Không còn phù hợp với thực tế
Căn cứ Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành quy định về tỷ lệ nội địa hóa với ô tô và mức độ rời rạc của linh kiện ô tô nhập khẩu trước đây được dựa vào Quyết định 175/2002/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2010, tầm nhìn đến năm 2020 và Quyết định 177/2004/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2010, tầm nhìn đến 2020. Tuy nhiên, hiện nay Quyết định số 1168/2014/QĐ-TTg đã thay thế toàn bộ Quyết định số 175/2002/QĐ-TTg.
Ngoài ra, Nghị quyết 63/NQ-CP ngày 26/8/2019 đã chấm dứt hiệu lực Quyết định số 1211/2014/QĐ-TTg ngày 24/7/2014 phê duyệt Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 (Quyết định số 1211/2014/QĐ-TTg thay thế Quyết định số 177/2002/QĐ-TTg).
Đặc biệt, Quyết định số 1168/2014/QĐ-TTg cũng sử dụng khái niệm “tỷ lệ giá trị sản xuất chế tạo trong nước đối với sản xuất ô tô” thay thế cho khái niệm “tỷ lệ nội hóa ô tô” tại Quyết định 175/2002/QĐ-TTg.
Như vậy, theo Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, khi Quyết định 175/2002/QĐ-TTg và Quyết định 177/2004/QĐ-TTg hết hiệu lực, các văn bản pháp luật của Bộ Khoa học Công nghệ ban hành dựa trên các căn cứ này là Quyết định 28/2004/QĐ-BKHCN, Quyết định số 05/2005/QĐ-BKHCN và Thông tư 05/2012/TT-BKHCN quy định về phương pháp xác định tỷ lệ nội địa hoá đối với ô tô và mức độ rời rạc của linh kiện cũng hết hiệu lực.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, Quy định phương pháp xác định tỷ lệ nội địa hóa với ô tô nhập khẩu do Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành hết giá trị pháp lý đã hơn 7 năm nhưng vẫn chưa bị bãi bỏ.
Việc bãi bỏ các quy định này được cho là phù hợp với sự phát triển, thay đổi quy trình công nghệ sản xuất, lắp ráp ô tô của các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô tại Việt Nam và trên thế giới |
Góp ý vào Dự thảo tờ trình về việc ban hành Thông tư bãi bỏ một số văn bản quy phạm pháp luật do Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành quy định về phương pháp xác định tỷ lệ nội địa hóa đối với ô tô và mức độ rời rạc của các linh kiện ô tô nhập khẩu, các chuyên gia cho rằng, việc chấm dứt hiệu lực của hai quyết định và Thông tư trên là hoàn toàn phù hợp với chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam. Điều này cũng gỡ cho các doanh nghiệp sản xuất ô tô tại Việt Nam khỏi những quy định đã không còn căn cứ pháp lý để chuyển sang giai đoạn phát triển mới, phù hợp với thực tiễn phát triển của khoa học, công nghệ và hiện đại hơn.
Cần sớm bãi bỏ
Chia sẻ về vấn đề này, Luật sư Trần Xuân Tiền, Trưởng Văn phòng Luật sư Đồng Đội, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho biết, quy trình công nghệ sản xuất, lắp ráp ô tô của các doanh nghiệp tại Việt Nam ngày càng hiện đại, phát triển, có nhiều sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế, vì vậy những căn cứ pháp lý quy định về tỷ lệ nội địa hóa đối với ô tô và mức độ rời rạc của linh kiện ô tô nhập khẩu đã không còn phù hợp.
Cũng theo luật sư Trần Xuân Tiền, sự cần thiết phải bãi bỏ các quy định trên không chỉ nhằm đảm bảo sự thống nhất của hệ thống văn bản quy phạm pháp luật mà còn nhằm đáp ứng nhu cầu thực tiễn, phù hợp với tiêu chuẩn chung của khu vực và quốc tế. Hiện nay, các văn bản quy định về phương pháp xác định tỷ lệ nội địa hóa đối với ô tô đã không còn phù hợp với thực tiễn phát triển của ngành công nghiệp ô tô, bởi Việt Nam hiện vẫn sử dụng cách tính tỉ lệ nội địa hóa theo cụm chi tiết được sản xuất trong nước, trong khi đó, các nước ASEAN lại tính theo tổng giá trị của từng chi tiết cộng lại, để hưởng ưu đãi thuế theo Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA).
Hơn nữa, việc ký kết các Hiệp định Thương mại mà Việt Nam đã tham gia như ATIGA, CPTPP, EVFTA… là cơ hội để các chênh lệch về thuế suất nhập khẩu xe nguyên chiếc và bộ linh kiện không còn. Vì vậy, tại các Nghị định, Thông tư đã ban hành, Chính phủ cần yêu cầu các bộ, ngành liên quan sửa đổi, bổ sung quy định về mức độ rời rạc, đảm bảo phù hợp với thực tế.
“Đứng trước bối cảnh trên, để phù hợp với xu thế, tôi cho rằng chúng ta cũng nên áp dụng cách tính tỉ lệ nội địa hóa ô tô theo các tiêu chuẩn chung của quốc tế để vừa khuyến khích sản xuất trong nước, vừa tạo điều kiện cho doanh nghiệp hướng tới xuất khẩu” – Luật sư Trần Xuân Tiền bày tỏ quan điểm.
Theo các chuyên gia, việc bãi bỏ các quy định này được cho là phù hợp với sự phát triển, thay đổi quy trình công nghệ sản xuất, lắp ráp ô tô của các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô tại Việt Nam và trên thế giới hiện nay nhằm bảo đảm tính minh bạch, hợp lý; không gây phát sinh thủ tục hành chính, thuận lợi cho công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực đầu tư và khoa học và công nghệ. Đồng thời, bảo đảm được các điều ước và Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam với các nước khác.
Đồng tình với nội dung dự thảo Thông tư bãi bỏ quy định về phương pháp xác định tỷ lệ nội địa hóa đối với ô tô và mức độ rời rạc của linh kiện ô tô nhập khẩu của Bộ Khoa học và Công nghệ về việc bãi bỏ các văn bản phù hợp với thẩm quyền là cần thiết, Bộ Tư pháp đề nghị, cơ quan chủ trì soạn thảo rà soát, thể hiện đầy đủ, rõ ràng lý do bãi bỏ.
Trong đó, đề nghị làm rõ nội hàm của phương pháp xác định tỉ lệ giá trị sản xuất trong nước đối với ô tô được giao cho Bộ Công Thương và quy định mức độ của bộ linh kiện CKD của ô tô nhập khẩu được giao cho Bộ Khoa học và Công nghệ. Từ đó làm rõ phạm vi trách nhiệm của các bộ, cũng như đánh giá về sự phù hợp của đề xuất sửa đổi, bổ sung hay bãi bỏ các văn bản pháp luật hiện hành thuộc thẩm quyền của Bộ Khoa học và Công nghệ.
Cũng góp ý vào dự thảo, Bộ Công Thương cho biết, Bộ thống nhất với đề xuất của Bộ Khoa học và Công nghệ về việc bãi bỏ quy định hiện hành về phương pháp xác định tỉ lệ nội địa hóa với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước.
Theo đó, Bộ Công Thương đề nghị Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp vơi các bộ quản lý ngành, các tổ chức, cá nhân có liên quan xây dựng, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn kỹ thuật đối với ô tô, linh kiện ô tô hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế.
Đồng thời, căn cứ các Nghị định của Chính phủ về điều kiện sản xuất, lắp ráp và kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ô tô; biểu thuế xuất khẩu; biểu thuế nhập khẩu ưu đãi; ý kiến góp ý của các cơ quan, đơn vị, tổ chức liên quan; đánh giá toàn diện tác động của việc sửa đổi/bãi bỏ quy định về mức độ rời rạc của các linh kiện ô tô nhập khẩu để rà soát, ban hành theo thẩm quyền hoặc báo cáo cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định.