EVN đảm bảo điện, phòng chống cháy nổ dịp Tết Nguyên đán Khởi tố vụ án hình sự vụ cháy quán karaoke An Phú làm 32 người chết Vụ cháy quán karaoke ở Bình Dương: Cần rà soát kỹ quy trình cấp phép |
Thời gian qua nhiều vụ việc cháy, nổ sau công tơ điện tại các cơ sở kinh doanh, hộ gia đình đã để lại hậu quả hết sức đau lòng. Do vậy mỗi người dân cơ sở kinh doanh không thể lơ là, nắm vững kiến thức an toàn phòng chống cháy nổ và thoát hiểm là rất cần thiết.
Với vai trò và trách nhiệm quản lý nhà nước của mình theo lĩnh vực được phân công, thời gian qua Bộ Công Thương cũng đã có nhiều hoạt động kiểm tra, tuyên truyền nâng cao nhận thức của cộng đồng doanh nghiệp, xã hội và người dân về vấn đề trên. Để tìm hiểu rõ hơn về vấn đề này, Phóng viên Báo Công Thương đã có cuộc trao đổi với ông Tô Xuân Bảo – Cục trưởng Cục Kỹ thuật An toàn và Môi trường Công nghiệp, Bộ Công Thương.
Thưa ông, vụ cháy quán Karaoke vừa qua ở Bình Dương đã dấy lên hồi chuông cảnh báo về công tác an toàn phòng chống cháy nổ và an toàn điện sau công tơ, ông nhìn nhận thế nào về vấn đề này?
Trước hết, các vụ cháy đều là những sự cố đáng tiếc, đáng buồn, không ai mong muốn nó xảy ra. Và đây là hồi chuông cảnh báo mọi người về công tác an toàn phòng chống, cháy nổ.
Không phải sau khi vụ cháy quán karaoke ở Bình Dương ngành Công Thương mới tăng cường giải pháp đảm bảo an toàn điện, mà thời gian qua, an toàn điện luôn là vấn đề ưu tiên, được đặt lên hàng đầu.
Thời gian qua, Sở Công Thương các tỉnh, thành phố đã ban hành kế hoạch, văn bản thực hiện và chỉ đạo các đơn vị triển khai thực hiện thực hiện nghiêm túc Quyết định số 630/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Chỉ thị 09/CT-BCT của Bộ Công Thương về việc ban hành kế hoạch thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về tiếp tục hoàn thiện, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy và chữa cháy.
Bộ Công Thương đã ban hành văn bản số 3420/BCT-ATMT ngày 14 tháng 6 năm 2021 về việc thực hiện các giải pháp cấp bách đảm bảo sử dụng an toàn điện trong nhân dân.
Đa số Sở Công Thương đã thực hiện công tác hướng dẫn, phối hợp với các công ty Điện lực thuộc tỉnh hướng dẫn về an toàn sử dụng điện để đảm bảo an toàn về phòng cháy và chữa cháy tại các cơ sở, hộ gia đình.
Với cơ sở kinh doanh hóa chất, xăng dầu, sản phẩm khí dầu mỏ hóa lỏng: Các Sở Công Thương phối hợp với công an tỉnh, UBND các huyện, thành phố chỉ đạo hướng dẫn việc thực hiện quy định của pháp luật về quy hoạch, xây dựng phòng cháy, chữa cháy đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh hóa chất, xăng dầu, khí dầu mỏ hoá lỏng trên địa bàn tỉnh.
Riêng Karaoke là loại hình kinh doanh có điều kiện thuộc thẩm quyền kiểm tra, cấp phép an toàn phòng chống cháy nổ của bên công an. Cơ sở kinh doanh Karaoke là một khách hàng sử dụng điện mà theo Luật Điện lực và các quy định khác thì ngành điện lực chịu trách nhiệm cung cấp điện, đảm bảo an toàn đến công tơ điện, phần phía sau thuộc trách nhiệm của khách hàng. Tuy nhiên, trên thực tế, ngành điện đã thường xuyên tuyên truyền về sử dụng điện an toàn bằng nhiều hình thức khác nhau; hỗ trợ khách hàng kiểm tra hệ thống điện vào Tháng Tri ân khách hàng.
Vậy đối với các công trình, cơ sở sản xuất kinh doanh, trong đó có Karaoke, có nguy cơ mất an toàn phòng chống cháy nổ cao thì như thế nào thưa ông?
Theo số liệu báo cáo nhận được từ 36 Sở Công Thương, có 18 Sở Công Thương đã, đang phối hợp với UBND quận, huyện và công an phòng cháy chữa cháy tỉnh, thành phố tổ chức, rà soát, đề xuất kế hoạch di dời kho chứa, công trình chế biến sản phẩm dầu mỏ, khí đốt, các cơ sở kinh doanh loại hàng, hóa chất nguy hiểm về cháy, nổ ra khỏi khu dân cư, nơi tập trung đông người đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy.
Bên cạnh đó, các Sở Công Thương đã chỉ đạo, hướng dẫn đơn vị sản xuất ngành Công Thương thực hiện nghiêm quy định của nhà nước về an toàn phù hợp với điều kiện, yêu cầu phòng chống dịch Covid-19, phù hợp với đặc thù sản xuất, kinh doanh của đơn vị đảm bảo hiệu quả, tiết kiệm; phối hợp thanh, kiểm tra kỹ thuật an toàn trong sản xuất tại các đơn vị hoạt động, đặc biệt là đơn vị có nguy cơ rủi ro về an toàn, vệ sinh lao động, khai thác khoáng sản, sử dụng hóa chất, vật liệu nổ công nghiệp...
Đối với các tập đoàn, tổng công ty trong ngành Công Thương: Đã thành lập Ban Chỉ huy phòng cháy chữa cháy, Đội phòng cháy chữa cháy bán chuyên trách hoặc cơ sở tùy theo quy mô của từng đơn vị. Các thành viên của Ban Chỉ huy phòng cháy chữa cháy và Đội phòng cháy chữa cháy được huấn luyện, cấp Giấy chứng nhận huấn luyện phòng cháy chữa cháy theo quy định 100% đội viên Đội phòng cháy chữa cháy cơ sở, chuyên ngành và người lao động làm việc trong môi trường nguy hiểm cháy nổ được huấn luyện nghiệp vụ...; chủ động phối hợp với cơ quan Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ trong quá trình triển khai để nâng cao chất lượng các cuộc kiểm tra…
Số liệu thống kê cho thấy, từ năm 2017 đến nay các đơn vị thuộc tập đoàn, tổng công ty trong ngành Công Thương đã tổ chức huấn luyện hơn 5.316 lớp cứu nạn cứu hộ và có hơn 354.327 lượt người được cấp chứng chỉ.
Từ năm 2020 đến nay, trong tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, bên cạnh công tác tuyên truyền, phổ biến truyền thống, các đơn vị thuộc ngành Công Thương đã bổ sung hình thức tuyên truyền mới thông qua việc áp dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trên nền tảng mạng xã hội và phương tiện truyền thông mới về chủ đề “An toàn và sử dụng điện hiệu quả” trong đó có tuyên truyền, phổ biến kiến thức an toàn sử dụng điện để bảo đảm an toàn về phòng cháy, chữa cháy tại các cơ sở, hộ gia đình, nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh, trong đó có các cơ sở kinh doanh Karaoke.
Bộ cũng chỉ đạo các đơn vị phối hợp diễn tập phương án chữa cháy cấp tỉnh có huy động nhiều lực lượng, phương tiện tại nhiều cơ sở công nghiệp, dân dụng...; đồng thời đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền ở các đơn vị vào 2 dịp cao điểm là “Tháng hành động về an toàn vệ sinh lao động” hoặc "Ngày PCCC toàn dân 04 tháng 10 hàng năm".
Thời gian tới Bộ Công Thương sẽ có những hoạt động cụ thể nào nhằm nâng cao công tác tuyên truyền cho người dân, cơ sở sản xuất kinh doanh về vấn đề này thưa ông?
Trước những lo ngại về các vụ cháy nổ có thể gia tăng, thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục triển khai, hướng dẫn các đơn vị thực hiện nghiêm các quy định về phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ; thực hiện nghiêm phương châm “4 tại chỗ”, lấy lực lượng, phương tiện tại chỗ là chủ yếu, củng cố, kiện toàn, quan tâm chế độ chính sách phù hợp nhằm phát huy hiệu quả các lực lượng này.
Định kỳ kiểm tra chất lượng, tính sẵn sàng của các hệ thống, thiết bị, phương tiện, dụng cụ phòng chống cháy nổ và cứu nạn cứu hộ. Trang bị đầy đủ phương tiện, đầu tư kinh phí, trang thiết bị, phương tiện chữa cháy, cứu nạn cứu hộ đảm bảo tính thống nhất, hiện đại, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới…
Đối với chỉ đạo của Thủ tướng, chúng tôi sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan, chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam, các đơn vị trực thuộc tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền cho các cơ sở kinh doanh, khách hàng sử dụng điện về sử dụng điện an toàn, tiết kiệm, hiệu quả, phòng chống cháy nổ, hạn chế thấp nhất sự cố đáng tiếc xảy ra.
Trân trọng cảm ơn ông.