Ông Võ Quang Lâm - Phó Tổng giám đốc EVN - cho biết, tính đến hết tháng 4/2019, tổng công suất đặt của hệ thống điện Việt Nam khoảng gần 50.000 MW. Tuy nhiên, để đáp ứng nhu cầu tăng trưởng kinh tế theo mục tiêu Chính phủ đề ra, mỗi năm, Việt Nam cần đưa vào vận hành khoảng 5.000 MW nguồn điện và thu xếp 7 - 8 tỷ USD để đầu tư hệ thống nguồn và lưới điện.
Điều chỉnh phụ tải góp phần đảm bảo an ninh cung cấp điện |
Thực tế, vài năm trở lại đây, Việt Nam chưa khởi công hoặc đưa được dự án nguồn điện lớn nào. Các dự án nguồn điện (than, khí) theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh đang bị chậm tiến độ từ 2 - 3 năm. Thêm vào đó, nguồn cung năng lượng sơ cấp đang dần cạn kiệt, phải nhập khẩu một số loại nhiên liệu (than, dầu, khí); nguồn nước thủy điện ngày càng thấp do tác động của biến đổi khí hậu... Trong khi đó, nhu cầu phụ tải vẫn tiếp tục tăng cao trên 2 con số, có thể kéo dài đến năm 2025. Tình trạng này đang gây áp lực lớn trong việc đảm bảo cung cấp điện cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Các chuyên gia năng lượng cũng cảnh báo, nguy cơ thiếu điện là có thực nếu không có giải pháp kịp thời và cho rằng biện pháp cấp bách, hữu hiệu hiện nay là quản lý nguồn cầu, đẩy mạnh sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả, trong đó có chương trình DR.
Những năm qua, EVN và các đơn vị đã đẩy mạnh chương trình tuyên truyền tiết kiệm điện với sản lượng tiết kiệm hàng năm đạt trên 1,5% song vẫn chưa như kỳ vọng, nhất là ở khối các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp.
Theo ông Lâm, điện năng tiêu thụ của khối khách hàng sản xuất công nghiệp chiếm khoảng 55% tổng điện năng toàn quốc, tương đương 100 tỷ kWh (năm 2018). Nếu tiết kiệm được 1% (1 tỷ kWh), sẽ tiết kiệm được khoảng gần 1.600 tỷ đồng.
Nhiều lợi ích từ chương trình DR
Ông Nguyễn Anh Tuấn - Cục trưởng Cục điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) - cho biết, chi phí giảm 1 MW phụ tải điện rẻ hơn chi phí đầu tư thêm 1 MW cho nhu cầu phụ tải. Mặt khác, chi phí huy động, quản lý điều hành hệ thống điện trong giờ cao điểm cao hơn rất nhiều với giờ thấp điểm mặc dù nhu cầu phụ tải có thể như nhau. Vì vậy, chương trình DR vừa là giải pháp ngắn hạn, vừa dài hạn góp phần đảm bảo an ninh cung cấp điện, phát triển bền vững.
Chương trình DR là một trong những nhóm giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng điện, góp phần đảm bảo cân bằng cung - cầu điện, tối ưu hóa hệ thống, nâng cao độ tin cậy và an toàn cung cấp điện. Triển khai chương trình DR sẽ góp phần giảm hoặc thay đổi nhu cầu sử dụng điện của khách hàng; góp phần giảm công suất cực đại vào giờ cao điểm của hệ thống điện quốc gia, hệ thống điện vùng/miền hoặc tại các khu vực lưới điện bị quá tải/nghẽn mạch cục bộ.
Nhu cầu điện ngày càng tăng |
Mục tiêu phấn đấu của chương trình là giảm công suất phụ tải đỉnh so với dự báo: 90MW vào năm 2020, 300MW (năm 2025) và 600MW (năm 2030); tăng hệ số phụ tải HTĐ quốc gia (Kpt) khoảng 1% - 2% giai đoạn 2018 - 2020 và giai đoạn 2021-2030 là 3% - 4%.
Việc triển khai chương trình DR sẽ mang lại nhiều lợi ích cho cả nền kinh tế. Đơn cử, đối với khách hàng sẽ được ưu tiên đáp ứng nhu cầu sử dụng điện; giảm hoặc ổn định chi phí sử dụng điện; nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh.
Đối với xã hội, chương trình DR góp phần giảm tác hại, bảo vệ môi trường; bảo tồn các nguồn tài nguyên; đảm bảo an ninh năng lượng để phát triển bền vững. Còn với ngành điện, sẽ giảm chi phí quản lý điều hành, nâng cao hiệu suất và tính linh hoạt trong vận hành; giảm nhu cầu về vốn đầu tư; nâng cao chất lượng dịch vụ cho khách hàng.
Sẽ có cơ chế hỗ trợ
Giai đoạn trước mắt, EVN/EVNNPC sẽ triển khai chương trình DR phi thương mại và tự nguyện trên cơ sở lựa chọn những doanh nghiệp có sản lượng tiêu thụ điện từ 1 triệu kWh/năm trở lên, đã được trang bị công tơ điện tử đo đếm từ xa và lưu trữ số liệu theo chu kỳ 30 phút/lần. Doanh nghiệp có khả năng tiết giảm tiêu thụ điện trong vòng 30 phút kể từ khi nhận được thông báo của ngành điện và có khả năng giảm từ 10-20% tiêu thụ so với phụ tải thực tế trong chế độ vận hành bình thường. Thời gian tối đa cho mỗi lần điều chỉnh phụ tải không quá 3 giờ. Và, điều kiện quan trọng là các doanh nghiệp tự nguyện tham gia.
Sử dụng dây chuyền sản xuất hiện đại giúp tiết kiệm năng lượng |
Doanh nghiệp chủ động và tự quyết định quy mô, loại phụ tải để ngừng hoặc tiết giảm trên cơ sở lựa chọn dây chuyền sản xuất hoặc phụ tải phù hợp. Việc điều chỉnh tiết giảm được thực hiện theo hai phương thức tự động hoặc bằng tay (tùy thỏa thuận).
Bà Hà Mỹ Hạnh – Phó giám đốc Công ty Điện lực Hưng Yên - cho biết, đây là chương trình hữu ích, thiết thực cho doanh nghiệp. Nhưng, để đạt được mục tiêu đề ra, ngoài nỗ lực của ngành điện, cần sự vào cuộc của chính quyền các cấp và cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt có cơ chế hỗ trợ cho các bên tham gia.
Theo đại diện của Cục Điều tiết điện lực, có 3 loại hình gồm: DR phi thương mại, tự nguyện; DR theo cơ chế khuyến khích tài chính trực tiếp (nhận tiền khuyến khích dựa trên sản lượng/công suất tiết kiệm được) và DR theo cơ chế giá điện (được áp dụng biểu giá điện 2 thành phần; biểu giá điện cực đại thời gian thực). Tùy thuộc vào khách hàng tham gia chương trình nào sẽ có cơ chế ưu đãi tương ứng.
Cục Điều tiết điện lực đang tích cực hướng dẫn cho các đơn vị ngành điện triển khai chương trình DR; phối hợp với Bộ Tài chính và các đơn vị liên quan xây dựng cơ chế ưu đãi cụ thể, phù hợp với từng giai đoạn. |
Ông Hoàng Quang Phòng - Phó Chủ tịch Thường trực VCCI: Tiết giảm phụ tải không cần thiết Nghiên cứu của ngành điện và các chuyên gia đã chỉ rõ, nguyên nhân khiến sản lượng điện tiết kiệm của doanh nghiệp sản xuất công nghiệp chưa cao vì giá điện đang được ưu tiên. Bên cạnh đó, nhiều chủ doanh nghiệp chưa thực sự quan tâm đến tiết kiệm năng lượng, sử dụng công nghệ lạc hậu, hiệu suất thấp. Công tác kiểm tra, giám sát các đơn vị vi phạm về sử dụng năng lượng theo quy định của pháp luật còn hạn chế. Nhiều giải pháp tiết kiệm điện có mức đầu tư cao, trong khi đó, định chế tài chính, ngân hàng chưa sẵn sàng cho doanh nghiệp vay để đầu tư. Ông Nguyễn Văn Thơ - Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Hưng Yên: Tổng sản lượng điện thương phẩm năm 2018 của toàn tỉnh đạt 3,85 tỷ kWh, trong đó khối công nghiệp – xây dựng chiếm 75,68%. Tuy nhiên, trong số 1.816 doanh nghiệp có sản lượng điện tiêu thụ trên 3 triệu kWh trở lên đang hoạt động, chỉ có 40% (doanh nghiệp FDI) sử dụng công nghệ, dây chuyền thiết bị hiện đại; còn lại 60% (doanh nghiệp trong nước) sử dụng công nghệ cũ, truyền thống. Nguyên nhân của tình trạng trên một phần do thói quen, ngại thay đổi, một phần bởi nguồn vốn hạn chế nên không thể đầu tư đổi mới dây chuyền máy móc, thiết bị. Ông Nguyễn Hữu Vũ - Tổng giám đốc Công ty Dệt Hà Nam: Nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp Công ty Dệt Hà Nam có hai cơ sở sản xuất sợi để xuất khẩu, mỗi tháng doanh nghiệp tiêu thụ khoảng 800.000 kWh điện với số tiền điện lên tới hàng chục tỷ đồng. Thực tế, chúng tôi cũng quan tâm đến việc sử dụng tiết kiệm điện vì ảnh hưởng trực tiếp tới lợi ích của doanh nghiệp. Do đó, khi ngành điện giới thiệu Chương trình DR chúng tôi ủng hộ và tham gia ngay. Ông Nguyễn Minh Quang - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên: Đồng hành vì lợi ích chung Đến nay, trên địa bàn tỉnh Hưng Yên có 1.140 dự án đầu tư trong và ngoài nước. Các doanh nghiệp chủ yếu sử dụng điện để sản xuất và đã có đóng góp lớn cho nguồn thu của tỉnh. Riêng lĩnh vực công nghiệp xây dựng đóng góp tới 51,6% GDP của Hưng Yên. Ngành điện cũng đảm bảo tốt công tác cấp điện, đáp ứng được nhu cầu sản xuất của doanh nghiệp. Ông Lê Quang Thái - Phó Tổng giám đốc EVNNPC: Hỗ trợ khách hàng tham gia chương trình DR Năm 2019, Tổng công ty Điện lực miền Bắc (EVNNPC) tập trung thực hiện Chương trình DR theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công Thương và EVN. Tổng công ty sẽ lựa chọn trên 4.000 doanh nghiệp có sản lượng điện tiêu thụ từ 1 triệu kWh/năm trở lên để tư vấn, mời tham gia chương trình. EVNNPC đã thành lập Ban chỉ đạo và xây dựng bộ máy để thực hiện nhiệm vụ; tổ chức đào tạo chuyên môn, đầu tư thiết bị máy móc, ứng dụng công nghệ thông tin để triển khai thuận lợi; tổ chức tuyên truyền và tiếp cận doanh nghiệp; đề xuất với cơ quan quản lý các cơ chế hỗ trợ... |