Theo đánh giá của lực lượng QLTT Hà Nội, hiện nay, tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng nhái trên địa bàn vẫn đang diễn biến phức tạp, với nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi.
Các đối tượng buôn lậu luôn thay đổi phương thức vận chuyển. Thay vì tập kết trên xe tải có trọng tải lớn như vài năm trước, hiện nay các đối tượng xé lẻ hàng hóa, vận chuyển bằng xe mô tô, xe khách, xe tải có trọng lượng nhẹ từ biên giới, các tỉnh giáp ranh với Hà Nội như Bắc Ninh, Hưng Yên, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc... đưa vào Hà Nội.
Chủ động triển khai kiểm tra, kiểm soát thị trường trên từng lĩnh vực |
Các tuyến đường vận chuyển hàng nhập lậu chủ yếu là tuyến đường bộ từ các tỉnh phía Bắc như Lạng Sơn, Cao Bằng, Lào Cai, Quảng Ninh về Hà Nội, từ các tỉnh miền Trung và phía Nam ra Hà Nội.
Đáng chú ý, những năm gần đây, cùng với sự phát triển của thương mại điện tử, Hà Nội còn là một trong những điểm nóng tập trung các cơ sở mua bán kinh doanh trên mạng mà không đảm bảo chất lượng sản phẩm; hàng giả, hàng nhái cũng từ đó mà trở nên lộng hành hơn bao giờ hết. Trong khi đó, xử lý vi phạm đối với các doanh nghiệp gian lận này cũng rất khó khăn bởi các trang website thương mại điện tử không cung cấp địa chỉ, địa chỉ không đúng, có nhiều địa chỉ là nhà dân, chung cư… nhiều khi chủ cơ sở lại không thừa nhận website đó do mình thiết lập và quản lý nên công tác kiểm tra, xử lý gặp nhiều khó khăn.
Chủ động kiểm tra trọng tâm, trọng điểm
Trước tình hình đó, Cục QLTT Hà Nội đã chỉ đạo các đội thực hiện tốt chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công Thương, Tổng cục QLTT, UBND thành phố trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Mỗi năm, Cục QLTT Hà Nội đều chủ động xây dựng hàng trăm văn bản, kế hoạch triển khai trong công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường trên từng lĩnh vực.
Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm, đã ban hành 450 văn bản chỉ đạo nghiệp vụ, trong đó có 5 kế hoạch triển khai kiểm tra, kiểm soát thị trường trong các lĩnh vực đấu tranh chống buôn lậu, kinh doanh hàng hóa nhập lậu, hàng cấm, gian lận thương mại và hàng giả, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; một kế hoạch triển khai tháng hành động an toàn thực phẩm năm 2019 và một kế hoạch kiểm tra định kỳ năm 2019 đối với các tổ chức, cá nhân hoạt động kinh doanh sản phẩm, hàng hóa: Thuốc lá, khí dầu mỏ hóa lỏng, rượu và thương mại điện tử. Theo đó, công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường được thực hiện trọng tâm, trọng điểm, nhiều vụ việc lớn được phát hiện, xác minh làm rõ.
Quyền Cục trưởng Cục QLTT Hà Nội Chu Xuân Kiên cho biết, để thực hiện tốt các công tác đó, cục đã phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng trong công tác thông tin, thực hiện giám sát, phát hiện và xử lý. Đồng thời, luôn tạo điều kiện và cử công chức tham gia các khóa tập huấn, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, động viên công chức tích cực học tập, nghiên cứu để nâng cao kỹ năng nghiệp vụ, đáp ứng nhiệm vụ trong tình hình mới…
Tổng cục trưởng Tổng cục QLTT Trần Hữu Linh đánh giá cao hoạt động của cục thời gian qua và mong muốn, thời gian tới, cục tiếp tục phát huy những kết quả đã làm được, đi đầu, thử nghiệm những cách làm mới, hiệu quả… cho các đơn vị khác trong tổng cục. Từ thực tiễn thanh tra, kiểm tra trên địa bàn, cục có thể tham mưu cho các đơn vị liên quan để có sự điều chỉnh.
"Cục QLTT Hà Nội cũng cần thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công Thương, Ban chỉ đạo 389 Quốc gia và địa phương để thực hiện công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng nhái trong và ngoài địa bàn; thanh tra, kiểm tra định kỳ các điểm nóng: mỹ phẩm, an toàn thực phẩm… và đặc biệt là thương mại điện tử" - ông Trần Hữu Linh nhấn mạnh.
6 tháng đầu năm, Cục QLTT Hà Nội đã kiểm tra, xử lý 3.017 vụ hàng nhập lậu, hàng giả, hàng cấm, hàng vi phạm ATTP,… với tổng số tiền xử lý hơn 34 tỷ đồng. |