Quản trị ngành công nghiệp khai khoáng: Cần thêm sự minh bạch
Nguồn thu từ khai thác khoáng sản đang giảm dần |
Tại Hội thảo “Thúc đẩy quản trị hiệu quả ngành công nghiệp khai thác hướng đến sự phát triển toàn diện của Việt Nam” diễn ra mới đây, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, Việt Nam là quốc gia có tiềm năng về khoáng sản. Ngành công nghiệp khai khoáng của Việt Nam đã phát triển nhanh chóng và đóng góp đáng kể vào ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, thời gian gần đây, nguồn thu của ngành này đã giảm đi khá nhiều. Đáng lo ngại hơn, hoạt động quản trị ngành khai khoáng còn nhiều bất cập.
Cụ thể, dù trong Hiến chương Tài nguyên và Luật Khoáng sản thừa nhận “Tài nguyên khoáng sản thuộc về người dân”, nhưng cơ hội tham gia của cộng đồng trong ngành này rất hạn chế. Không những vậy, một số khoản thu như tiền cấp quyền khai thác và phí bảo vệ môi trường được thu thập dựa trên dữ liệu sản phẩm mà các công ty tự kê khai. Hơn thế, vấn đề liên quan đến tài chính như phân bổ và sử dụng nguồn thu chưa được triệt để và không tương xứng với quy mô khai thác, đầu tư và chi phí môi trường.
Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho biết, trước đây, ngành công nghiệp khai khoáng đóng góp 11% GDP, 28-29% nguồn thu ngân sách, nhưng hiện đã giảm đi rất nhiều. Đáng lo ngại, Báo cáo Chỉ số quản trị tài nguyên năm 2017 do Viện Quản trị tài nguyên công bố tại hội thảo này cho thấy, mức độ minh bạch trong ngành công nghiệp khai khoáng của Việt Nam chỉ đứng thứ 45/89 quốc gia.
Ông Nguyễn Minh Đức -Ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) - cho rằng, DN khoáng sản khai thác yếu kém, lãng phí tài nguyên, không chịu đầu tư trong quá trình khai thác, nguyên nhân do họ e ngại rủi ro chính sách. Theo khảo sát của VCCI, việc thay đổi chính sách pháp luật và thực thi pháp luật khiến DN ngần ngại trong việc đầu tư. Nếu DN đầu tư lớn, hôm sau chính sách thay đổi, phương án tài chính của DN sẽ phải thay đổi theo.
Để giảm bớt những bất cập trong khai thác khoáng sản, các chuyên gia kinh tế khuyến nghị, Chính phủ, xã hội dân sự và DN cần thiết và nỗ lực hơn nữa trong việc tạo dựng mô hình quản trị tài nguyên phù hợp ở Việt Nam; hỗ trợ các ngành kinh tế khác và đạt được sự phát triển toàn diện. Đặc biệt, vấn đề minh bạch và trách nhiệm giải trình cần được nâng cao để quản lý hiệu quả hơn nguồn tài nguyên khoáng sản của đất nước. Ngoài ra, Chính phủ cần sớm có quyết định tham gia Sáng kiến minh bạch trong công nghiệp khai thác (EITI) và thực hiện đầy đủ các tiêu chuẩn và quy định trong EITI để giảm bất cập trong khai thác khoáng sản. Đồng thời, tăng cường thực thi pháp luật và các quy định trong hoạt động khai thác, đặc biệt trong những khía cạnh mà việc thực thi đang gặp vấn đề như: Tuân thủ các quy định môi trường, bảo hộ quyền lợi cộng đồng địa phương và phân bổ nguồn thu từ khai thác khoáng sản.