Từ khoảng cách lớn về giới trong STEM
Hiện nay, cả thế giới đang nỗ lực tăng cường sự tham gia của phụ nữ và trẻ em gái vào lĩnh vực STEM. Tại Việt Nam, chương trình học STEM được phổ cập vào giáo dục ở mọi cấp độ, từ mầm non cho đến cao đẳng, đại học. Đã có những tín hiệu đáng mừng khi càng nhiều trẻ em gái được tạo điều kiện học STEM, dù thực tế, phụ nữ theo đuổi STEM vẫn còn bị “dán nhãn” và chịu nhiều định kiến. Nói cách khác, các chuyên ngành về khoa học, kỹ thuật, cơ khí, hoa học và công nghệ thông tin thường được biết đến như thế mạnh của nam giới, và ít có sự tham gia của nữ giới.
Lý giải cho hiện trạng này, nhiều chuyên gia tâm lý nhận định thành kiến xã hội đã ảnh hưởng đến sự quan tâm, động lực cũng như thiên hướng lựa chọn nghề nghiệp của nữ giới. Cụ thể, nhiều quan niệm cho rằng nữ giới làm khoa học sẽ vất vả, ít có thời gian chăm sóc gia đình hoặc mức lương không cao bằng nam giới. Mặt khác, lĩnh vực STEM tại Việt Nam vẫn còn thiếu những hình mẫu nữ giới thành công được lan tỏa rộng rãi. Những nhà bác học, khoa học nổi tiếng được nhắc đến trên truyền thông thường là nam giới, điều này đã vô tình cổ xúy cho định kiến rằng lĩnh vực này là sân chơi dành riêng cho đàn ông.
Tiến sĩ Bùi Thanh Duyên |
Đến đam mê khoa học của nữ tiến sĩ di truyền
Xuất thân từ mảnh đất vùng cao Hà Giang, Tiến sĩ Bùi Thanh Duyên từng theo học ở cả hai trường Đại học lớn tại Hà Nội, Trường ĐH Kinh tế quốc dân và Trường ĐH Khoa học Tự nhiên. Năm 2010, Duyên là một trong 37 sinh viên xuất sắc nhận được học bổng trị giá 54.000 USD cho 2 năm đầu học tiến sĩ tại Mỹ.
Sau đó, Duyên tốt nghiệp tiến sĩ ngành di truyền học và sinh học phân tử tại ĐH Cornell (New York - Mỹ) và làm việc tại Trường Y - ĐH California, San Francisco (Mỹ). Chị từng là thành viên hội đồng lãnh đạo Hiệp hội Các Nghiên cứu sinh và học giả Quỹ Giáo dục Việt Nam. Chia sẻ về lý do theo đuổi ngành di truyền học và sinh học phân tử, Duyên cho biết, “di truyền học sự sống là lĩnh vực còn vô vàn những thứ mà chị mong muốn khám phá, và chị nghĩ làm cả đời cũng chưa hết”.
Tại Mỹ, Duyên cùng các đồng sự nghiên cứu về cơ chế phân tử của quá trình nhân bản lại của DNA, một phần giải thích được nguyên nhân sâu xa vì sao đột biến gen hình thành, lý do cốt lõi vì sao ung thư xuất hiện.
Nhiều người lầm tưởng di truyền học là lĩnh vực khô khan, nhưng với Duyên đây là “địa hạt” đầy thú vị, nơi chị được tỏa sáng và sống với chính đam mê, ước mơ của mình. Và một trong những nguồn động lực to lớn của chị là “được gặp mặt trực tiếp và nói chuyện với những nữ khoa học gia vĩ đại của thế giới như Jennifer Doudna hay Elizabeth Blackburn. Jennifer Doudna là người tìm ra cơ chế cho Genome Editing (cơ chế chỉnh sửa gen) qua Crispr-Cas9. Còn Elizabeth Blackburn từng được giải Nobel cho Telomeres - hai đầu tận cùng của DNA, và cơ chế cho sự lão hóa. Phải nói là, họ đều rất... “chất” và thực sự là mẫu mực của những nhà khoa học chân chính, theo đuổi đến cùng những gì mình đam mê”, Duyên chia sẻ.
Trở về đóng góp cho quê hương
Quyết định về Việt Nam là bước ngoặt đến với Duyên trong khoảng thời gian cô làm nghiên cứu tại Đại học California. Khi ấy, cô nhận thấy xung quanh có rất nhiều kết quả nghiên cứu khoa học được ứng dụng vào thực tiễn đời sống. Và Duyên cũng muốn làm điều này trên mảnh đất quê hương Việt Nam của mình.
Được thêm sự động viên của chồng - Tiến sĩ khoa học máy tính Đại học Cornell Cao Anh Tuấn đang làm mảng dữ liệu lớn ở Google, Duyên quyết định cùng chồng về nước và thành lập công ty giải mã gene Genetica tại Việt Nam vào năm 2018, với quyết tâm xây dựng bản đồ gen cho người Việt.
Chị Duyên chia sẻ những ngày đầu khởi nghiệp ở TP. Hồ Chí Minh , chị gặp nhiều khó khăn, nhưng với tâm huyết đóng góp vào việc chăm sóc sức khỏe cho người Việt, chị và đồng nghiệp luôn nỗ lực làm việc bằng cả con tim và khối óc.
"Tôi rất thích công việc hiện tại và thấy tác động của những việc mình làm tới từng khách hàng, dù chỉ là những thay đổi nhỏ, từng chút một cho sức khỏe và lối sống của họ, là tôi đã thấy hạnh phúc cực kỳ", nữ tiến sĩ cho biết.