Công suất của nhà máy được mở rộng lên 18.000 tấn mía/ngày |
Theo đó, Nhà máy điện sinh khối được đặt tại Nhà máy đường An Khê do Công ty QNS đầu tư với tổng chi phí 2.000 tỷ đồng, sau khi đi vào vận hành, ước tính mỗi năm Nhà máy điện sinh khối sẽ mang lại nguồn thu cho QNS 300 tỷ đồng. Nhà máy có công suất 110MW trong đó sử dụng cho nội bộ từ 20-25 MW còn lại phát trên lưới điện quốc gia từ 85-90 MW.
Ngoài dự án đầu tư Nhà máy điện sinh khối, dự án nâng công suất Nhà máy đường An Khê từ 10 nghìn lên 18 nghìn tấn mía/ngày với tổng mức đầu tư 1.800 tỷ đồng và dự án Nhà máy sữa đậu nành Vinasoy Bình Dương với mức đầu tư 900 tỷ đồng là những dự án lớn mà QNS đầu tư trong 2 năm trở lại đây mà hoàn toàn không sử dụng vốn vay.
Nhà máy điện sinh khối là giải pháp khai thác triệt để tiềm năng của cây mía và thân thiện với môi trường. Trong bối cảnh hội nhập đang cận kề, QNS cho biết đã chuẩn bị tiềm lực vững chắc để tự tin cạnh tranh với đường Thái Lan trong mảng mía đường. 10 năm qua QNS đã đầu tư mạnh mẽ nông nghiệp mía đường, đến nay vùng nguyên liệu mía của công ty đã cơ giới hóa toàn bộ trong quá trình sản xuất. Việc áp dụng công nghệ cao vào trồng trọt và sản xuất đã giúp giảm đáng kể chi phí sản xuất đường của công ty, năng suất mía bình quân đạt 74 tấn/ha (cao hơn năng suất bình quân ở Thái Lan vào tầm 68 tấn/ha).
Tổng kết doanh thu quý 3 của QNS đạt 6.000 tỷ đồng, tăng 12% so với cùng kỳ năm trước, mặc dù lợi nhuận mảng đường bị ảnh hưởng bởi sự sụt giảm giá đường. Tuy nhiên nhờ mảng sữa đậu nành với thương hiệu Fami và Vinasoy dẫn đầu về thị phần với hơn 80% và đạt tăng trưởng 7%, đường Quảng Ngãi vẫn duy trì mức tăng trưởng tốt. Công ty dự báo quý 4 tình hình kinh doanh mảng đường vẫn còn ảnh hưởng nhẹ bởi điều chỉnh giá đường, tuy nhiên sẽ hoàn toàn được khắc phục khi bước sang năm 2018 khi mà giá mía thu mua đã được điều chỉnh với giá đường tương ứng ở thời điểm hội nhập.