Thủ tướng phê duyệt quy hoạch danh lam thắng cảnh quốc gia đặc biệt Gành Đá Đĩa Khu kinh tế Nam Phú Yên được định hình như thế nào vào năm 2040? |
Có 112 di tích được xếp hạng
Hiện Phú Yên có 112 di tích được xếp hạng. Trong đó, có 2 di tích quốc gia đặc biệt, 21 di tích quốc gia và 89 di tích cấp tỉnh với các loại hình lịch sử, kiến trúc - nghệ thuật, khảo cổ, danh lam thắng cảnh.
Trong đó có một số di tích tiêu biểu, nổi tiếng, nhận được sự quan tâm của người dân, du khách như: Tháp Nhạn, Gành Đá Dĩa, Bãi Môn - Mũi Đại Lãnh, Núi Đá Bia, Căn cứ của tỉnh Phú Yên trong kháng chiến chống Mỹ; Mộ và Đền thờ Lương Văn Chánh; Thành An Thổ; Đầm Ô Loan, Vịnh Xuân Đài,…
Gành Đá Đĩa ở huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên là danh lam thắng cảnh quốc gia đặc biệt. Ảnh: Toàn Luân |
Theo UBND tỉnh Phú Yên, công tác quy hoạch di tích chưa được chú trọng, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Phú Yên mới đang lập quy hoạch tổng thể 2 di tích quốc gia, đặc biệt là Di tích kiến trúc nghệ thuật Tháp Nhạn và Danh lam thắng cảnh Gành Đá Dĩa.
Riêng Danh lam thắng cảng quốc gia đặc biệt Gành Đá Dĩa đã được Thủ tướng Chính phủ lập quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi vào ngày 4/12/2023. Mục tiêu lập quy hoạch nhằm nhận diện đầy đủ giá trị và bảo tồn các giá trị đặc sắc về địa chất của Danh lam thắng cảnh Gành Đá Đĩa; bảo vệ tài nguyên mặt nước, đa dạng sinh học, địa chất, địa mạo và di sản văn hóa của cộng đồng trong khu vực... Đồng thời, phát huy giá trị Danh lam thắng cảnh Gành Đá Đĩa, trở thành điểm tham quan du lịch hấp dẫn của tỉnh, của vùng và cả nước; làm cơ sở pháp lý thu hút nguồn lực đầu tư; quản lý và bảo vệ danh lam thắng cảnh và các di sản trong khu vực; lập, thẩm định, phê duyệt và triển khai các dự án thành phần về bảo quản, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị danh lam thắng cảnh.
UBND tỉnh Phú Yên cho rằng, do khó khăn về kinh phí nên công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích trên địa bàn tỉnh vẫn còn hạn chế; nhiều di tích đã được xếp hạng cấp quốc gia, cấp tỉnh chưa được tu bổ, tôn tạo; công tác phát huy giá trị di tích gắn với phát triển du lịch hiệu quả chưa cao, chưa thu hút khách du lịch,...
Trong giai đoạn 2016-2022 chỉ có hơn 3,65 triệu lượt khách đến tham quan các di tích. Trong đó có hai di tích Gành Đá Đĩa và Bãi Môn - Mũi Đại Lãnh tổ chức thu phí tham quan. Nếu hệ thống di tích được quan tâm đầu tư các dự án bảo tồn di tích, tạo thành các sản phẩm du lịch mới sẽ thu hút được nhiều khách tham quan, du lịch.
Kêu gọi xã hội hóa hơn 10.900 tỷ đầu tư, tôn tạo di tích
Nhằm bảo tồn và phát huy giá trị di tích trên địa bàn theo hướng bên vững, đồng bộ, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, UBND tỉnh Phú Yên đã thông qua Đề án tổng thể bảo tồn và phát huy giá trị di tích trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023 – 2030.
Theo đó, Phú Yên cần hơn 11.679 tỷ đồng để thực hiện đề án này, trong đó kinh phí ngân sách nhà nước hơn 771 tỷ đồng và khoảng 10.908 tỷ đồng từ kinh phí xã hội hóa.
Cụ thể, Phú Yên sẽ huy động nguồn lực xã hội hóa đầu tư, tôn tạo các di tích và tập trung vào các di tích tiềm năng phát triển du lịch, nhất là các di tích thuộc loại hình danh lam thắng cảnh. Từ nay đến năm 2030, ưu tiên huy động xã hội hóa đầu tư tôn tạo 9 dự án bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh với kinh phí dự kiến kêu gọi đầu tư hơn 10.900 tỷ đồng.
Một số dự án đáng chú ý như: Khu du lịch vui chơi giải trí cao cấp Vịnh Xuân Đài (1.800 tỷ đồng); tu bổ, tôn tạo cảnh quan và đầu tư hạ tầng du lịch thắng cảnh quốc gia Gành Đá Dĩa (2.000 tỷ đồng); tu bổ tôn tạo khu di tích Bãi Môn – Mũi Đại Lãnh (1.000 tỷ đồng); khu du lịch sinh thái Núi Đá Bia (2.000 tỷ đồng); khu du lịch Đầm Ô Loan (3.000 tỷ đồng)…
Tỉnh Phú Yên cũng đề ra một số nhiệm vụ trọng tâm để thu hút du khách đến tham quan di tích. Trong đó, tăng cường tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu các nội dung, giá trị di tích trên các phương tiện thông tin đại chúng và các hình thức khác. Cùng với đó, xây dựng đề án thu phí tham quan di tích, trước mắt tại một số di tích như: Tháp Nhạn, quần thể Hòn yến, danh thắng Vịnh Xuân Đìa, Núi Đá Bia, Đầm Ô Loan,...