Tổng cục Quản lý thị trường cho biết, trong 8 tháng năm 2024, tình hình vi phạm về kinh doanh hàng hóa nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng giả và vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, vi phạm về vệ sinh an toàn thực phẩm vẫn diễn biến phức tạp, nhất là vào các thời điểm lễ, tết, kỳ nghỉ dài ngày do nhu cầu tiêu dùng thực phẩm của người dân tăng cao, hoạt động sản xuất, vận chuyển, kinh doanh các mặt hàng thực phẩm trở nên sôi động.
Hành vi vi phạm của các đối tượng luôn thay đổi. Hàng hóa nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng giả và vi phạm quyền sở hữu trí tuệ được đối tượng tập kết tại khu vực biên giới hoặc các kho hàng trung chuyển trên tuyến lưu thông để thẩm lậu vào tiêu thụ nội địa. Vi phạm chủ yếu phát hiện đối với nhóm hàng có nhu cầu cao, như: Thời trang, mỹ phẩm, thiết bị điện, thực phẩm...
Dịp Tết Trung thu, các đối tượng đã đưa nhiều hàng hóa nhập lậu, không rõ nguồn gốc vào thị trường nội địa tiêu thụ. Ảnh: Tổng cục Quản lý thị trường |
Đáng chú ý, vào dịp chuẩn bị cho Tết Trung thu năm nay, một số tổ chức, cá nhân đã tập trung đưa nhiều hàng hóa nhập lậu, không rõ nguồn gốc, xuất xứ là các loại thực phẩm, rượu, bia, bánh kẹo, đồ chơi trẻ em, đặc biệt là bánh trung thu ra thị trường tiêu thụ, gây ảnh hưởng sức khỏe của người sử dụng.
Cũng theo Tổng cục Quản lý thị trường, liên quan đến mặt hàng thuốc lá điếu, thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, khí bóng cười (N2O), những tháng đầu năm, tỷ trọng các vụ việc vi phạm đối với thuốc lá điếu giảm so với vi phạm về thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng với các hành vi vi phạm chủ yếu như: nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, không rõ chất lượng.
Các tỉnh, thành phố đang là điểm nóng về vi phạm đối với mặt hàng này có thể kể đến: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, An Giang, Long An, Khánh Hoà, Lạng Sơn, Đà Nẵng, Lào Cai, Quảng Ninh... “Trước đây, các đối tượng tự vận chuyển, thuê người vận chuyển thì nay trà trộn trong các kiện hàng và gửi qua các đơn vị dịch vụ giao nhận, chuyển phát, sử dụng số điện thoại không chính chủ để giao dịch, mua bán nên rất khó phát hiện” - đại diện Tổng cục Quản lý thị trường thông tin và nhấn mạnh, đây tiếp tục là mặt hàng kiểm tra, kiểm soát trọng tâm của lực lượng trong những tháng cuối năm.
Đáng chú ý, trong 8 tháng năm 2024, Quản lý thị trường cả nước tiếp tục tập trung giám sát, kiểm tra trong lĩnh vực thương mại điện tử và phát hiện nhiều vi phạm trên phạm vi cả nước.
8 tháng năm 2024, lực lượng Quản lý thị trường đã kiểm tra 50.445 vụ; phát hiện, xử lý 35.510 vụ vi phạm. Ảnh: Tổng cục Quản lý thị trường |
Tính chung, từ 15/12/2023 - 22/8/2024, lực lượng Quản lý thị trường đã kiểm tra 50.445 vụ; phát hiện, xử lý 35.510 vụ vi phạm; tổng số tiền xử lý là 674 tỷ đồng; trong đó, thu nộp ngân sách nhà nước 395 tỷ đồng, trị giá hàng hóa tịch thu gần 148 tỷ đồng. Trị giá hàng hóa tiêu hủy và buộc tiêu hủy trên 184 tỷ đồng.
Lãnh đạo Tổng cục Quản lý thị trường cho biết, trong 8 tháng năm 2024, số hành vi vi phạm hành chính trong các lĩnh vực hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng giả, lĩnh vực y tế, giá, niêm yết giá, tiêu chuẩn đo lường, nhãn hàng hóa được lực lượng phát hiện giảm so với cùng kỳ năm 2023; các hành vi về nguồn gốc xuất xứ, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ (SHTT), an toàn thực phẩm, nông nghiệp, đặc biệt, lĩnh vực thương mại điện tử tăng cao so với cùng kỳ năm 2023. Năm 2024, Tổng cục tập trung toàn lực lượng trong mặt trận chống hàng giả, hàng vi phạm SHTT trong thương mại điện tử.
Trong đó, chú trọng kiểm tra, xử lý vi phạm đối với mặt hàng vàng, xăng dầu, thuốc lá, thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng... Đồng thời, thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về các lĩnh vực trong hoạt động thương mại đối với các cơ sở kinh doanh, góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, hạn chế sai phạm của đối tượng trong hoạt động kinh doanh; góp phần bình ổn thị trường và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp làm ăn chân chính và người tiêu dùng.
Ngoài ra, trong bối cảnh giá vàng trong nước có nhiều biến động, Tổng cục Quản lý thị trường bám sát diễn biến tình hình thị trường, chỉ đạo Cục Nghiệp vụ Quản lý thị trường và Cục Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố quản lý chặt chẽ địa bàn, tăng cường các biện pháp nghiệp vụ, phát hiện, xử lý nghiêm nhiều vi phạm trên phạm vi cả nước, điển hình như tại TP. Hồ Chí Minh, Quảng Ninh, An Giang, Thanh Hóa, Nghệ An... Qua đó, đã góp phần thực hiện hiệu quả các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong việc quản lý mặt hàng vàng.