Phú Thọ: Doanh nghiệp trong các khu, cụm công nghiệp phấn đấu doanh thu đạt trên 90.000 tỷ đồng Phú Thọ: Hơn 100 xe điện phục vụ du khách dịp Giỗ Tổ Hùng Vương |
Ngày 5/12/2023, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 1579/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tỉnh Phú Thọ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đây là quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia, là sản phẩm kết tinh của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Phú Thọ, thể hiện khát vọng, ý chí và tầm nhìn dài hạn phát triển tỉnh. Quy hoạch tỉnh Phú Thọ được xây dựng trên cơ sở đánh giá một cách tổng thể, toàn diện và khách quan hiện trạng phát triển của tỉnh các giai đoạn trước; phân tích điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội và thách thức. Quy hoạch tỉnh đã định hình những nét lớn của từng ngành, lĩnh vực chủ lực cũng như phân bố không gian lãnh thổ phát triển.
Nội dung của Quy hoạch tỉnh Phú Thọ có sự kế thừa, tiếp nối và phát triển, đã được rà soát và đều chỉnh phù hợp với Nghị quyết số 11 ngày 10/2/2022 của Bộ Chính trị. Có thể thấy, quy hoạch tỉnh Phú Thọ là công cụ quan trọng trong định hướng, quản lý toàn diện các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội, góp phần hiện thực hóa mục tiêu “đến năm 2030 Phú Thọ là tỉnh phát triển hàng đầu của vùng Trung du và miền núi phía Bắc; đến năm 2050 là tỉnh phát triển ở khu vực phía Bắc, nằm trong nhóm các tỉnh phát triển của cả nước, là nơi đáng sống, đáng đến, an toàn và thịnh vượng”.
Đến năm 2030, Phú Thọ có khoảng 57 khu cụm công nghiệp với diện tích trên 7.595ha |
Sau khi được phê duyệt Quy hoạch tỉnh, chính quyền tỉnh Phú Thọ xác định cần phải thực hiện nhiều nhiệm vụ và đột phá chiến lược. Trong đó, xác định: Một trung tâm đó là xây dựng và phát triển đô thị Việt Trì trở thành thành phố Lễ hội về với cội nguồn dân tộc Việt Nam, là đô thị trung tâm Vùng Trung du và miền núi phía Bắc, đạt tiêu chuẩn đô thị loại I. Hai hành lang kinh tế đó là hành lang kinh tế dọc tuyến cao tốc Nội Bài - Lào Cai và hành lang kinh tế dọc tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Tây; trọng tâm là hình thành các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu đô thị sinh thái nghỉ dưỡng, khu du lịch, dịch vụ có quy mô lớn, tạo đột phá đối với sự phát triển của tỉnh Phú Thọ thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Ba đột phá phát triển đó là huy động mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển, trọng tâm là đầu tư, hoàn thiện kết cấu hạ tầng then chốt; Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, nguồn lao động có trình độ chuyên môn, kỹ thuật; cải cách hành chính và tập trung cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Bốn nhiệm vụ trọng tâm đó là Phát huy lợi thế so sánh để phát triển nhanh công nghiệp chế biến, chế tạo, dịch vụ, du lịch; đổi mới mô hình, tổ chức sản xuất trong nông, lâm nghiệp theo hướng hiện đại; thu hút có hiệu quả nguồn vốn ngoài tỉnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác, thu hút và quản lý đầu tư; Bảo tồn và phát huy các giá trị lịch sử, văn hóa vùng Đất Tổ; Xây dựng Phú Thọ trở thành trung tâm của tiểu vùng Tây Bắc ở một số lĩnh vực có lợi thế. Quy hoạch kinh tế - xã hội tỉnh Phú Thọ đặt trong mối liên kết cộng hưởng lợi thế vùng.
Cùng với đó, tỉnh Phú Thọ đặt ra mục tiêu đến năm 2030, toàn tỉnh có 22 đô thị, nâng tỷ lệ đô thị hóa khoảng 30- 32%; phát triển 12 khu công nghiệp với tổng diện tích khoảng 5.095ha; đồng thời phát triển 40 - 45 cụm công nghiệp với tổng diện tích khoảng trên 2.500ha. Phát triển các khu vực có vai trò động lực, trong đó tập trung vào hai tuyến hành lang kinh tế dọc hai tuyến cao tốc Nội Bài - Lào Cai và cao tốc Bắc - Nam phía Tây, hình thành các trung tâm đô thị, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, dịch vụ du lịch nghỉ dưỡng.
Để hiện thực hóa các mục tiêu phát triển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Quy hoạch tỉnh Phú Thọ đề ra 8 nhóm giải pháp, trong đó nhấn mạnh giải pháp trọng tâm là về huy động vốn đầu tư để bảo đảm nguồn lực thực hiện quy hoạch tỉnh. Dự kiến tổng mức vốn trong cả thời kỳ khoảng 800 nghìn tỷ đồng.
Với những mục tiêu quan trọng đã đề ra và nhằm khai thác, phát huy tiềm năng, lợi thế của tỉnh trong mối liên kết vùng, chính quyền tỉnh Phú Thọ xác định sẽ tạo cơ chế kết nối hiệu quả, phát huy được lợi thế “cộng hưởng” trong việc thực hiện các liên kết của tỉnh với các tỉnh trong vùng Trung du và miền núi phía Bắc, vùng Thủ đô và vùng Đồng bằng sông Hồng, nhất là liên kết phát triển trên các lĩnh vực: Hạ tầng giao thông, kinh tế, thương mại, logistics, y tế, giáo dục, văn hóa, du lịch, bảo đảm quốc phòng an ninh.