Mục đích của chuỗi hoạt động trình diễn, kết nối cung cầu công nghệ lĩnh vực nông, lâm, thủy sản năm 2019 là đánh giá, cập nhật hiện trạng hoạt động ứng dụng, chuyển giao công nghệ mới trong nông nghiệp. Từ đó có sự hỗ trợ kịp thời như giải quyết các vấn đề về chính sách, kỹ thuật, công nghệ; tập trung tổng thể các nguồn lực cho việc nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao công nghệ mới; phát triển các sản phẩm chủ lực, trọng điểm của tỉnh trong lĩnh vực nông, lâm, thủy sản.
Cắt băng khai mạc chuỗi hoạt động trình diễn, kết nối cung cầu công nghệ lĩnh vực nông, lâm, thủy sản năm 2019 |
Đồng thời thúc đẩy hợp tác đầu tư nghiên cứu ứng dụng, phát triển và đổi mới công nghệ trong doanh nghiệp, sản xuất của nông dân ở lĩnh vực nông, lâm, thủy sản. Nâng cao chất lượng và hiệu quả của hoạt động xúc tiến chuyển giao công nghệ; kết nối cung cầu công nghệ giữa doanh nghiệp trong tỉnh với các viện nghiên cứu, trường đại học trên cả nước theo nhu cầu của các doanh nghiệp; cung cấp thông tin công nghệ, tư vấn công nghệ cho doanh nghiệp, kết nối doanh nghiệp với thị trường.
Chuỗi hoạt động này gồm các hoạt động chính: Trình diễn, kết nối cung cầu công nghệ; gặp gỡ, đối thoại giữa lãnh đạo tỉnh với nông dân, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp; hội thảo ứng dụng và đổi mới công nghệ trong sản xuất, chế biến các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh Phú Yên; hội thảo đổi mới công nghệ theo chuỗi để phát triển rừng trồng tại Phú Yên…
Phát biểu tại sự kiện, ông Trần Hữu Thế, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên cho biết, trong những năm qua, hoạt động ngành nông nghiệp của tỉnh đã có sự chuyển biến mạnh mẽ và đóng góp nhất định cho sự tăng trưởng kinh tế, phát triển bền vững của tỉnh. Thành quả này có sự đóng góp quan trọng của hoạt động nghiên cứu, chuyển giao khoa học và công nghệ vào lĩnh vực nông nghiệp.
Nhiều sản phẩm nông, lâm, thủy sản của các doanh nghiệp và địa phương đã được trưng bày, giới thiệu |
Tỉnh đã lai tạo thành công nhiều giống cây trồng có ưu thế vượt trội như giống lúa PY1, PY2, PY15; giống sắn siêu bột KM419; giống chuối cấy mô... Một số doanh nghiệp đã mạnh dạn đổi mới, áp dụng công nghệ cao vào sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Hệ thống mạng lưới khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư phát triển rộng khắp từ tỉnh đến cơ sở.
Bên cạnh đó, ngày càng nhiều nông dân được đào tạo, hướng dẫn, tiếp nhận chuyển giao khoa học và công nghệ vào sản xuất. Bên cạnh đó, việc phát triển thương hiệu hàng hóa cũng được tỉnh chú trọng, qua đó nâng cao giá trị, sức cạnh tranh của sản phẩm. Tỉnh cũng đã xây dựng nhãn hiệu cho một số sản phẩm nông nghiệp đặc thù như nước mắm, cá ngừ đại dương, sò huyết Ô Loan, bò một nắng, muối Tuyết Diêm, bánh tráng Đông Bình, cà phê Huy Tùng…
Theo ông Trần Hữu Thế, trong bối cảnh đất nước hội nhập kinh tế quốc tế đòi hỏi càng phải nỗ lực trong việc cụ thể hóa cơ chế, chính sách quản lý về khoa học và công nghệ, đáp ứng tốt hơn yêu cầu thực tiễn của cuộc sống; tăng hàm lượng khoa học và công nghệ trong các sản phẩm sản xuất và dịch vụ nông nghiệp, đẩy mạnh việc nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ vào sản xuất và đời sống. Tỉnh đã và sẽ có những kế hoạch, chiến lược phát triển khoa học và công nghệ phù hợp với lợi thế của địa phương nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trong tình hình mới.