Cần tiếp tục nghiên cứu, thử nghiệm phối trộn than nội địa và than nhập khẩu phù hợp với từng nhà máy nhiệt điện |
Phối trộn than nội và than nhập khẩu là cần thiết
Theo Quy hoạch điện VII (chưa điều chỉnh) lượng than cần cho nhiệt điện của nước ta sẽ tăng mạnh, trong khi nguồn cung ngày càng khó khăn, nên việc phải nhập khẩu than là tất yếu.
Theo PGS.TS. Trương Duy Nghĩa -Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật nhiệt Việt Nam, Chủ nhiệm Đề tài khoa học cấp Nhà nước về “Nghiên cứu công nghệ đốt than trộn của than khó cháy với than nhập khẩu dễ cháy nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng nhiên liệu tại các nhà máy nhiệt điện đốt than ở Việt Nam” – than của Việt Nam chủ yếu là than antraxit có nhiệt trị tương đương với than bitum và á bitum của các quốc gia khác (đặc biệt là than của Indonesia) nhưng độ tro (lượng than không cháy) cao hơn và chất bốc (độ cháy) thấp hơn.
Do đó, khi sử dụng làm nhiên liệu cho các nhà máy điện sẽ dẫn đến tiêu hao lượng than lớn, hàm lượng carbon trong tro xỉ cao, gây đóng xỉ buồng đốt và phụ tải tối thiểu đốt kèm dầu (thường là dầu FO) lớn. Hệ quả lần lượt là tốn nhiều liệu than, tro xỉ khó sử dụng để sản xuất VLXD, nhanh hư hại buồng đốt và tăng chi phí dầu FO.
Quá trình thí nghiệm của đề tài đã được triển khai tại Nhà máy Nhiệt điện Ninh Bình với tỷ lệ pha trộn giữa than nội địa (antraxit) và than nhập khẩu (á bitum) của Indonesia lần lượt là 5/95%; 10/90%; 15/85%; 20/80% và 30/70%. Trong khi đó, độ tro giảm mạnh từ 24,54% xuống 20,31% còn chất bốc lại tăng từ 9,01% đến 19,94%.
Từ những kết quả này, ông Nghĩa khuyến nghị: “Việc phối trộn than nội địa và than trong nước giúp tăng hiệu suất cháy, hiệu suất lò hơi, giảm suất tiêu thụ than, đồng thời có thể giảm nhiều chi phí khác như: dầu đốt phụ trợ, giảm tiêu thụ điện năng để nghiền than…”. Đặc biệt, khi độ tro giảm, tro xỉ sẽ là nguồn nguyên liệu quan trọng cho sản xuất VLXD.
Cần tiếp tục nghiên cứu
Dù khẳng định việc phối trộn than mang lại hiệu quả cao nhưng PGS.TS. Trương Duy Nghĩa cũng lưu ý, do đặc thù riêng về cấu tạo thiết bị, đặc tính than khi thiết kế nên mỗi nhà máy cần thử nghiệm, tính toán tỷ lệ phối trộn cho phù hợp. Đặc biệt, do chưa có nhiều đề tài khoa học chuyên biệt cho lĩnh vực này, nên các nhà máy chỉ nên phối trộn với tỷ lệ tối đa là 20% than nhập khẩu/80% nội địa để bảo đảm an toàn vận hành.
Ngoài ra, để sử dụng hiệu quả than phối trộn, cần nghiên cứu thay đổi hệ thống nghiền than và buồng đốt than để bảo đảm an toàn vận hành và hiệu quả kinh tế.
Ngoài vấn đề kỹ thuật phối trộn than, đại diện nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 3 cho rằng, đến nay, Việt Nam mới chỉ có kinh nghiệm xuất khẩu than chứ chưa có nhiều kinh nghiệm nhập khẩu than. Trong khi việc nhập khẩu than có tính chuyên biệt riêng. Vì vậy, các đơn vị nhập khẩu cần tiếp tục nghiên cứu, học hỏi kinh nghiệm quốc tế và căn cứ trên cơ sở thực tế của Việt Nam.
Theo Quy hoạch điện VII (chưa điều chỉnh)thì đến năm 2020, nhiệt điện than ở nước ta sẽ chiếm khoảng 48% về công suất và 46,8% về sản lượng. Đến năm 2030, các tỷ lệ này dự kiến lần lượt sẽ là 51,6% và 56,4%. Về nhu cầu than cho điện, năm 2015 là 33,3 triệu tấn, trong đó một phần phải nhập khẩu. Năm 2020, con số nhập khẩu dự kiến là 79 triệu tấn và năm 2025 là 116 triệu tấn. Vì vậy, việc nhập khẩu và phối trộn than là tất yếu.