Sắp diễn ra Diễn đàn quốc gia phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam Thủ tướng yêu cầu tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất |
Tình hình kinh tế thế giới vẫn còn nhiều khó khăn, nhu cầu thị trường chưa phục hồi nhưng nhờ nỗ lực của các doanh nghiệp nên sản xuất công nghiệp tiếp tục chuyển biến tích cực.
Công nhân Công ty TNHH Telstar Việt Nam, Khu công nghiệp Vân Trung, Bắc Giang (vốn đầu tư của Anh) trong dây truyền sản xuất thiết bị điện tử. Ảnh: Đồng Thúy-TTXVN |
Tổng cục Thống kê cho biết, mặc dù, tình hình kinh tế thế giới vẫn còn nhiều khó khăn, nhu cầu thị trường chưa phục hồi nhưng do những nỗ lực tìm kiếm đơn hàng cũng như chuẩn bị hàng hóa phục vụ tiêu dùng dịp cuối năm của các doanh nghiệp nên sản xuất công nghiệp tiếp tục chuyển biến tích cực. Cụ thể, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 11 mặc dù có phần chững lại so với tháng trước khi chỉ tăng 3% so với tháng trước (tháng 10/2023 tăng tăng 5,5% so với tháng 9/2023) nhưng so với cùng kỳ năm trước tăng tới 5,8%, đây là tháng có mức tăng cao gần nhất kể từ đầu năm.
Trong đó, so với cùng kỳ năm trước, ngành chế biến, chế tạo tăng 6,3%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 9,2%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 3,3%; riêng ngành khai khoáng giảm 3,8%.
Tại "thủ phủ công nghiệp" tỉnh Bình Dương đã ghi nhận những tín hiệu về phục hồi kinh tế, đặc biệt chỉ số kinh tế trong 11 tháng tạo nên một "bức tranh" tích cực, giúp tăng niềm tin trong cộng đồng doanh nghiệp và người dân. Đặc biệt, sự tăng trưởng đặc biệt ấn tượng ở lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo với mức tăng 4,3%, cho thấy ngành sản xuất trong tỉnh có sức chống chịu tích cực trước tác động của thị trường.
Theo ghi nhận, một số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Dương đã có đơn hàng sản xuất và xuất khẩu trở lại đang có nhu cầu tuyển lao động từ nay đến cuối năm 2023. Cụ thể, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Leading Star may mặc xuất khẩu cần tuyển 1.000 lao động, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Vision sản xuất gậy golf cần tuyển 1.000 lao động, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Esprinta may mặc tuyển 400 lao động, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Accasete may mặc tuyển 500 lao động nữ…
Bà Dương Thị Tú Trinh, Phó Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Đức Thiện chia sẻ niềm vui khi công ty đã bắt nhịp lại hoạt động sản xuất và tăng tuyển lao động trong những tháng cuối năm. "Đơn hàng của chúng tôi đã tăng trở lại với mức từ 20 - 25% so với 3 quý trước, và dự kiến sẽ tiếp tục tăng trong quý IV/2023. Chúng tôi đã có đủ đơn hàng cho đến hết quý I/2024, đảm bảo việc làm cho nhân công và xuất khẩu khoảng 100 container hàng/tháng", bà Trinh chia sẻ.
Hoạt động sản xuất tại Công ty APPLE Film (Khu công nghiệp Hòa Cầm, thành phố Đà Nẵng). Ảnh: Quốc Dũng - TTXVN |
Sự hồi phục của ngành công nghiệp gỗ không chỉ tạo ra cơ hội về lượng đơn hàng mà còn mang lại cơ hội việc làm cho người lao động. Công ty Trách nhiệm hữu hạn Đức Thiện đã tăng lại số lượng công nhân và hoạt động với công suất đạt 50 - 60%. Điều này là tín hiệu tích cực cho nền kinh tế địa phương và làm tăng cơ hội việc làm trong ngành. Không chỉ Bình Dương, mà nhiều địa phương khác trong cả nước cũng đã có những tín hiệu tích cực trong ngành sản xuất công nghiệp. Cụ thể, Tp. Hồ Chí Minh cũng đã có nhiều xu hướng tích cực; trong đó, chỉ số tiêu thụ ở một số nhóm ngành và sản phẩm công nghiệp chủ yếu cũng tăng cao. Trên cơ sở này, cộng đồng doanh nghiệp sản xuất công nghiệp đang tiếp tục nỗ lực hoàn thành kế hoạch của năm, cũng như bắt tay hợp tác đa ngành nhằm tăng thêm giá trị cộng hưởng thương hiệu và nguồn lực.
Riêng chỉ số IIP tháng 11/2023 của Tp. Hồ Chí Minh ước tăng 3,8% so với tháng trước và tăng 9,8% so với tháng cùng kỳ năm 2022. Lũy kế 11 tháng năm 2023, chỉ số IIP ước tăng 4,1% so với cùng kỳ.
Lãnh đạo Sở Công Thương Tp. Hồ Chí Minh nhận định ngành công nghiệp ghi nhận sự tăng trưởng tích cực của 4 nhóm ngành công nghiệp trọng điểm, tiếp tục duy trì, khẳng định vị trí là ngành chủ đạo, có chỉ số sản xuất công nghiệp tăng cao hơn so với chỉ số chung của toàn ngành. Theo đó, chỉ số sản xuất công nghiệp 4 nhóm ngành trọng điểm 11 tháng năm 2023 ước tăng 6,3% so với cùng kỳ, cao hơn 2,2% so với mức tăng trưởng chung của toàn ngành.
Tuy nhiên, do những khó khăn từ suy giảm kinh tế toàn cầu, đặc biệt là từ những tháng đầu năm đã ảnh hưởng đến kết quả sản xuất công nghiệp của cả nước nên tính chung 11 tháng, IIP ước chỉ tăng 1% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2022 tăng 8,4%) nhưng đây là mức tăng cao nhất kể từ đầu năm, cho thấy xu hướng phục hồi tích cực trong sản xuất công nghiệp.
Để thúc đẩy ngành sản xuất công nghiệp cuối năm, Thứ trưởng Bộ Công Thương, ông Đỗ Thắng Hải cho biết, Bộ này cũng sẽ tập trung những giải pháp trọng tâm như: tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp để thúc đẩy phát triển sản xuất trên cơ sở bám sát tình hình sản xuất của các ngành, lĩnh vực, một số địa phương trọng điểm về công nghiệp, kịp thời nắm bắt tháo gỡ khó khăn thúc đẩy phát triển sản xuất.
Bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê đề xuất, Chính phủ tiếp tục tổ chức kết nối các doanh nghiệp trong nước tham gia được vào chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp FDI lớn toàn cầu đang đầu tư tại Việt Nam; đồng thời, hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa phục hồi, phát triển sản xuất thông qua tạo thuận lợi hóa trong các thủ tục hành chính, tiếp cận tín dụng…
Vụ trưởng Vụ Thống kê công nghiệp và xây dựng, Tổng cục Thống kê bà Phí Thị Hương Nga cho rằng, các địa phương cần đẩy mạnh các chương trình kích cầu, khuyến mãi nhằm tăng sức mua của người dân, giúp các doanh nghiệp ngành lương thực, thực phẩm, dệt may, da giày giảm áp lực đầu ra, mở rộng thị trường nội địa trong bối cảnh xuất khẩu gặp khó. Đặc biệt đối với các lĩnh vực công nghiệp, công nghiệp hỗ trợ, các địa phương cần tổ chức nhiều triển lãm kết nối cung cầu, giúp các DN tìm kiếm được đối tác, mở rộng đầu ra cho sản phẩm.
Đại diện Sở Công Thương tỉnh Bình Dương cho biết, để hỗ trợ doanh nghiệp, lấy lại đà phục hồi và tăng trưởng cho hoạt động xuất khẩu, hiện các ngành chức năng tỉnh Bình Dương đã tập trung hỗ trợ xuất nhập khẩu, hỗ trợ các hiệp hội, doanh nghiệp khai thác có hiệu quả các hiệp định thương mại tự do đã ký kết.
Từ đó, mở rộng, đa dạng hóa thị trường, mở rộng chuỗi cung ứng và mặt hàng xuất khẩu. Những hội chợ và sự kiện về máy móc ngành gỗ, như các triển lãm tổ chức tại Bình Dương, đã trở thành cơ hội quý giá để các doanh nghiệp cập nhật thông tin, công nghệ mới, đồng thời là nơi gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm giữa các nhà sản xuất.
Về phía các doanh nghiệp, đại diện các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo mong muốn bình ổn giá điện, nước, nhiên liệu để hạn chế gia tăng chi phí sản xuất sản phẩm; đồng thời, kiến nghị Chính phủ kích cầu thị trường trong nước nhằm hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm đối tác tiêu thụ sản phẩm hiệu quả.
Cùng với đó, các doanh nghiệp gặp khó khăn về tài chính, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, mong muốn được giảm lãi suất vay vốn và được hỗ trợ quá trình hoàn thiện hồ sơ vay vốn nhanh hơn để doanh nghiệp có nguồn vốn sản xuất kinh doanh kịp thời và hiệu quả hơn.