Phòng TNTĐ công nghệ lọc, hóa dầu với chức năng, nhiệm vụ là nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, tạo ra các sáng chế, sản phẩm KH&CN được cấp văn bằng bảo hộ sở hữu trí tuệ, có khả năng thương mại hóa, góp phần nâng cao năng lực, trình độ công nghệ lọc, hóa dầu và các lĩnh vực liên quan trong nước. Trong đó, đẩy mạnh tổ chức triển khai các nghiên cứu KH&CN có tính nền tảng, tính đi trước, tính chiến lược trên cơ sở bám sát các định hướng, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội quốc gia và tiến bộ của KH&CN hiện đại trên thế giới trong lĩnh vực này. Đồng thời, tập hợp và phát triển đội ngũ cán bộ KH&CN trình độ cao; tạo môi trường thuận lợi cho công tác nghiên cứu trong phòng thí nghiệm và hợp tác nghiên cứu với các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài, trong lĩnh vực lọc, hóa dầu và các lĩnh vực có liên quan. Từ đó, hình thành được tập thể cán bộ KH&CN mạnh, đủ năng lực giải quyết các nhiệm vụ KH&CN quốc gia ở trình độ quốc tế. Ngoài ra, Phòng TNTĐ còn giám định các kết quả phân tích, thí nghiệm, kiểm nghiệm thuộc lĩnh vực lọc, hóa dầu…
Hợp tác với Hàn Quốc tiếp nhận, lắp đặt thành công dây chuyền pilot biodiesel |
Từ khi thành lập cho đến nay, Phòng TNTĐ công nghệ lọc, hóa dầu đã công bố 30 công trình khoa học trên các tạp chí chuyên ngành quốc tế có uy tín; trên 140 công trình khoa học trên các tạp chí chuyên ngành có uy tín trong nước; sở hữu 23 bằng độc quyền sở hữu trí tuệ, trong đó có 5 bằng độc quyền sáng chế đã được cấp bởi các cơ quan sở hữu trí tuệ quốc tế và Việt Nam. Kết quả của các công trình nghiên cứu đã được áp dụng vào thực tiễn, mang lại hiệu quả cao về kinh tế - xã hội và môi trường. Một trong những kết quả nổi bật, đó là, thiết lập được một công nghệ mới liên quan tới công nghệ sản xuất dung môi sinh học, một sản phẩm có nguồn gốc thực vật. Công nghệ này đã được đăng ký độc quyền sáng chế tại Cơ quan Sở hữu trí tuệ quốc tế (WIPO) và đã được triển khai bảo hộ độc quyền tại 4 quốc gia và vùng lãnh thổ trong vòng 20 năm. Hay, việc tiếp thu và làm chủ công nghệ sản xuất nhiên liệu sinh học thuộc loại tiên tiến nhất trên thế giới hiện nay, xuất phát từ công nghệ nguồn của Hàn Quốc. Đến nay, công nghệ này đã được hoàn thiện để thích nghi với nguồn nguyên liệu của Việt Nam và sẵn sàng triển khai ở quy mô công nghiệp.
Các kết quả nghiên cứu nắm bắt công nghệ hydro hóa gluco thành sorbitol do phòng thực hiện trong những năm qua cũng đã được ứng dụng thành công, thể hiện qua việc tham gia tư vấn mọi vấn đề liên quan đến công nghệ, chất xúc tác tiên tiến. Đặc biệt là tham gia cung cấp thiết bị thí nghiệm, đào tạo nhân lực cho Dự án đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất sorbitol từ tinh bột sắn, công suất 30.000 tấn/năm, tại Tây Ninh. Tương tự, việc hoàn thiện công nghệ sản xuất phụ gia cho thức ăn chăn nuôi Dicalcium phosphate (DCP) đã được áp dụng thành công trên dây chuyền công suất 50.000 tấn/năm tại Công ty CP Hóa chất Phúc Lâm, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, đa dạng hóa sản phẩm, hạ giá thành sản phẩm.
Ngoài ra, thiết bị phản ứng quy mô pilot của phòng cũng đã được đưa vào khai thác trong sản xuất formalin, công suất 10.000 tấn/năm, mang lại doanh thu trên 10 tỷ đồng mỗi năm. Đây là kết quả của quá trình nghiên cứu thích nghi công nghệ của nước ngoài vào Việt Nam.
Phòng TNTĐ công nghệ lọc, hóa dầu đã tiếp cận giải quyết những vấn đề cốt lõi của lĩnh vực công nghệ lọc, hóa dầu, phát huy hiệu quả đầu tư cho phát triển KH&CN của Nhà nước. |