Chính phủ vững vàng chèo lái nền kinh tế đất nước Dấu ấn sâu sắc trong hoạt động của Quốc hội khóa XIV |
Theo bà Nguyễn Thúy Anh, việc phòng, chống và kiểm soát ma túy là nhiệm vụ vừa cấp bách, vừa thường xuyên, liên tục và lâu dài, đòi hỏi sự tham gia của toàn dân và sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ của các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị - xã hội. Vì vậy, bên cạnh các quy định chung về trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân, gia đình trong phòng, chống ma túy quy định tại Chương II, thì cần cụ thể hóa trách nhiệm của một số chủ thể trong quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy, cai nghiện ma túy, quản lý sau cai nghiện ma túy… tại các chương khác có liên quan của dự thảo Luật.
Ngoài ra, để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong công tác phòng, chống ma túy, việc có một chương riêng về quản lý nhà nước là cần thiết. Trên cơ sở ý kiến đại biểu Quốc hội, để bảo đảm thống nhất với Luật Tổ chức Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo rà soát kỹ nội dung này và chỉnh lý theo hướng chỉ quy định trong dự thảo Luật trách nhiệm quản lý nhà nước về phòng, chống ma túy của một số bộ ngành chủ chốt trong công tác phòng, chống ma túy.
Trình bày về phạm vi điều chỉnh và bố cục của dự thảo Luật, bà Nguyễn Thúy Anh cho rằng, một số ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị cân nhắc bổ sung từ “tội phạm” để tránh chồng chéo về phạm vi điều chỉnh giữa các văn bản quy phạm pháp luật. Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội và để bao quát phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin phép chỉnh lý như thể hiện tại Điều 1 của dự thảo Luật.
Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Phòng, chống ma tuý (sửa đổi). |
Ngoài ra, một số ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị bổ sung một chương riêng về cơ quan chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy; có ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị bổ sung một chương về phòng ngừa ma túy. Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng, trách nhiệm, quyền hạn của các cơ quan chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy thuộc Công an nhân dân, Bộ đội biên phòng, Cảnh sát biển, Hải quan cũng như nguyên tắc phối hợp giữa các lực lượng đã được quy định cụ thể trong các luật chuyên ngành và một số văn bản pháp luật liên quan khác.
Nếu tiếp tục quy định nội dung này trong Luật Phòng, chống ma túy sẽ dễ bị trùng lặp và không đầy đủ. Đồng thời, phòng ngừa ma túy là nội dung xuyên suốt trong toàn bộ dự thảo Luật; các hoạt động ngăn chặn, đấu tranh chống tội phạm và tệ nạn ma túy cũng như kiểm soát hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy đã có yếu tố phòng ngừa.Vì vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin phép Quốc hội không bổ sung chương riêng về cơ quan chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy và phòng ngừa ma túy.
Một số ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị bổ sung quy định chuyển tiếp để đảm bảo tính thống nhất, liên tục trong việc thực hiện pháp luật. Tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo rà soát, chỉnh lý dự thảo Luật theo hướng bổ sung thêm 01 Điều quy định chuyển tiếp, thể hiện tại Điều 55 của dự thảo Luật.
Về quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy, có ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị quy định rõ đối tượng sẽ phải xét nghiệm chất ma túy trong cơ thể; cân nhắc việc xác định thời hạn quản lý căn cứ vào độ tuổi của người sử dụng trái phép chất ma túy; bổ sung quy định về trách nhiệm khai báo về hành vi sử dụng trái phép chất ma túy của người sử dụng trái phép chất ma túy, trách nhiệm của gia đình, cơ quan, tổ chức có liên quan trong quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy.
Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, đồng thời để quy định của Luật rõ ràng, bao quát đầy đủ, đảm bảo tính khả thi và tránh sự tùy nghi khi áp dụng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo chỉnh lý theo hướng: bổ sung quy định về xét nghiệm chất ma túy trong cơ thể, trong đó xác định rõ các trường hợp phải xét nghiệm ma túy trong cơ thể (Điều 22); quy định thời hạn quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy là 01 năm mà không phân biệt độ tuổi (Điều 23); bổ sung quy định về trách nhiệm khai báo hành vi sử dụng trái phép chất ma túy (Điều 24); trách nhiệm của gia đình, cơ quan, cộng đồng (Điều 25).
Về cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình và cộng đồng, có ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị cân nhắc việc duy trì biện pháp cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình; duy trì biện pháp này và bổ sung quy định để bảo đảm tính hiệu quả, khả thi, bà Nguyễn Thúy Anh cho hay, biện pháp cai nghiện ma túy tại gia đình, cộng đồng phù hợp với chủ trương đa dạng hóa các hình thức cai nghiện, tạo điều kiện cho tất cả những người nghiện ma túy lần đầu đều có thế được cai nghiện tự nguyện, nhất là người khó tiếp cận cơ sở cai nghiện ma túy tự nguyện; đồng thời, thể hiện trách nhiệm và huy động sự tham gia của gia đình, cộng đồng đối với người nghiện ma túy. Báo cáo bổ sung của Chính phủ cho thấy, những tồn tại, hạn chế trong công tác cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng chủ yếu liên quan đến việc tổ chức thực hiện chính sách.
Bên cạnh đó, để bảo đảm tính khả thi và hiệu quả của biện pháp cai nghiện tự nguyện tại gia đình, cộng đồng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo chỉnh lý dự thảo Luật theo hướng: quy định rõ thời hạn cai nghiện ma túy từ đủ 06 tháng đến 12 tháng và người tham gia cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng mà hoàn thành ít nhất 03 giai đoạn của quy trình cai nghiện ma túy (quy định tại khoản 1 Điều 29) thì được hỗ trợ kinh phí; quy định cụ thể trách nhiệm của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện trong quản lý, kiểm tra, hướng dẫn, tổ chức cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng; trách nhiệm của người cai nghiện ma túy, cơ sở cai nghiện ma túy, tổ chức, cá nhân có đủ điều kiện cung cấp hoạt động cai nghiện ma túy. Các nội dung chỉnh lý được thể hiện tại Điều 30 của dự thảo Luật.
Cũng tại phiên thảo luận nội dung báo cáo tiếp thu, giải trình về những vấn đề còn có ý kiến khác nhau và những vấn đề mà các vị đại biểu Quốc hội quan tâm, nhiều ý kiến của các đại biểu đồng tình với dự thảo Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi) với sự tiếp thu, chỉnh lý công phu, kỹ lưỡng phù hợp với thực tiễn. Tuy nhiên, nhiều đại biểu Quốc hội tiếp tục cho ý kiến về một số vấn đề, nội dung cụ thể như việc quản lý tiền chất, quản lý người nghiện ma túy, kiểm soát hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy, quy định trách nhiệm quản lý các cơ quan, cơ sở cai nghiện ma túy, chấp hành hình phạt tù của người từ 12 tuổi đến 18 tuổi, công tác cai nghiện ma túy cho người từ 12 tuổi đến 18 tuổi, trách nhiệm người sử dụng trái phép chất ma túy, các hình thức cai nghiện ma túy...
Tiếp thu ý kiến của các đại biểu, bà Tòng Thị Phóng - Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh: “Với tinh thần trách nhiệm rất cao và trách nhiệm của người đại biểu nhân dân, các vị đại biểu Quốc hội vẫn tiếp tục nghiên cứu và có những đóng góp ý kiến rất sâu sắc trong phiên họp này. Do đó, tôi đề nghị cơ quan soạn thảo và cơ quan chủ trì thẩm tra, các cơ quan hữu quan chúng ta sẽ rà soát lại, kể cả những nội dung về câu chữ, mối quan hệ với các luật có liên quan khi thực hiện dự án luật này. Những nội dung liên quan đến trách nhiệm của Chính phủ, trách nhiệm của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng và các cơ quan hữu quan, kể cả Bộ Nông nghiệp, Bộ Y tế, Bộ Công Thương, hải quan, trách nhiệm như thế nào, rà soát lại kỹ một lần nữa”.