Thông tin được các chuyên gia trong nước và quốc tế nhấn mạnh, trong Hội thảo "Phòng ngừa và giải quyết tranh chấp hợp đồng đối tác công - tư trong lĩnh vực kết cấu hạ tầng: Thực tiễn Việt Nam, Kinh nghiệm quốc tế và Định hướng chính sách" do Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC), Ủy ban Trọng tài thương mại Hàn Quốc (KCAB) và Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp tổ chức, diễn ra ngày 5/7 tại TP. Hồ Chí Minh.
Ông Trần Ngọc Liêm - Phó Giám đốc Chi nhánh VCCI TP. Hồ Chí Minh - Mô hình đầu tư PPP đã được áp dụng tại Việt Nam được khẳng định, là một giải pháp hiệu quả để thu hút nguồn vốn đầu tư tư nhân phát triển cơ sở hạ tầng |
PPP nguồn vốn quan trọng phát triển cơ sở hạ tầng
Theo ông Trần Ngọc Liêm - Phó Giám đốc Chi nhánh VCCI TP. Hồ Chí Minh, thời gian qua, để đáp ứng nhu cầu ngày càng lớn về phát triển cơ sở hạ tầng, đầu tư PPP đã được áp dụng tại Việt Nam và đã khẳng định được đây là một giải pháp hiệu quả để thu hút nguồn vốn đầu tư tư nhân. Theo số liệu từ Chính phủ khi tổng kết về tình hình thực hiện dự án PPP, tính tháng 1/2019 đã có 336 dự án PPP đã ký kết hợp đồng. Trong đó, có 140 dự án BOT, 188 dự án BT và 8 dự án khác.
Hiện, Chính phủ đang Dự thảo Luật PPP dự kiến sẽ trình ra Quốc hội thảo luận tại kỳ họp tháng 10/2019. Đây là khung khổ pháp lý hết sức quan trọng để thúc đẩy hơn nữa dòng vốn đầu tư của tư nhân vào phát triển hạ tầng.
Để thu hút nguồn vốn này một cách hiệu quả hơn nữa, Luật sư Trương Trọng Nghĩa cho hay, Dự thảo Luật PPP đang được xây dựng đảm bảo hoạt động hợp tác công tư sẽ được diễn ra minh bạch, công bằng, đảm bảo vai trò giám sát tài sản công của Nhà nước nhưng cũng tôn trọng đầy đủ các quyền lợi của nhà đầu tư tư nhân trong mối quan hệ đối tác.
Dự thảo Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công - tư, khung khổ pháp lý hết sức quan trọng để thúc đẩy hơn nữa dòng vốn đầu tư của tư nhân, nhà đầu tư nước ngoài vào phát triển hạ tầng của Việt Nam |
Theo dự báo, trong vòng 20 năm tới, hàng năm Việt Nam cần thu hút khoảng 15-20 tỷ USD vốn đầu tư tư nhân vào phát triển cơ sở hạ tầng đất nước, PPP được xem là giải pháp hữu hiệu để hút vốn đầu tư từ xã hội, nguồn tài chính quốc tế vào phát triển cơ sở hạ tầng đất nước..
Phòng ngừa và giải quyết tranh chấp khi thực hiện PPP
Tại hội thảo các chuyên gia nhìn nhận, một số vấn đề nhà đầu tư nước ngoài quan tâm khi đầu tư các dự án PPP tại Việt Nam như: pháp luật trong nước thường xuyên thay đổi, có nhiều luật nhưng quy định pháp luật chưa rõ ràng, khả năng thực thi của hợp đồng và các cam kết chưa cao, cơ chế giải quyết tranh chấp và xét xử hợp đồng các dự án PPP thiếu nhất quán...
Liên quan đến vấn đề phòng ngừa khi thự hiện dự án PPP, ông Le Ho Won - Chủ tịch KCAB - cho hay, hiện nhu cầu đầu tư hạ tầng giao thông PPP ở Hàn Quốc đã bão hòa, nên rất nhiều nhà đầu tư Hàn Quốc quan tâm đến các dự án tại Việt Nam. Tuy nhiên, hiện nay các nhà đầu tư Hàn Quốc đang băn khoăn về vấn đề bảo lãnh doanh thu, chuyển đổi tiền tệ, chấm dứt sớm hợp đồng… khi tham gia dự án PPP ở Việt Nam. “Những lo ngại cần được làm rõ trong dự thảo Luật PPP của Việt Nam” - Chủ tịch KCAB nhấn mạnh.
Luật sư Trương Trọng Nghĩa chia sẻ tại hội thảo |
Về vấn đề phòng ngừa tranh chấp trong hợp đồng đối tác công - tư, theo bà Đoàn Thị Huyền - Phó vụ trưởng Pháp luật quốc tế (Bộ Tư pháp), lưu ý để phòng ngừa phát sinh tranh chấp trong các hợp đồng PPP, hợp đồng nên được đàm phán trên nguyên tắc đôi bên cùng có lợi, cân bằng lợi ích và trách nhiệm giữa các bên. Ngoài ra, trong giai đoạn thực hiện hợp đồng thì cách tốt nhất để đề phòng tranh chấp là thực hiện đúng những gì đã cam kết.
Trong khi đó, nói về cơ chế giải quyết tranh chấp, Luật sư Phan Trọng Đạt - Phó Tổng thư ký VIAC - Phó Giám đốc Trung tâm Hòa giải Việt Nam (VMC) - cho biết, Luật Đầu tư 2014 quy định các tranh chấp trong hoạt động đầu tư kinh doanh được giải quyết bằng phương thức trọng tài thương mại, trong đó Nhà nước là một bên trong tố tụng Trọng tài thương mại. Tuy nhiên, trước đó hòa giải thương mại được xem là hướng tiếp cận mới, hiệu quả trong giải quyết tranh chấp phát sinh từ hợp đồng đối tác công - tư.
Đồng tình với quan điểm trên, bà Ngô Quỳnh Anh - Luật sư điều hành điều hành Công ty Luật EP Legal - cũng cho rằng, phương thức giải quyết thông qua hòa giải thương mại - được đánh giá là phương án tốt nhất cho các tranh chấp giữa doanh nghiệp và cơ quan Nhà nước trong mối quan hệ đối tác công – tư tại Việt Nam hiện nay.