt thường xuyên xảy ra trong nhiều năm trên địa bàn 2 huyện Lệ Thủy và Quảng Ninh, đặc biệt sau trận lũ lụt lịch sử tháng 10-2020 đã gây nhiều thiệt hại nghiêm trọng, UBND tỉnh đã đề xuất Bộ Nông nghiệp- Phát triển nông thôn hỗ trợ tìm giải pháp để thoát lũ hiệu quả, giúp người dân địa phương chung sống an toàn, bền vững.
Theo đó, Trường đại học Thủy Lợi đã được Bộ Nông nghiệp-PTNT giao thực hiện đề tài nghiên cứu, tìm giải pháp thoát lũ cho vùng Lệ Thủy và Quảng Ninh.
Theo đại diện nhóm nghiên cứu của Trường đại học Thủy Lợi, nguyên nhân gây ngập lụt kéo dài ở vùng Lệ Thủy và Quảng Ninh là do mưa lớn bất thường, cửa sông Nhật Lệ bị bồi lấp, lũ chồng lũ và đỉnh lũ trùng với đỉnh triều cường, các công trình hạ tầng hai bên bờ sông cản trở dòng chảy và do đặc điểm địa hình.
Nguyên nhân hay ngập lụt ở hai địa phương này được cho là do cửa sông bị bồi lấp, nhiều công trình hạ tầng hai bên bờ sông, địa hình và mưa lớn gây nên. (ảnh: Cửa sông Nhật Lệ đổ ra biển) |
Dựa theo các kết quả phân tích, điều tra, khảo sát và xây dựng bản đồ ngập lụt cho khu vực Lệ Thủy, Quảng Ninh, nhóm nghiên cứu Trường đại học Thủy Lợi đã đề xuất 2 nhóm giải pháp, gồm: Nhóm giải pháp tăng khả năng thoát lũ với các phương án được đề xuất là: Nạo vét, nâng cao khả năng thoát lũ cửa Nhật Lệ; cải tạo hành lang thoát lũ; mở cửa thoát lũ mới ra biển (gồm các phương án: kênh dẫn kết hợp các hồ chứa tại huyện Lệ Thủy; kênh dẫn ra biển, ranh giới Lệ Thủy và Quảng Ninh, kênh dẫn ra biển Bảo Ninh).
Đối với nhóm giải pháp phòng ngập lụt, chống lũ, nhóm nghiên cứu đề xuất các phương án: Nâng cấp đập Mỹ Trung kết hợp với mở rộng khẩu độ của cống để tăng khả năng thoát lũ…; nâng cấp tuyến đê sông để kết nối với đập Mỹ Trung.
Tại buổi làm việc, các đại biểu đã có nhiều ý kiến thảo luận, phân tích về cơ sở khoa học, tính phù hợp, khả thi của từng phương án. Các đại biểu đánh giá cao công trình nghiên cứu công phu, được thực hiện trong thời gian khá gấp rút của nhóm chuyên gia Trường đại học Thủy lợi; đồng thời cho rằng, cần bổ sung thêm các dữ liệu có liên quan để chứng minh tính khả thi của đề tài; xác định rõ chiến lược thoát lũ cho vùng Lệ Thủy, Quảng Ninh ở mức độ nào; đánh giá tác động môi trường khi thực hiện các phương án cụ thể.
Ông Đoàn Ngọc Lâm cho rằng, lũ lụt ở vùng Lệ Thủy, Quảng Ninh là do nhiều nguyên nhân gây ra và đây cũng là các địa phương thường xuyên xảy ra lũ lụt.
Vì vậy, để giải quyết vấn đề này cần phải có một giải pháp tổng hợp, đồng bộ, với những bước thực hiện phù hợp, có tính khả thi cao, mang tính bền vững, thân thiện với môi trường và bảo đảm cho sự phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.
"Tỉnh cũng đề nghị nhóm thực hiện đề tài của Trường đại học Thủy Lợi trong điều kiện có thể, tiếp thu thêm những ý kiến đóng góp của các đại biểu, nhất là các vấn đề có tính thực tiễn, bổ sung thêm các dữ liệu để hoàn thiện báo cáo"- ông Lâm cho hay