Thực tế, năm 2019 là năm đặc biệt khó khăn với các công ty phân bón. Nhu cầu tiêu thụ phân bón giảm mạnh do thời tiết không thuận lợi, giá cả nông sản thấp kỷ lục đã khiến nông hộ bỏ vụ, diện tích canh tác giảm mạnh. Bên cạnh đó, chính sách thuế bất hợp lý với ngành sản xuất phân bón đã được nhìn nhận,nhưng vẫn chưa được xử lý.
Ông Lê Cự Tân - Tổng giám đốc, đại diện DPM nhận giải thưởng top 5 Doanh nghiệp quản trị công ty tốt nhất năm 2019 |
Theo Hiệp hội Phân bón Việt Nam, việc đưa mặt hàng phân bón từ diện chịu thuế VAT 5% sang diện mặt hàng không chịu thuế theo Luật 71/2014/QH13 ngày 26/11/2014 Quốc hội khóa XIII, tiếp tục tạo ra những rào cản đối với sự phát triển của sản xuất phân bón trong nước; đồng thời tạo điều kiện cho phân bón nước ngoài “ồ ạt” vào Việt Nam.
Với chính sách thuế này, toàn bộ thuế VAT nguyên liệu đầu vào phục vụ cho sản xuất phân bón không được khấu trừ, khiến doanh nghiệp phải hạch toán vào chi phí sản xuất kinh doanh làm cho giá thành sản phẩm phân bón tăng hơn 5%.
Thêm vào đó, Nhà máy Đạm Phú Mỹ lại dừng bảo dưỡng dài ngày nên khó khăn càng cộng hưởng với DPM, đặc biệt trong cuối quý 1 và quý 2 là mùa cao điểm nhưng thiếu hàng để bán.
Trong bối cảnh đó, DPM đã thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ để vượt qua khó khăn, trong đó có việc thực hiện tiết giảm chi phí triệt để. Năm 2019, chi phí bán hàng, quản lý hợp nhất của DPM giảm 14% so với kế hoạch (tương đương 153 tỷ đồng), tiết kiệm năng lượng đạt 101 tỷ đồng.
Khi nhà máy hoạt động trở lại, DPM đã có những giải pháp quyết liệt để tối đa hóa sản lượng sản xuất, đẩy mạnh tiêu thụ, giữ vững thị phần để hoàn thành kế hoạch 2019.
Về sản xuất, DPM đã sản xuất được gần 708 ngàn tấn urê, đạt 106% kế hoạch năm và về đích trước kế hoạch 15 ngày; UFC85 đạt 11.766 tấn, hoàn thành 109% kế hoạch năm và tăng trưởng 6% so với năm 2018; NPK đạt 84.499 tấn, hoàn thành 56% kế hoạch năm nhưng tăng trưởng tới 45% so với năm 2018; NH3 đạt 61.453 tấn, hoàn thành 134% kế hoạch năm và tăng trưởng 9% so với năm 2018.
Về kinh doanh, ngay sau khi nhà máy hoạt động trở lại đã tăng tốc cung ứng hàng đến các vùng miền. Đặc biệt trong quý IV/2019, sản lượng phân urê PM cung ứng tăng hơn 39% so với cùng kỳ 2018, góp phần quan trọng hoàn thành vượt mức 2% so với chỉ tiêu kế hoạch kinh doanh sản phẩm urê Phú Mỹ trong năm 2019.
Các mặt hàng khác cũng được đẩy mạnh tiêu thụ, trong đó tiêu thụ sản phẩm NH3 là điểm sáng, với gần 59 ngàn tấn, đạt 131% so với kế hoạch và tăng 12% so với năm 2018; NPK Phú Mỹ đạt hơn 93 ngàn tấn, trong đó lượng NPK do nhà máy sản xuất tiêu thụ đạt gần 77 nghìn tấn; sản lượng tiêu thụ phân bón khác đạt gần 208 ngàn tấn....
Với rất nhiều nỗ lực, năm 2019, theo Báo cáo tài chính hợp nhất, DPM đã đạt doanh thu 7.831 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế đạt hơn 467 tỷ đồng, vượt 263 tỷ đồng, tương đương 2,3 lần so với kế hoạch được phê duyệt là 205 tỷ đồng.
Trong năm 2020, DPM đặt kế hoạch doanh thu 9.237 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế là 513 tỷ đồng, lần lượt tăng trưởng 18% và 9,8% so với thực hiện năm 2019. Bên cạnh đó, doanh nghiệp đặt kế hoạch trả cổ tức 10%. Đây là kế hoạch nhiều thách thức trong điều kiện dịch bệnh nghiêm trọng, kéo dài ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất của doanh nghiệp, cũng như hạn hán, hạn mặn khắc nghiệt ở các tỉnh Tây Nguyên và đồng bằng sông Cửu Long.
Tuy nhiên, trong “nguy” luôn có “cơ”. Giới đầu tư đang rất kỳ vọng với việc giá dầu giảm sâu và DPM hoạt động chính trong lĩnh vực nông nghiệp – lĩnh vực được coi là trụ đỡ khi nền kinh tế khó khăn, nên tổng công ty có thể tận dụng được cơ hội tăng biên lợi nhuận gộp.
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 01/4/2020, cổ phiếu DPM tăng 7%, giao dịch ở vùng giá 12.250 đồng/cổ phiếu, thấp hơn nhiều giá trị sổ sách 20.855 đồng/cổ phiếu.