Báo cáo tham luận của Tổng cục Quản lý thị trường tại Hội nghị Tổng kết công tác năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024 của Ngành Công Thương cho biết, 2023 là năm bản lề trước khi bước vào giai đoạn nước rút để hoàn thành mục tiêu Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm (2023-2025) và là năm đánh dấu 5 năm Tổng cục Quản lý thị trường hoạt động dưới mô hình ngành dọc tập trung thống nhất từ trung ương đến địa phương.
Bám sát sự chỉ đạo, điều hành năm 2023 của Chính phủ, Bộ Công Thương, Tổng cục Quản lý thị trường đã triển khai tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm như: Chủ động giám sát, tấn công hàng giả trên môi trường mạng, chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin vào các khâu nghiệp vụ; đẩy mạnh đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, tăng cường kỷ luật, kỷ cương…
Những kết quả của công tác Quản lý thị trường đã đóng góp vào hiệu quả quản lý nhà nước của ngành Công Thương trong thực hiện các giải pháp quản lý, điều hành chặt chẽ việc điều chỉnh cung cầu hàng hóa; cũng như góp phần giữ ổn định giá các nguyên vật liệu quan trọng và các hàng hóa dịch vụ tiêu dùng thiết yếu phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh và đời sống người dân từ đó bình ổn thị trường, từng bước làm lành mạnh môi trường kinh doanh hàng hóa, dịch vụ; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp và người tiêu dùng.
Công tác Quản lý thị trường đóng góp vào thành tích chung của ngành Công Thương trong năm 2023 |
Trong năm 2023, lực lượng Quản lý thị trường cả nước đã kiểm tra 71.910 vụ, phát hiện, xử lý 52.349 vụ vi phạm (tăng 16% so với năm 2022). Trong đó kiểm tra đột xuất 43.838 vụ; kiểm tra định kỳ 22.094 vụ; thanh tra chuyên ngành 204 vụ, ban hành kết luận 118 vụ; thu nộp ngân sách gần 500 tỷ đồng đồng (tăng 36% so với năm 2022), trị giá tang vật, phương tiện vi phạm bị tịch thu gần 204 tỷ; chuyển cơ quan điều tra 170 vụ có dấu hiệu hình sự (tăng 35% so với năm 2022).
Đối với một số thị trường ngành hàng, lĩnh vực do Bộ quản lý như: Xăng dầu, thương mại điện tử, an toàn thực phẩm, thuốc lá... trong năm 2023, toàn lực lượng đã chú trọng kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm, qua đó tập trung đánh giá phân tích, đánh giá nhóm hành vi vi phạm chủ yếu, để phát hiện các vướng mắc bất cập của quy định 11 pháp luật và nghiên cứu các giải pháp, kiến nghị nhằm góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước của Ngành Công Thương.
Theo đó, trong lĩnh vực an toàn thực phẩm kiểm tra 8.306 vụ, xử lý 6.773 vụ; thu phạt trên 36,3 tỷ đồng; trị giá hàng hoá tịch thu 31,6 tỷ đồng. Các hành vi vi phạm chủ yếu là kinh doanh thực phẩm nhập lậu, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, vi phạm về sở hữu trí tuệ và thực phẩm không bảo đảm chất lượng.
Đối với lĩnh vực thương mại điện tử, kiểm tra 834 vụ, xử lý 764 vụ, phạt tiền 12 tỷ đồng, trị giá hàng hóa gần 6 tỷ đồng. Các hành vi vi phạm chủ yếu là vi phạm quản lý nhà nước về thương mại điện tử và các hành vi lợi dụng thương mại điện tử để kinh doanh hàng hoá nhập lậu, hàng giả, không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.
Đối với lĩnh vực xăng dầu, năm 2023, toàn lực lượng kiểm tra 2.920 vụ, xử lý 840 vụ, số tiền xử phạt 31,7 tỷ đồng. Hành vi vi phạm chủ yếu là không duy trì điều kiện trong quá trình kinh doanh xăng dầu; không đăng ký hệ thống phân phối (đối với thương nhân phân phối xăng dầu); mua bán xăng dầu ngoài hệ thống; buôn bán xăng dầu có chất lượng không phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật; kinh doanh xăng dầu không có hoặc Giấy chứng nhận đủ điều kiện đã hết hiệu lực...
Riêng đối với thuốc lá điếu, thuốc lá thế hệ mới, lực lượng đã kiểm tra 1.386 vụ, xử lý 1.164 vụ, thu phạt 7 tỷ đồng; trị giá hàng hóa vi phạm gần 6 tỷ đồng.
Đặc biệt, triển khai thực hiện Kế hoạch đấu tranh, phòng chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ và hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ (Kế hoạch 888), lực lượng Quản lý thị trường cả nước đã kiểm tra 29.195 vụ, xử lý 24.709 vụ, thu phạt 252 tỷ đồng, trị giá hàng hoá vi phạm 390 tỷ đồng.
Theo lãnh đạo Tổng cục Quản lý thị trường, qua hoạt động kiểm tra, kết quả xử lý vi phạm nêu trên, kết hợp với công tác tuyên truyền, truyền thông cho thấy, trong năm 2023 hiện tượng bày bán công khai hàng hóa nhập lậu, hàng giả, không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đã giảm; ý thức tuân thủ pháp luật của chủ thể kinh doanh đã được nâng cao.
Tuy nhiên, song hành cùng hoạt động giao thương ngày càng được mở rộng và phát triển, tình trạng vi phạm trong hoạt động thương mại, nhất là trên môi trường thương mại điện tử vẫn còn gia tăng và nhiều khó khăn thách thức.
Đại diện một số Cục Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố tham dự Hội nghị Tổng kết công tác năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024 của ngành Công Thương |
Vì vậy để góp phần bình ổn thị trường, từng bước làm lành mạnh môi trường kinh doanh hàng hóa, dịch vụ; đóng góp vào hiệu quả quản lý nhà nước; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp và người tiêu dùng, năm 2024 và những năm tiếp theo, Tổng cục Quản lý thị trường sẽ tập trung triển khai các nhiệm vụ trọng tâm:
Thứ nhất, toàn lực lượng thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, Bộ Công Thương về công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; đặc biệt chú trọng các ngành hàng, lĩnh vực thuộc định hướng kiểm tra năm 2024 của Bộ trưởng, các kế hoạch chuyên đề của BCĐ 389 quốc gia, kế hoạch 888 và thực hiện nghiêm hoạt động kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm theo chức năng, nhiệm vụ.
Thứ hai, tiếp tục hoàn thiện hạ tầng pháp lý quan trọng như: Phối hợp các đơn vị của Văn phòng Chính phủ để hoàn thiện dự thảo quyết định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục đã trình Thủ tướng Chính phủ trong năm 2023 nhằm mục tiêu xây dựng tổ chức bộ máy hoạt động hiệu quả, phù hợp tầm nhìn phát triển của lực lượng.
Tổng hợp đánh giá hành vi vi phạm trên thực tiễn và căn cứ trên cơ sở quy định của Nghị định số 80/2023/NĐ-CP; rà soát, tham mưu Bộ phương án xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 99/2020/NĐ-CP đối với quy định xử phạt vi phạm hành chính trong kinh doanh xăng dầu nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước trong lĩnh vực này, đồng thời rà soát quy phạm về xử phạt vi phạm trong kinh doanh khí để tham mưu hoàn thiện khi quy định mới về kinh doanh khí được ban hành.
Tổng hợp rà soát các nội dung trong thực tiễn thi hành Nghị định số 98/2020/ NĐ-CP và Nghị định số 17/2022/NĐ-CP, đánh giá, nghiên cứu đề xuất tham mưu Bộ xây dựng trình Chính phủ xem xét sửa đổi bổ sung các quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ người tiêu dùng.
Thứ ba, triển khai đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ của Đề án 319 về chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử đến năm 2025, góp phần nâng cao năng lực công vụ của công chức Quản lý thị trường và góp phần tạo điều kiện thúc đẩy hoạt động thương mại điện tử.
Thứ tư, về quản lý hoạt động công vụ và công chức Quản lý thị trường, trong năm 2024, lực lượng sẽ tiếp tục siết chặt kỷ luật công vụ; đề cao trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác quản lý đơn vị; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, lực lượng chức năng, các cơ quan thông tin truyền thông tại trung ương và địa phương để hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ được giao.
Thứ năm, đối với một số kiến nghị quản lý ngành, qua kiểm tra, xử lý vi phạm nhằm tăng cường hiệu quả quản lý của Bộ đối với nhóm hàng hóa an toàn thực phẩm thuộc Bộ quản lý, căn cứ Luật An toàn thực phẩm, Tổng cục kiến nghị Bộ xem xét, nghiên cứu xây dựng quy định về truy xuất nguồn gốc, thu hồi và xử lý thực phẩm không bảo đảm an toàn.
Đối với mặt hàng thuốc lá thế hệ mới, đây mặt hàng có nguy cơ gây hại đến người sử dụng và có dấu hiệu vi phạm tăng cao. Loại hàng hóa này cũng được Tổ chức y tế thế giới (WHO) khuyến nghị Việt Nam ban hành quy phạm cấm thuốc lá điện tử và các sản phẩm thuốc lá nung nóng và đi kèm là các biện pháp thực thi mạnh mẽ, do vậy, Tổng cục kiến nghị Bộ xem xét, phối hợp với Bộ, ngành liên quan sớm nghiên cứu ban hành các quy định quản lý và chế tài xử phạt vi phạm.