PV: Thưa ông, năm 2021 là năm nền kinh tế đất nước gặp rất nhiều khó khăn do đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, Petrovietnam và trong đó có PV GAS vẫn duy trì tăng trưởng tốt. PV GAS đã có những giải pháp gì để đạt được mục tiêu kép hoạt động sản xuất kinh doanh và phòng chống dịch bệnh COVID-19.
Ông Dương Mạnh Sơn: Kiên quyết vượt qua những khó khăn trong năm 2021, PV GAS đã triển khai quyết liệt, đồng bộ và hiệu quả nhiều chương trình hành động, với sự tổng lực của tất cả khối đại đoàn kết. Để phòng chống đại dịch, giải pháp của PV GAS linh hoạt và đa chiều: Bám sát và tuân thủ chặt chẽ chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Y tế, Tập đoàn trong việc kiểm soát, phòng, chống dịch bệnh COVID-19; Đảm bảo hậu cần tốt nhất có thể cho lao động tại các điểm tập trung an toàn/thực hiện phương châm “3 tại chỗ/một cung đường - 2 điểm đến”, duy trì sức sản xuất được liên tục; tổ chức tiêm sớm và đầy đủ vắc-xin cho cán bộ công nhân viên, người thân; tăng cường công tác xét nghiệm; trang bị thiết bị phục vụ cho công tác phòng, chống dịch Covid-19; thực hiện các gói dịch vụ theo dõi, chăm sóc CBCNV khi nhiễm bệnh, đảm bảo sức khỏe toàn diện cho người lao động…
Đảng bộ PV GAS được Đảng ủy Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam khen thưởng Đơn vị tiêu biểu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ 2021 |
PV GAS vẫn luôn đảm bảo an toàn và độ sẵn sàng của các công trình khí, hệ thống thu gom – vận chuyển - sản xuất – xuất nhập khẩu khí để xử lý, cung cấp khí và sản phẩm khí ở mức cao ở mọi điều kiện. Đặc biệt, PV GAS luôn chủ động trong việc phối hợp giữa các bên trong trong dây chuyền khí (thượng, hạ nguồn) để huy động khí hiệu quả nhất.
Bên cạnh đó, PV GAS thực hiện chính sách kinh doanh phù hợp, cùng chia sẻ khó khăn với khách hàng để tạo mối quan hệ tốt với khách hàng hiện hữu, đồng thời phát triển các khách hàng mới. Hơn lúc nào hết, trong áp lực của dịch bệnh và biến động của giá dầu thế giới, PV GAS tăng cường công tác dự báo, phân tích thị trường, đẩy mạnh hoạt động kinh doanh LPG trong và ngoài nước. Quan trọng đặc biệt chính là quá trình chuyển biến mạnh mẽ công tác chuyển đổi số, đảm bảo hạ tầng công nghệ thông tin, đáp ứng yêu cầu làm việc từ xa, họp trực tuyến, ký số, đáp ứng được mọi yêu cầu điều hành, làm việc và phối hợp trong tình hình dịch bệnh.
Ông Dương Mạnh Sơn – Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam, Bí thư Đảng ủy - Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Khí Việt Nam (PV GAS) |
Chúng tôi khẳng định tính đúng đắn và hiệu quả thực tế, khi PV GAS tập trung mạnh mẽ vào 3 giải pháp cốt lõi: phát triển thị trường, xây dựng cơ chế chính sách, và nâng cao công tác quản trị, trong đó có quản trị nhân sự.Năm 2021 cũng chứng kiến quá trình đổi mới của PV GAS để đồng thời thực hiện nhiều giải pháp điều hành SXKD: thực hiện quản lý nguồn vốn hiệu quả, kiểm soát chặt chẽ công nợ; tăng cường thực hành tiết kiệm, tiết giảm chi phí trong các hoạt động; duy trì phong trào phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật hợp lý hóa sản xuất, ứng dụng khoa học công nghệ để tăng năng suất lao động, hạ giá thành sản phẩm, dịch vụ… Ban Lãnh đạo PV GAS đã đẩy mạnh quá trình phân cấp, khuyến khích tinh thần tự chủ, đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, tháo gỡ khó khăn trong quá trình triển khai công việc tại TCT và đơn vị. Trong quá trình đó, việc thực hiện sắp xếp/điều chuyển/bổ nhiệm cán bộ, công nhân viên cũng định hướng phù hợp, phát huy tối đa năng lực hiện có…
PV: Thưa ông, ngay từ 2020, Petrovietnam đã chỉ đạo các đơn vị thành viên ứng phó với dịch COVID-19 trên tinh thần chủ động, sáng tạo. Ông đánh giá như nào về định hướng, quyết sách của Petrovietnam đối với các đơn vị thành viên trong giai đoạn vừa qua?
Ông Dương Mạnh Sơn: Trước diễn biến đại dịch COVID -19 phức tạp trong nước và quốc tế, Petrovietnam đã xây dựng cả một Chiến lược vượt qua “bão tố” với nhiều quyết sách, định hướng đúng đắn, với ý chí và bản lĩnh của “Những người đi tìm lửa”, luôn đề cao sứ mệnh đối với an ninh năng lượng quốc gia. Phát triển hài hòa giữa kinh tế và văn hóa chính là điểm then chốt mà Petrovietnam chỉ đạo cho các đơn vị thành viên chủ động, linh hoạt thích ứng với trạng thái bình thường mới, bằng mọi giá phải mục tiêu cao nhất: đảm bảo an toàn, sức khỏe cho người lao động, duy trì thông suốt hoạt động sản xuất kinh doanh.
Các đơn vị trong toàn Tập đoàn, trong đó có PV GAS đã thực hiện nghiêm các Chỉ thị/chỉ đạo của Tập đoàn, triển khai Chương trình hành động, quyết liệt và quyết tâm, đúng như Tổng Giám đốc Petrovietnam Lê Mạnh Hùng đã chỉ đạo rõ: Tiếp tục phát huy kết quả đạt được, tập trung đánh giá các rủi ro, biến động của tình hình dịch bệnh để cập nhật, triển khai các giải pháp ứng phó kịp thời, nỗ lực nhiều hơn nữa để hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao. Căn cứ chỉ đạo, PV GAS cũng có sự chuẩn bị riêng, phù hợp với đặc thù của đơn vị mình, đặc biệt trong lĩnh vực khí. Nhờ đó, PV GAS đã đạt được kết quả tốt trong năm 2021, đóng góp vào thành tích chung của cả Tập đoàn.
Người lao động PV GAS và toàn Tập đoàn đều nhận được sự hỗ trợ của Tập đoàn, của Công đoàn Dầu khí Việt Nam: các trang thiết bị y tế phòng chống dịch bệnh tại cơ sở, đảm bảo phục vụ cho công tác chăm sóc sức khỏe CBCNV, người lao động, đặc biệt tại các địa điểm tập trung đông người như giàn khoan, nhà máy, công trường. Toàn Tập đoàn thống nhất và trao đổi thông tin thông suốt; rà soát, cập nhật phương án, kế hoạch phòng chống dịch; bảo đảm cơ sở vật chất, nhân lực, phương tiện sẵn sàng ứng phó với các tình huống; các ban ứng cứu tình huống khẩn cấp của Tập đoàn và các đơn vị tổ chức ứng trực, chủ động liên lạc, báo cáo khẩn cấp khi có ca nhiễm để có biện pháp chỉ đạo xử lý. Đến nay, có thể khẳng định, công tác phòng chống dịch COVID-19 được thực hiện nghiêm túc, hiệu quả trong toàn Tập đoàn.
PV GAS tham gia hỗ trợ Tuyên Quang |
PV: Những thành công lớn nhất trong thời gian dịch bệnh vừa qua cũng là các kinh nghiệm để tiếp tục đối mặt với thách thức trong năm 2022. Ông có thể chia sẻ từ góc nhìn của PV GAS?
Ông Dương Mạnh Sơn: 2 năm qua, có thể nói là thời kỳ khó khăn nhất trong lịch sử phát triển ngành Dầu khí Việt Nam nói chung và PV GAS nói riêng. Đây sẽ là những bài học để chúng ta nhìn nhận về những giá trị quan trọng nhất, hỗ trợ tập thể và mỗi con người tiến bước.
Được thừa hưởng giá trị cốt lõi về văn hóa của Tập đoàn “Khát vọng – Trí tuệ - Chuyên nghiệp – Nghĩa tình”, căn cứ vào Nghị quyết Đại hội Đảng bộ PV GAS lần thứ X với phương châm “Đoàn kết - Đổi mới - Chuyên nghiệp - Hành động”, chỉ có như vậy, PV GAS mới có thể đạt tới những thành công to lớn nhất. PV GAS đã mang tinh thần Việt Nam, cùng với toàn ngành, từng bước tạo dựng thành tựu mới trong khó khăn; linh hoạt giữ vững và phát triển vị thế; khẳng định năng lực - trí tuệ - sức sáng tạo - tình đoàn kết. PV GAS đã ghi dấu ấn đáng nhớ trên hầu hết mọi mặt lao động - sản xuất - kinh doanh, mừng tuổi 30 trưởng thành và phát triển; trở thành doanh nghiệp nổi bật trên thị trường chứng khoán, nhiều năm liền được các tổ chức uy tín trong và ngoài nước đánh giá cao.
PV GAS tiếp tục cung cấp khí và sản phẩm khí ổn định để sản xuất gần 15% sản lượng điện, 70% đạm, đáp ứng gần 70% thị phần LPG cả nước, góp phần quan trọng trong việc đảm bảo an ninh năng lượng và lương thực quốc gia.
PV GAS tiếp tục hoàn thành kế hoạch các chỉ tiêu tài chính ở mức cao, đặc biệt năm 2021 đạt tổng doanh thu trên 80 nghìn tỷ đồng, cao nhất kể từ khi thành lập. Năm 2021 cũng là năm PV GAS có số tiền đóng góp cho công tác an sinh xã hội, phòng chống dịch cao nhất với gần 300 tỷ đồng.
PV GAS khẳng định là điểm sáng về Đầu tư xây dựng - với nhiều dự án trọng điểm, phức tạp, được triển khai, hoàn thành đáp ứng yêu cầu. Ngành công nghiệp Khí thêm mạnh mẽ khi chứng kiến việc hoàn thành và đưa vào vận hành toàn bộ chuỗi dự án khí Nam Côn Sơn 2 trong tháng 12/2020, góp phần bổ sung đáng kể nguồn cung khí sụt giảm khu vực Đông Nam Bộ; đưa vào vận hành Tàu kho nổi LPG lạnh tại Thái Bình từ tháng 7/2021, tăng tính chủ động và gia tăng thị phần tại khu vực phía Bắc; thực hiện EPC dự án kho chứa LNG 1 MMTPA tại Thị Vải và các dự án thành phần…; triển khai công tác chuẩn bị đầu tư cho nhiều dự án (mở rộng, nâng công suất kho chứa LNG Thị Vải lên 3 triệu tấn/năm, dự án đường ống thu gom, vận chuyển khí mỏ Sư Tử Trắng, chế biến sâu khí);…
Bước sang năm 2022, dịch bệnh COVID-19 tiếp tục diễn biến khó lường, nhất là biến thể Omicron đã xuất hiện ở nhiều quốc gia trên thế giới trong đó có khu vực Đông Nam Á, khách hàng tiêu thụ khí cho sản xuất điện dự kiến ở mức thấp, PV GAS quyết tâm đảm bảo vận hành an toàn các công trình khí; Xây dựng chiến lược phát triển PV GAS để thích ứng trong điều kiện mới, gắn liền với Chiến lược phát triển Năng lượng Quốc gia và Chiến lược phát triển của Tập đoàn; Tập trung tăng cường công tác quản trị, phát triển văn hóa doanh nghiệp với tầm nhìn mới.
Khép lại một năm cũ, trong không khí đón chào một năm mới với khí thế mới, với sự đồng tâm hiệp lực trong toàn thể đội ngũ Lãnh đạo và CBCNV PV GAS, PV GAS bền chí và vững vàng vượt qua mọi thách thức, quyết xứng đáng là một thành viên chủ lực trong Tập đoàn Dầu khí Việt Nam.
PV: Thưa ông, tại Hội nghị COP26, Việt Nam đã ký cam kết hướng tới chống biến đổi khí hậu. Song song với đó, Dự thảo Quy hoạch Điện 8 đã trình Chính phủ đề ra một lộ trình hướng tới năng lượng tái tạo, giảm thiểu điện than, trong đó, LNG chính là xu thế của tương lai. Xin ông cho biết lộ trình phát triển và sử dụng LNG của PV GAS trong giai đoạn sắp tới?
Ông Dương Mạnh Sơn: Có thể thấy rằng, Nghị quyết 55-NQ/TW, Quyết định 2233/QĐ-TTg, Quyết định 60/QĐ-TTg đều đã xác định rất rõ công tác nhập khẩu và phát triển LNG là một trong những giải pháp phát triển năng lượng bền vững của quốc gia, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội cho giai đoạn mới cùng với xu hướng chuyển dịch năng lượng đang diễn ra mạnh mẽ trên toàn cầu.
Từ nhiều năm nay, dưới sự chỉ đạo sát sao của Petrovietnam, PV GAS đã có sự chủ động, chuẩn bị cho quá trình chuyển đổi năng lượng, nhanh chóng hoàn thiện hệ thống hạ tầng LNG để nhập khẩu từ năm 2022 và từng bước đưa LNG trở thành giải pháp quan trọng trong Chiến lược Năng lượng Quốc gia. Đây cũng là mục tiêu nhằm bù đắp cho nguồn khí trong nước đang suy giảm, chủ động nguồn cung, thúc đẩy phát triển thị trường khí/LNG tại Việt Nam.
Song song đó, PV GAS cũng xây dựng Chiến lược cụ thể về việc phát triển thị trường khí/LNG, đa dạng hóa đối tượng khách hàng cũng như chủ động nghiên cứu làm việc với các hộ tiêu thụ khí/LNG tiềm năng trong tương lai, trong đó các nhà máy nhiệt điện khí là trọng tâm với tỷ trọng khoảng trên 70%, các khách hàng hóa dầu, hộ công nghiệp, giao thông vận tải, đô thị khoảng gần 30%.
PV GAS tập trung nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng nhập khẩu, tồn trữ, phân phối LNG trên toàn quốc, trong đó mỗi khu vực sẽ được cung cấp từ 3 trung tâm đầu mối LNG cả nước gồm: Khu vực miền Nam (Dự án Kho chứa LNG 1 triệu tấn/năm Thị Vải, tiến tới nâng công suất lên 3 triệu tấn/năm); Khu vực miền Trung (Kho chứa LNG Sơn Mỹ); Khu vực miền Bắc (Quảng Ninh/Hải Phòng/Thanh Hóa).
Về nguồn nhập khẩu LNG, PV GAS tập trung công tác chuẩn bị nguồn nhập khẩu ngắn và trung hạn; hiện đã ký nhiều hợp đồng khung mua bán LNG với các nhà cung cấp LNG lớn trên thế giới, tiếp tục đàm phán với nhà cung cấp khác.
Công tác chuẩn bị tiêu thụ LNG cũng được PV GAS triển khai tích cực thông qua việc tập trung xây dựng cơ chế giá, cước phí cho sản phẩm LNG tái hóa, theo từng nguồn nhập khẩu và đối tượng khách hàng; Đàm phán, thương thảo, ký kết hợp đồng mua bán với các khách hàng, các đơn vị kinh doanh và tiếp tục tìm kiếm các khách hàng có nhu cầu mua LNG để tăng sản lượng tiêu thụ; xây dựng chiến lược phát triển thị trường của PV GAS theo từng giai đoạn (ngắn, trung, dài hạn) và chiến lược kinh doanh của các đơn vị thành viên.
Tiếp tục thực hiện sứ mệnh tiên phong trong ngành công nghiệp Khí nói chung và lĩnh vực LNG tại Việt Nam nói riêng, PV GAS xác định rõ Chiến lược phát triển mảng năng lượng LNG, với sự chỉ đạo, ủng hộ của Chính phủ, các bộ ngành, và đặc biệt là Petrovietnam. Quyết tâm nỗ lực hết mình vì sự nghiệp phát triển năng lượng sạch, bền vững – Đó là ý chí của những người lao động ngành Khí Việt Nam – PV GAS chúng tôi!
PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!