Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ
Ngày 13/6, tỉnh Phú Yên là địa phương đầu tiên tổ chức Hội nghị tổng kết thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải Trung bộ đến năm 2010 và Kết luận số 25-KL/TW, ngày 2/8/2012 về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 39.
Phát biểu tại hội nghị, Bí thư tỉnh ủy Phú Yên Phạm Đại Dương cho biết, sau gần 20 năm triển khai Nghị quyết 39, tỉnh Phú Yên đã duy trì và tăng cường hợp tác phát triển các tỉnh trong khu vực tiểu vùng Nam Trung bộ và Tây Nguyên về hỗ trợ phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh. Đồng thời, tỉnh cũng đã ký kết hợp tác với TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội tạo điều kiện cho tỉnh phát triển, giới thiệu các nhà đầu tư đến tìm hiểu và đầu tư tại Phú Yên, tạo điều kiện huy động thu hút nguồn lực để đầu tư phát triển tỉnh.
Qua thời gian triển khai thực hiện Nghị quyết 39, cơ cấu kinh tế tỉnh Phú Yên chuyển dịch tích cực, theo đúng hướng tăng tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ và giảm tỷ trọng nông nghiệp |
Qua thời gian triển khai thực hiện Nghị quyết, Phú Yên đã đạt được một số kết quả nổi bật. Tốc độ tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2005 - 2020 đạt 8,3%/năm, cao hơn bình quân chung cả nước. Quy mô nền kinh tế năm 2020 tăng gấp 3,66 lần so với 2004. GRDP bình quân đầu người liên tục tăng, năm 2020 đạt 50,4 triệu đồng, đến năm 2021 đạt 51,4 triệu đồng/người, tăng gấp 9,7 lần so với năm 2004. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng khá, giai đoạn 2005-2020 tăng khoảng 13,5%, trong đó vốn khu vực tư nhân, vốn ngoài ngân sách Nhà nước chiếm khoảng trên 70%. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, theo đúng hướng tăng tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ và giảm tỷ trọng nông nghiệp. Cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, vận tải được tập trung đầu tư một cách đồng bộ, có trọng điểm và đã đạt được những thành tựu hết sức quan trọng, tạo động lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
“Hiện nay, Phú Yên đang phối hợp với tỉnh Khánh Hòa xây dựng Đề án cơ chế chính sách liên kết vùng Nam Phú Yên - Bắc Khánh Hòa nhằm khai thác và phát huy các tiềm năng, thế mạnh của vùng Nam Phú Yên - Bắc Khánh Hòa, phấn đấu trở thành vùng kinh tế tổng hợp đóng vai trò động lực của khu vực Duyên hải Nam Trung bộ. Phát triển mạnh các ngành công nghiệp và dịch vụ, trong đó đặc biệt chú trọng phát triển các ngành công nghiệp có hàm lượng kỹ thuật cao, các ngành dịch vụ có giá trị gia tăng lớn, có tầm cỡ khu vực và quốc tế; ưu tiên phát triển kinh tế biển (hạ tầng cảng biển, dịch vụ hàng hải,…)”, Bí thư tỉnh ủy Phú Yên Phạm Đại Dương cho hay.
Khơi thông điểm nghẽn
Tại hội nghị, các thành viên Ban Chỉ đạo, đại diện lãnh đạo một số ban, bộ, ngành Trung ương đã đóng góp ý kiến về quá trình thực hiện Nghị quyết 39 của tỉnh Phú Yên.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân đồng tình với định hướng hình thành trung tâm chế biến xuất nhập khẩu nông, thủy sản thực phẩm của tỉnh. Qua đó, lưu ý Phú Yên cần phát triển hạ tầng thương mại, thương mại điện tử trong thời gian tới.
Ông Trần Duy Đông - Thứ Trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng cần nhấn mạnh kết quả thực hiện phát triển kinh tế biển. Quy hoạch tỉnh phải có tầm nhìn dài hạn, tư duy chiến lược để phát huy được tiềm năng, lợi thế của tỉnh. Trong quy hoạch thì trọng tâm vẫn là Khu công nghiệp Nam Phú Yên.., khu vực thành phố Tuy Hòa là động lực trung tâm phát triển và khu kinh tế ven biển.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh ghi nhận và đánh giá cao tỉnh Phú Yên - là địa phương đầu tiên trong vùng tổ chức Hội nghị tổng kết với sự tham gia của đông đủ lãnh đạo tỉnh, đại diện các sở, ban, ngành.
Qua báo cáo tổng tổng kết của Phú Yên cũng như đóng góp ý kiến của các bộ ngành, Trưởng Ban kinh tế Trung ương đồng tình với một số tồn tại, hạn chế như tăng trưởng kinh tế chưa bền vững; quy mô nền kinh tế còn nhỏ, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh còn thấp. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế còn chậm; nhiều tiềm năng, lợi thế chưa được khai thác, phát huy hiệu quả. Các ngành công nghiệp công nghệ cao, sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao còn rất hạn chế. Cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh còn chậm; thu hút đầu tư còn hạn chế; tiến độ triển khai nhiều dự án còn chậm trễ, kéo dài. Chất lượng doanh nghiệp thành lập mới chưa cao, chưa có nhiều doanh nghiệp lớn trên địa bàn. Liên kết vùng còn lỏng lẻo, phạm vi liên kết còn hẹp, mang tính tự phát, thiếu bền vững. Xung đột lợi ích trong liên kết phát triển giữa các địa phương và toàn vùng vẫn xảy ra nhất là trong thu hút nguồn lực xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng (bến cảng, sân bay,…), khu đô thị, khu công nghiệp…
Trưởng Ban kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh đề nghị Phú Yên cần tập trung phát triển các ngành công nghiệp và năng lượng mới ứng dụng công nghệ cao, đặc biệt là công nghệ của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 |
Nhằm thực hiện mục tiêu phát triển nhanh và bền vững tỉnh Phú Yên, đảm bảo “đến năm 2025, cơ bản hoàn thiện nền tảng, hạ tầng kỹ thuật quan trọng của một số ngành kinh tế chủ lực, để đến năm 2030, Phú Yên có ngành dịch vụ, nông nghiệp và công nghiệp phát triển mạnh”, ông Trần Tuấn Anh đề nghị Đảng bộ tỉnh Phú Yên thực hiện tốt một số nhiệm vụ, giải pháp.
Đẩy mạnh phát triển ngành công nghiệp trên cơ sở khai thác thế mạnh nằm trên trục giao thông chính Bắc Nam, tuyến giao thông đường bộ kết nối với các tỉnh Tây Nguyên, cảng biển nước sâu Vũng Rô, cảng Bãi Gốc và sân bay Tuy Hoà. Bên cạnh đó, tập trung phát triển các ngành công nghiệp và năng lượng mới ứng dụng công nghệ cao, đặc biệt là công nghệ của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0; công nghiệp chế biến thuỷ, hải sản… và phát triển các đô thị ven biển theo hướng đô thị thông minh, bền vững.
Phú Yên cần đẩy mạnh huy động, thu hút các nguồn lực phát triển các đô thị nhất là các đô thị ven biển. |
Chú trọng liên kết vùng, phát huy vai trò, vị thế và tiềm năng của tỉnh Phú Yên là một trong các cửa ngõ giao thương quốc tế, nhất là liên kết khu vực Nam Phú Yên - Bắc Khánh Hoà, Bắc Phú Yên - Nam Bình Định và Phú Yên - Tây Nguyên. Phát triển hành lang kinh tế dọc quốc lộ 25, quốc lộ 29, quốc lộ 19C, đường Đông Trường Sơn với các tỉnh Tây Nguyên, kết nối với khu vực Đông Bắc Campuchia và Nam Lào, trong đó Phú Yên là một trong các cửa mở ra Biển Đông.
Tiếp tục huy động nguồn lực đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng vùng biển và ven biển, hạ tầng Khu kinh tế Nam Phú Yên. Phát triển các cơ sở công nghiệp chế biến quy mô vừa và nhỏ tại khu vực đồng bằng, tập trung đầu tư và phát huy hiệu quả Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Phú Yên. Đẩy mạnh huy động, thu hút các nguồn lực phát triển các đô thị nhất là các đô thị ven biển, quan tâm đầu tư hạ tầng để nâng cấp một số thị trấn.