Quản lý thị trường Hà Nội: Phát hiệu nhiều sai phạm trong kinh doanh thiết bị đo nồng độ cồn Quản lý thị trường Hà Nội: Thu giữ 540 lít rượu thủ công không rõ nguồn gốc tại Thanh Trì |
Hàng nghìn lít rượu không rõ nguồn gốc xuất xứ bị tạm giữ
Ngày 18/4, triển khai kế hoạch “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm” năm 2023 của Cục Quản lý thị trường TP. Hà Nội, Đội Quản lý thị trường số 25 - Cục Quản lý thị trường Hà Nội phối hợp với Đội 4, Phòng Cảnh sát môi trường, Công an TP. Hà Nội kiểm tra nhà hàng Sơn Dương tại thị trấn Xuân Mai, huyện Chương Mỹ, TP. Hà Nội.
Kiểm tra và thu giữ 480 lít rượu không rõ nguồn gốc tại nhà hàng Sơn Dương - thị trấn Xuân Mai |
Qua kiểm tra, đoàn kiểm tra phát hiện và tạm giữ 480 lít rượu không rõ nguồn gốc xuất xứ, trị giá 38.400.000 đồng.
Vụ việc đang được Đội Quản lý thị trường số 25 phối hợp với các đơn vị liên quan xác minh, làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật.
Trước đó, vào 6/3, lực lượng Quản lý thị trường Hà Nội đã phát hiện và thu giữ 540 lít rượu thủ công không rõ nguồn gốc tại 166 phố Triều Khúc - Tân Triều - Thanh Trì. Kết quả kiểm tra cho thấy, điểm kinh doanh này đang bày bán 540 lít rượu màu thủ công không rõ nguồn gốc xuất xứ, trị giá hàng hoá vi phạm 24.300.000 đồng. Điểm kinh doanh thuộc Công ty TNHH Sản xuất, thương mại và dịch vụ Phong Phát do bà Chu Thị Nguyệt làm giám đốc. Đoàn kiểm tra đã thu giữa toàn bộ số hàng trên, đồng thời phạt hành chính 59 triệu đồng về 02 hành vi: Kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ và kinh doanh rượu thủ công là hàng hóa thuộc ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện mà không có giấy phép bán lẻ rượu theo quy định pháp luật.
Vào ngày 12/12/2022, Cục Quản lý thị trường Hà Nội cũng phối hợp với lực lượng chức năng kiểm tra, tạm giữ 510 lít rượu thủ công, không rõ nguồn gốc xuất xứ tại cơ sở kinh doanh rượu thủ công tại 20BT2, khu đô thị mới Cầu Bươu, xã Tân Triều, huyện Thanh Trì.
Qua quá trình kiểm tra Đoàn kiểm tra phát hiện, tạm giữ của Trần Quỳnh Châm là chủ cơ sở kinh doanh 510 lít rượu thủ công không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Lãnh đạo Cục Quản lý thị trường Hà Nội cho biết, triển khai “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm” năm 2023, Cục Quản lý thị trường TP. Hà Nội xây dựng Kế hoạch số 10/KH-QLTTHN ngày 10/4/2023 triển khai “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm” năm 2023 trên địa bàn TP. Hà Nội. Với mục đích thông qua công tác kiểm tra, kiểm soát về an toàn thực phẩm trong tháng hành động, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, xác định trách nhiệm các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong việc thực thi pháp luật về an toàn thực phẩm; kịp thời thông tin các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, chất lượng cao, các cơ sở vi phạm, tiềm ẩn nguy cơ mất an ninh, an toàn thực phẩm. Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát công tác bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm; kiên quyết đấu tranh, ngăn chặn xử lý nghiêm về an toàn thực phẩm tại các cơ sở sản xuât, kinh doanh, quảng cáo thực phẩm, giám sát, hậu kiểm tại các địa bàn trọng điểm.
Những hệ lụy và khuyến cáo từ rượu không rõ nguồn gốc
Mới đây nhất, ngày 7/4, một nam bệnh nhân 56 tuổi (Đông Anh - Hà Nội) cũng được chuyển từ Khoa cấp cứu của Bệnh viện Đông Anh lên Trung tâm Chống độc - Bệnh viện Bạch Mai cấp cứu trong tình trạng nguy kịch do uống rượu không rõ nguồn gốc.
TS, BS Nguyễn Trung Nguyên - Giám đốc Trung tâm Chống độc – Bệnh viện Bạch Mai cảnh báo: Có hai loại ngộ độc rượu gồm ngộ độc mạn tính xảy ra với những người nghiện rượu và ngộ độc cấp tính thường phải nhập viện do uống quá nhiều rượu hoặc uống phải rượu giả, rượu kém chất lượng được pha chế từ cồn công nghiệp chứa độc tố methanol gấp hàng chục, thậm chí hàng trăm lần mức cho phép (vì chất hóa học methanol độc hại này chỉ được dùng trong công nghiệp như chế biến sơn, đánh bóng đồ gỗ…).
Điều trị bệnh nhân bị ngộ độc rượu |
Với ngộ độc rượu ethanol, triệu chứng từ nhẹ như mất điều hòa, giảm khả năng phán xét, kích thích, hung hãn; đến nặng như hôn mê, thở yếu hoặc ngừng thở, sặc phổi, hạ thân nhiệt, tụt huyết áp, biến chứng hạ đường huyết.
Với ngộ độc rượu pha chế có methanol, lúc đầu biểu hiện giống ngộ độc ethanol, sau đó là giai đoạn ngộ độc thực sự (thường khoảng 8 giờ sau uống nếu là methanol đơn thuần, nhưng thường trong rượu uống có cả ethanol nên biểu hiện có thể chậm 18 - 24 giờ sau hoặc lâu hơn): thở nhanh, sâu, rối loạn về nhìn (nhìn mờ, nhìn đôi, nhìn thấy các đốm, thu hẹp thị trường, mù), nếu nặng đồng tử giãn, mạch nhanh, tụt huyết áp, co giật và có thể tử vong.
Ở góc độ doanh nghiệp sản xuất, ông Lê Trung Mạnh - Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Đồ Uống Mới - đơn vị chuyên sản xuất rượu Vodka Sói đóng chai đưa ra những dấu hiệu nhận biết “rượu sạch” để cảnh báo người tiêu dùng: Ngoài methanol là chất gây triệu chứng ngay lập tức sau khi uống là đau đầu, khát nước,… thì trong rượu có thể còn rất nhiều các tạp chất khác nếu không được xử lý đúng cách. Hậu quả của các tạp chất này phải một thời gian sau, sau khi tích đủ trong gan, trong nội tạng mới phát tác hậu quả. Việc xử lý các tạp chất này thì hầu hết các loại rượu thủ công không làm được.
Đồng thời với việc ra quân, thực hiện nghiêm túc Kế hoạch số 10/KH-QLTTHN ngày 10/4/2023 triển khai “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm”, lãnh đạo Cục Quản lý thị trường Hà Nội cũng khuyến cáo người dân cần nâng cao nhận biết trong quá trình sử dụng các loại rượu. Không sử dụng các loại rượu không rõ nguồn gốc, nhãn mác, chứng từ, để tránh xảy ra tình trạng ngộ độc rượu.