Tăng cường kiểm tra, kiểm soát, tuyên truyền phổ biến tác hại của thuốc lá điện tử
Cụ thể, Cục Quản lý thị trường Hà Nội đã có văn bản số 479/QLTT-NVTH bản chỉ đạo các Đội Quản lý thị trường tăng cường kiểm tra, kiểm soát, đồng thời tuyên truyền phổ biến tác hại của thuốc lá điện tử trên địa bàn thành phố.
Theo đó, Cục Quản lý thị trường Hà Nội yêu cầu các Đội Quản lý thị trường tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các tổ chức, cá nhân có hành vi kinh doanh thuốc lá điếu nhập lậu, thuốc lá giả, thuốc lá không in cảnh báo sức khoẻ, không dán tem theo quy định; thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, shisha nhập lậu...
Cùng với đó, yêu cầu các Đội Quản lý thị trường trực thuộc phối hợp với các cơ quan liên quan tuyên truyền, phổ biến tác hại của thuốc lá điếu nhập lậu và thuốc lá điện tử.
Tăng cường trách nhiệm người đứng đầu. Đội trưởng, công chức quản lý thị trường chịu trách nhiệm trước Cục trưởng nếu thiếu trách nhiệm kiểm tra, giám sát, buông lỏng quản lý địa bàn để xảy ra tình trạng kinh doanh, buôn bán thuốc lá điếu nhập lậu, thuốc lá thuốc lá giả, thuốc lá không in cảnh báo sức khoẻ, không dán tem theo quy định; thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, shisha...
Nhiều tác hại từ thuốc lá điện tử với học sinh
Những năm gần đây, việc sử dụng thuốc lá điện tử đang có xu hướng gia tăng, đặc biệt trong lứa tuổi học sinh. Theo điều tra năm 2019 của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử trong học sinh 15-17 tuổi tại Việt Nam là 2,6%. Điều tra tình hình sử dụng thuốc lá trong học sinh năm 2022 cho thấy, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử trong học sinh độ tuổi 13-15 là 3,5%.
Lãnh đạo Cục Quản lý thị trường Hà Nội cho biết, Đội trưởng, công chức quản lý thị trường chịu trách nhiệm trước Cục trưởng nếu buông lỏng quản lý địa bàn để xảy ra tình trạng kinh doanh, buôn bán thuốc lá điếu nhập lậu, thuốc lá điện tử |
Cũng theo WHO, hiện có khoảng 20.000 loại hương liệu được sử dụng trong các sản phẩm thuốc lá điện tử, trong đó có rất nhiều loại hương liệu độc hại và chưa được đánh giá toàn diện về mức độ gây hại đối với sức khỏe.
Thuốc lá điện tử có chứa nicotine là chất gây nghiện, gây các bệnh về tim mạch, hô hấp, tiêu hóa. Thành phần của dung dịch thuốc lá điện tử còn có glycerin, propylene glycol, có thể tạo thành chất propylene oxide, một chất gây ung thư khi được đun nóng và hóa hơi.
Qua phản ánh của các cơ sở khám, chữa bệnh và phương tiện thông tin đại chúng, gần đây nhiều trường hợp học sinh phải cấp cứu vì ngộ độc nicotine và các dung dịch có trong sản phẩm thuốc lá điện tử. Ngoài các tác hại giống như thuốc lá điếu thông thường, thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng còn có nguy cơ làm phát sinh các tệ nạn xã hội, nhất là việc sử dụng ma túy và các chất gây nghiện khác.
Kinh doanh, sử dụng thuốc lá thế hệ mới hay thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng nhập lậu đã và đang diễn ra ngày càng phổ biến và tiềm ẩn nhiều nguy cơ.
Theo Cục Quản lý thị trường Hà Nội, qua thực tiễn kiểm tra, kiểm soát thị trường, xử lý vi phạm cho thấy mặt hàng thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng được đưa về Việt Nam qua đường nhập khẩu phi thương mại, không có hóa đơn chứng minh nguồn gốc hàng hóa.
Hoạt động mua bán, quảng cáo, giới thiệu sản phẩm, chia sẻ thông tin về các loại thuốc lá diễn ra công khai trên các tài khoản cá nhân; các hội, nhóm có rất nhiều thành viên tham gia trên các mạng xã hội, internet và một số website thương mại điện tử kinh doanh các sản phẩm này.
Bên cạnh đó, thông qua quá trình kiểm tra, rà soát, lực lượng quản lý thị trường cũng phát hiện một số điểm bán hàng công khai trên thị trường. Cá biệt, có một số điểm bán gần khu vực trường học, nhắm vào đối tượng khách hàng là trẻ em, học sinh, thanh thiếu niên.
Còn nhiều bất cập trong chế tài xử phạt
Trước rất nhiều nguy cơ về thuốc lá điện tử, nhưng một điều đáng lo ngại là lực lượng quản lý thị trường lại không thể xử phạt mạnh tay các hành vi vi phạm do chưa được áp dụng Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá hiện hành.
Do bất cập trong việc quy định quản lý nhà nước chưa rõ ràng đối với sản phẩm “thuốc lá thế hệ mới” nên trong quá trình xử lý, lực lượng quản lý thị trường áp dụng quy định tại Điều 15 Nghị định số số 98/2020/NĐ-CP ngày 26-8-2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 17/2022/NĐ-CP ngày 31-1-2022 của Chính phủ quy định về “Hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu”.
Ông Trần Việt Hùng - Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hà Nội cho biết, những sản phẩm thuốc lá thế hệ mới có những yếu tố gây hại cho sức khỏe con người, do đó được áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả buộc tiêu hủy hàng hóa. Trong trường hợp không xác định được chủ sở hữu của hàng hóa, cơ quan chức năng sẽ áp dụng hình thức tịch thu tang vật vi phạm để xử lý tiêu hủy như những hàng hóa thông thường khác.
Bên cạnh đó, việc bán thông qua các trang mạng xã hội, website thương mại điện tử dẫn đến khó khăn cho lực lượng chức năng trong việc tìm hiểu, thu thập thông tin, kiểm tra, xử lý do trong nhiều trường hợp không xác định được không gian cụ thể về địa điểm bán hàng, địa điểm trữ hàng hóa của các đối tượng kinh doanh.
Thời gian tới, lực lượng quản lý thị trường Hà Nội sẽ cùng lực lượng quản lý thị trường cả nước chủ động phối hợp với lực lượng công an rà soát, xác định địa bàn, đối tượng trọng điểm; tập trung đấu tranh, triệt phá các đường dây, ổ nhóm buôn lậu, vận chuyển, kinh doanh trái phép; chú trọng các địa bàn trọng điểm như thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hải Phòng...
Tăng cường công tác tuyên truyền; vận động các tổ chức, cá nhân hoạt động thương mại trên địa bàn thực hiện nghiêm việc cam kết không kinh doanh, buôn bán, tàng trữ thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng nhập lậu; cảnh báo cho người tiêu dùng các nguy cơ ảnh hưởng tới sức khỏe từ thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng nhập lậu, không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Đặc biệt, lực lượng sẽ xử lý nghiêm các cá nhân, tập thể thiếu tinh thần trách nhiệm, làm ngơ hoặc tiếp tay để hoạt động buôn lậu thuốc lá diễn ra trên địa bàn phụ trách.