Phú Quý đổi thay nhờ điện
Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVN SPC) vừa khánh thành và đưa vào hoạt động Dự án Phát triển và hiện đại hóa hệ thống nguồn-lưới điện huyện đảo Phú Quý, đáp ứng nhu cầu điện ngày một tăng cao trên huyện đảo, nâng cao độ tin cậy cung cấp điện. Dự án gồm mở rộng nguồn diesel Phú Quý công suất tăng thêm 5 MW; cải tạo, nâng cấp và phát triển lưới điện trung, hạ thế trên đảo nhằm cải tạo, nâng cấp, xây dựng mới 29,387 km trung thế, 18,865 km hạ thế, 5.620 kVA trạm biến áp phân phối; xây dựng hệ thống thông tin liên lạc phục vụ điều hành sản xuất, kinh doanh điện trên huyện đảo với tổng giá trị đầu tư trên 270 tỷ đồng.
Huyện đảo Phú Quý đang đổi thay từng ngày |
Đại diện EVN SPC cho biết, từ năm 2014, Phú Quý được cấp điện 24/24 giờ với giá bán bằng đất liền, nhu cầu điện trên đảo tăng nhanh chóng. Những năm qua, EVN SPS đã tăng cường đầu tư tăng công suất nguồn để cung ứng đủ điện cho đảo. Cùng với việc hiện đại hóa hệ thống điện đi vào hoạt động sẽ đảm bảo nhu cầu điện cho huyện đảo Phú Quý đến năm 2020, góp phần bảo đảm an ninh-quốc phòng biển đảo, phục vụ kinh tế - xã hội trên huyện đảo tiền tiêu. Ông Phạm Văn Thanh - Giám đốc Điện lực Phú Quý - cho biết, hiện 100% hộ dân trên đảo đã có điện. Đời sống người dân ngày một phát triển, nhà nhà có tivi, tủ lạnh, máy giặt, con em được học dưới ánh đèn, đường giao thông được thắp sáng…
Một cán bộ địa phương phấn khởi nói, khi được cung cấp điện 24/24 giờ, kinh tế-xã hội huyện đảo khởi sắc trông thấy, đặc biệt trong lĩnh vực đánh bắt hải sản. Nhiều hộ gia đình đầu tư máy nước đá, máy tạo ô-xy giúp bảo quản hải sản. Các hộ kinh doanh có thêm điều kiện phát triển và mở rộng cơ sở chế biến, tạo việc làm cho người dân. Cùng với đó, du lịch huyện đảo đã được tiếp thêm cơ hội để cất cánh. Người dân huyện đảo đã đầu tư tàu cao tốc hiện đại đưa khách từ đất liền ra đảo và ngược lại, rút ngắn thời gian từ 7-8 giờ xuống còn gần 3 giờ.
Nhiều hộ dân đã xây nhà nghỉ, khách sạn, mở nhà hàng, quán ăn với tiện nghi, dịch vụ như trong đất liền… để phục vụ lượng du khách trong và ngoài nước. Đã xuất hiện các mô hình du lịch mới như: Dịch vụ lưu trú homestay, các tour khám phá đảo, lặn ngắm san hô, trải nghiệm làm ngư dân… thu hút đông du khách.
Theo đại diện Phòng Kinh tế huyện Phú Quý, đến nay đã có 25 khách sạn, nhà nghỉ và hàng chục cơ sở dịch vụ homestay trên đảo. Năm 2018, huyện đảo đã đón gần 20.000 lượt khách trong và ngoài nước đến tham quan, lưu trú. Trong dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5/2019, du khách đến đảo tăng đột biến với hơn 5.200 lượt khách. Nguồn điện ổn định cũng góp phần quan trọng trong việc xây dựng nông thôn mới, xóa dần khoảng cách giữa hải đảo và đất liền.
Hiện, huyện đảo Phú Quý đang triển khai kế hoạch nâng cao mức độ đạt chuẩn các tiêu chí xây dựng huyện nông thôn mới, mục tiêu đến năm 2020, xây dựng huyện đảo từng bước trở thành Trung tâm khai thác và dịch vụ hậu cần nghề cá, sửa chữa tàu thuyền, cứu hộ, cứu nạn của khu vực; điểm du lịch cấp quốc gia. Và đến năm 2025, đưa Phú Quý cơ bản trở thành Khu du lịch trọng điểm của Bình Thuận, phát huy tiềm năng, lợi thế về du lịch nghỉ dưỡng biển đảo gắn với di sản, văn hóa, ẩm thực biển.