PVN luôn chú trọng đổi mới và hiện đại hóa công nghệ |
PVN đã yêu cầu và hướng dẫn các đơn vị thành viên triển khai thực hiện các nội dung của đề án. Các đơn vị thành viên của tập đoàn cũng đã được Bộ Công Thương giao thực hiện 10 nhiệm vụ nghiên cứu KHCN hoặc sản xuất thử nghiệm trong lĩnh vực khai thác và chế biến dầu khí với tổng kinh phí thực hiện 25,5 tỷ đồng từ nguồn ngân sách nhà nước. Đến nay, trình độ công nghệ của PVN đã tiệm cận trình độ khu vực với đội ngũ cán bộ có trình độ kỹ thuật tiên tiến, giỏi chuyên môn; hoạt động đảm bảo an toàn lao động, đạt tiêu chuẩn môi trường; công nghệ sản xuất đạt trình độ cơ giới hóa và tự động hóa cao, chú trọng chế biến sâu tạo giá trị gia tăng.
Ngoài những nhiệm vụ được Bộ Công Thương giao thực hiện, những năm qua, PVN và các đơn vị cũng đã giành nguồn lực đáng kể để đầu tư nghiên cứu KHCN và sản xuất thử nghiệm, đầu tư đổi mới thiết bị công nghệ, lựa chọn áp dụng các công nghệ phù hợp, tiên tiến, hiện đại của thế giới nhằm khai thác hiệu quả, tiết kiệm tài nguyên. Cụ thể như Liên doanh Việt Nga Vietsovpetro - đơn vị hoạt động trong lĩnh vực khai thác - đã đầu tư trung bình 250 tỷ đồng/năm giai đoạn 2011 - 2015 cho nghiên cứu KHCN và sản xuất thử nghiệm, hơn 340 tỷ đồng cho ứng dụng công nghệ mới nhằm gia tăng hệ số thu hồi dầu, duy trì sản lượng giếng và gia tăng sản lượng khai thác.
Trên thực tế, PVN luôn đổi mới và hiện đại hóa công nghệ. Trong lĩnh vực khai thác, tập đoàn đã chủ động áp dụng công nghệ mới: Công nghệ địa vật lý, khoan, khai thác mới, phù hợp với điều kiện thực tế gồm công nghệ khảo sát địa chấn, khảo sát địa vật lý giếng khoan, xử lý tài liệu địa chấn, minh giải tài liệu địa chấn, địa lý giếng khoan, phương pháp gọi dòng… Trong lĩnh vực chế biến, PVN đã đầu tư xây dựng các dự án trong điểm như Nhà máy (NM) lọc dầu Dung Quất, NM Đạm Phú Mỹ, Đạm Cà Mau, NM Chế biến condensate Thị Vải, NM Xơ sợi Đình Vũ. Một loạt công nghệ mới của các nhà bản quyền lớn trên thế giới như UOP, Merichem, ABB Lummus (Mỹ), Axens (Pháp), Saipem/Snamprogetti (Italia)… đã được sử dụng.
Bằng nguồn kinh phí của mình, hàng năm, PVN đã giao cho các đơn vị thành viên thực hiện khoảng 50 đề tài/nhiệm vụ nghiên cứu khoa học với kinh phí khoảng 150 tỷ đồng/năm. Tiềm lực KHCN của tập đoàn cũng được tăng lên đáng kể thông qua đầu tư cơ sở vật chất trang thiết bị hiện đại phục vụ nghiên cứu cho Viện Dầu khí Việt Nam – đơn vị nghiên cứu khoa học của PVN – trung bình hơn 200 tỷ đồng/năm và đầu tư cho Viện nghiên cứu khoa học - thiết kế của Vietsovpetro và các bộ phận nghiên cứu phát triển ở các đơn vị khác.
PVN và các đơn vị thành viên cũng chú trọng và tích cực triển khai áp dụng các hệ thống quản lý tiên tiến theo tiêu chuẩn quốc tế; xây dựng các chính sách, văn bản pháp quy, ứng dụng các thành tựu của công nghệ thông tin để đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác quản lý điều hành sản xuất, kinh doanh của mình. Công tác quản lý chất lượng của các cơ sở sản xuất đều đạt tiêu chuẩn ISO 9001; chính sách, hệ thống quản lý an toàn sức khỏe môi trường, quản lý rủi ro… thực hiện tốt, đạt các chuẩn mực về vệ sinh an toàn sức khỏe môi trường.
Trong giai đoạn 2011-2015, PVN đã tích cực đầu tư, mở rộng các hoạt động dầu khí ở nước ngoài, sớm đưa các phát hiện mới vào khai thác; đã có 36 mỏ/công trình mới được đưa khai thác, trong đó có 10 mỏ/công trình ở nước ngoài, sản lượng khai thác dầu ở nước ngoài hơn 7 triệu tấn, chiếm 8,38% sản lượng dầu thô. |