Phương pháp xếp hạng thương hiệu quốc gia của Brand Finance
Ảnh minh họa |
Mới đây, hãng tư vấn định giá thương hiệu Brand Finance của Anh vừa công bố danh sách 100 thương hiệu quốc gia giá trị nhất thế giới năm 2017. Trong đó thương hiệu quốc gia của Việt Nam tăng 5 bậc so với năm 2016, xếp thứ 45 trong bảng xếp hạng.
Để tính toán sức mạnh và giá trị thương hiệu của một quốc gia, Brand Finance sử dụng phương pháp Miễn trừ phí bản quyền, thường được dùng để xác định giá trị các thương hiệu toàn cầu. Sức mạnh của thương hiệu quốc gia sẽ được xác định dựa trên các dữ liệu thuộc 3 nhóm chính: đầu tư, xã hội, hàng hoá và dịch vụ. Các nhóm này lại được chia ra thành các nhóm phụ nhỏ hơn như Du lịch, Thị trường, Quản trị và nhân sự. Mỗi chỉ số được tính theo thang điểm 100 và góp phần tạo nên chỉ số sức mạnh thương hiệu BSI chung cho quốc gia.
Chỉ số sức mạnh thương hiệu quốc gia BSI sau đó sẽ được kết hợp với phạm vi tỷ lệ phí bản quyền, để xác định tỷ lệ chính xác. Tỷ lệ phí bản quyền này lại tiếp tục được áp vào quy mô của nền kinh tế trong vòng 5 năm tới để tính toán dòng thu nhập đầu vào. Cuối cùng, các dòng thu nhập sau đó sẽ được chiết khấu với một tỷ lệ phù hợp để tính ra giá trị hiện tại ròng, tương đương với giá trị thương hiệu quốc gia.
Trong bảng xếp hạng năm nay, vị trí thương hiệu giá trị nhất thế giới vẫn thuộc về Mỹ. Tuy nhiên theo các chuyên gia, tốc độ tăng trưởng chỉ 2%/năm sẽ khiến nền kinh tế số 1 thế giới phải đối mặt với sự thách thức trong dài hạn từ Trung Quốc. Giá trị của thương hiệu đứng thứ 2 trên bảng xếp hạng đã tăng 44% trong năm nay, đạt hơn 10.200 tỷ USD.
Sự chững lại của phương Tây song song với đà vươn mình mạnh mẽ của châu Á cũng là xu hướng chung trên bảng xếp hạng. Trong khi giá trị của những thương hiệu quốc gia tên tuổi như Đức, Hà Lan, Bỉ, Thuỵ Sĩ chỉ tăng nhẹ hoặc thậm chí sụt giảm, thì Việt Nam, Hàn Quốc, Thái Lan hay Philippines lại nằm trong top 10 quốc gia có mức tăng trưởng ấn tượng. Các chuyên gia nhận định, xu hướng này sẽ góp phần tạo thêm lợi thế cho các sản phẩm châu Á trong việc cạnh tranh, tiếp cận các khách hàng trên toàn cầu.