Xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ thu về 3,4 tỷ USD trong quý I/2024 Quảng Bình: Du khách nước ngoài cảm ơn công an vì tìm được tài sản đánh mất |
Theo Sở Công Thương Quảng Bình, chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 3 năm 2024 tăng 4,5% so với tháng 3 năm 2023; trong đó, công nghiệp khai khoáng tăng 0,6%; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 4,3%; sản xuất và phân phối điện tăng 11,6%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 13,7%.
Chỉ số sản xuất công nghiệp quý I năm 2024 tăng 6,7% so với cùng kỳ năm 2023; trong đó, công nghiệp khai khoáng giảm 7,6%; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 9,5%; sản xuất và phân phối điện giảm 10,9%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 7,9%. Ước tính, giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp quý I/2024 tăng 6,7% so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, sản phẩm công nghiệp chủ yếu sản xuất trong quý I năm 2024 (tăng so với cùng kỳ năm trước): Ván ép từ gỗ đạt 14.860 m3, tăng 134,5%; sản phẩm tinh bột sắn đạt 6.082 tấn, tăng 93,9%; cao su tổng hợp và cao su tự nhiên sản xuất đạt 292 tấn, tăng 74,9%; bia đóng chai đạt 592 nghìn lít, tăng 52,6%...
Theo ông Phan Hoài Nam- Phó Giám đốc Sở Công Thương Quảng Bình, hoạt động sản xuất công nghiệp tháng 3 và quý I/2024 trên địa bàn tỉnh tiếp tục duy trì mức tăng trưởng so với cùng kỳ năm trước, nhiều doanh nghiệp đã có các đơn hàng mới được ký kết để tiếp tục đẩy mạnh sản xuất. Sản xuất công nghiệp đã có những tín hiệu khởi sắc, một số ngành và sản phẩm gặp nhiều khó khăn và liên tục tăng trưởng âm trong năm 2023 đến nay đã tăng trưởng trở lại như: Chế biến gỗ và sản phẩm từ gỗ (gỗ xẻ, gỗ ván ép), sản xuất trang phục (sản phẩm áo sơ mi người lớn); các ngành: Chế biến thủy hải sản, chế biến thực phẩm, sản xuất hóa chất có mức tăng khá đã góp phần thúc đẩy ngành công nghiệp phát triển. Tuy nhiên, trong những tháng đầu năm vẫn còn một số doanh nghiệp gặp khó khăn trong tìm kiếm đơn hàng để sản xuất (chế biến gỗ và sản phẩm từ gỗ, khai khoáng, thuốc tân dược…). Bên cạnh đó, điện gió đạt sản lượng thấp so với cùng kỳ đã ảnh hưởng đến tốc độ tăng chung của ngành công nghiệp trong quý I/2024.
Các chỉ số công nghiệp và thương mại trong quý I/2024 ở tỉnh Quảng Bình đều có chiều hướng tăng so với cùng kỳ năm 2023 |
Đối với hoạt động thương mại tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ quý I năm 2024 ước đạt 14.672,3 tỷ đồng, tăng 10,05% so với cùng kỳ năm 2023 và đạt 24,92% kế hoạch năm 2024. Cụ thể: Tổng mức bán lẻ hàng hóa quý I năm 2024 ước đạt 12.721,4 tỷ đồng, tăng 10,03% so với cùng kỳ và đạt 24,93% kế hoạch năm 2024; doanh thu lưu trú và ăn uống quý I năm 2024 ước đạt 1.147,4 tỷ đồng, tăng 7,96% so với cùng kỳ; doanh thu hoạt động du lịch ước đạt 136,1 tỷ đồng, tăng 31,5% so với cùng kỳ; doanh thu hoạt động dịch vụ ước quý I năm 2024 ước đạt 667,4 tỷ đồng, tăng 10,41% so với cùng kỳ.
Quý I là khoảng thời gian trước, trong và sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, các siêu thị, trung tâm thương mại và các nhà phân phối thực hiện nhiều chương trình kích cầu tiêu dùng, tháng khuyến mại tập trung, chương trình bình ổn thị trường, kết nối cung cầu hàng hóa được thực hiện đồng loạt, nguồn cung hàng hóa dồi dào, đa dạng, đáp ứng đầy đủ nhu cầu mua sắm của người dân. Do đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa tăng so với cùng kỳ năm 2023. Tổng mức bán lẻ hàng hóa quý I/2023 ước đạt 12.721,4 tỷ đồng, tăng 10,03% so với cùng kỳ.
Giá mặt hàng xăng dầu tại kỳ điều chỉnh ngày 29/02/2024, giá xăng tăng từ 8 - 9% và giá dầu tăng từ 4 - 7% so với kỳ điều chỉnh ngày 04/1/2024. Hoạt động kinh doanh xăng dầu trên địa bàn tỉnh cơ bản ổn định, nguồn cung đảm bảo, các cửa hàng bán lẻ xăng dầu duy trì hoạt động kinh doanh đảm bảo phục vụ nhu cầu của người dân và doanh nghiệp.
Theo đại diện Phòng Quản lý thương mại- Sở Công Thương Quảng Bình, sau Tết Nguyên đán, các doanh nghiệp, nhà phân phối, các chợ truyền thống, trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tạp hóa,… đã hoạt động bình thường. Nhìn chung, số lượng hàng hóa các mặt hàng lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm, nhiên liệu tại các doanh nghiệp, nhà phân phối trên địa bàn tỉnh dự trữ với số lượng lớn, nguồn cung dồi dào, đa dạng, đảm bảo đáp ứng phục vụ tiêu dùng cho nhân dân, không để xảy ra tình trạng khan hiếm hàng hóa, tăng giá cục bộ gây bất ổn thị trường.