Phó Thủ tướng Lê Văn Thành chỉ đạo ứng phó, khắc phục hậu quả động đất tại Kon Plông, Kon Tum |
Ngày 26/8/2022, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đã ký Nghị quyết số 108/NQ-CP thực hiện Nghị quyết số 61/2022/QH15 ngày 16/6/2022 của Quốc hội về tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch và một số giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ lập và nâng cao chất lượng quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030.
Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 61/2022/QH15 ngày 16/6/2022 về việc tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch và một số giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ lập và nâng cao chất lượng quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030 trên cơ sở Báo cáo số 166/BC-ĐGS ngày 27/5/2022 của Đoàn giám sát của Quốc hội về kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành.
Theo đó, Quốc hội đã đánh giá việc xây dựng, ban hành Luật Quy hoạch là nỗ lực, cố gắng lớn của Quốc hội, Chính phủ trong việc thể chế hóa Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 16/1/2012 của Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá XI). Sau khi Luật Quy hoạch được thông qua, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã khẩn trương ban hành, sửa đổi, bồ sung nhiều văn bản pháp luật để triển khai thực hiện Luật Quy hoạch. Công tác lập, thẩm định, phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch cơ bản đã hoàn thành.
Tuy nhiên, quá trình tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch gặp nhiều khó khăn, vướng mắc do quy định của Luật Quy hoạch còn có những bất cập, chưa rõ ràng, có nhiều cách hiểu khác nhau dẫn đến tiến độ lập các quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030 chậm. Những tồn tại, hạn chế do nhiều nguyên nhân nhưng chủ yếu là nguyên nhân chủ quan. Bên cạnh nguyên nhân do quy định pháp luật về quy hoạch còn bất cập, việc tổ chức thực hiện công tác quy hoạch ở các cấp, các ngành, các địa phương còn nhiều hạn chế, chưa làm hết trách nhiệm được giao, nhất là chưa chỉ đạo, đôn đốc quyết liệt trong giai đoạn đầu.
Để tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch và một số giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ lập và nâng cao chất lượng quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030, Chính phủ ban hành Nghị quyết thực hiện Nghị quyết số 61/2022/QH15.
Các giải pháp cần thực hiện ngay để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc
Nghị quyết nêu rõ các giải pháp cần thực hiện ngay để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ lập các quy hoạch và bảo đảm chất lượng công tác quy hoạch.
Cụ thể, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan khẩn trương xây dựng, trình Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 37/2019/NĐ-CP ngày 07/5/2019 quy định chi tiết một số điều của Luật Quy hoạch theo trình tự, thủ tục rút gọn, bảo đảm quy định chi tiết các nội dung đã được giao tại điểm a khoản 1 Điều 2 Nghị quyết số 61/2022/QH15.
Xây dựng kế hoạch, tiến độ lập các quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030 theo Luật Quy hoạch bảo đảm khả thi và chất lượng theo yêu cầu tại điểm b khoản 2 Điều 2 Nghị quyết số 61/2022/QH15, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành.
Bộ Tài chính khẩn trương ban hành Thông tư hướng dẫn việc sử dụng kinh phí theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước để lập, thẩm định, quyết định hoặc phê duyệt, công bố, điều chỉnh quy hoạch.
Các bộ, cơ quan ngang bộ và địa phương:
Rà soát sửa đổi, bổ sung và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành về công tác quy hoạch, bảo đảm đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật, đặc biệt là các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành về công tác quy hoạch có nội dung chưa phù hợp với quy định của Luật Quy hoạch, làm phát sinh thêm trình tự, thủ tục.
Ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành văn bản quy định về điều kiện, quy chuẩn kỹ thuật, chuyên ngành về quy hoạch.
Đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành việc lập, quyết định hoặc phê duyệt các quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh; ưu tiên tập trung nguồn lực đẩy nhanh tiến độ lập, thẩm định và quyết định hoặc phê duyệt các quy hoạch cấp quốc gia mang tính cấp bách nhằm kịp thời thực hiện Chiến lược và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; hoàn thành Quy hoạch tổng thể quốc gia và các quy hoạch ngành hạ tầng quan trọng trong năm 2022; phấn đấu cơ bản hoàn thành các quy hoạch ngành quốc gia còn lại, quy hoạch vùng và quy hoạch tỉnh trong năm 2022 trên cơ sở bảo đảm chất lượng các quy hoạch.
Quy hoạch được lập, thẩm định xong trước thì được quyết định hoặc phê duyệt trước. Khi quy hoạch được quyết định hoặc phê duyệt, nếu có mâu thuẫn giữa quy hoạch thấp hơn với quy hoạch cao hơn hoặc mâu thuẫn giữa các quy hoạch cùng cấp thì việc điều chỉnh được thực hiện theo trình tự, thủ tục được quy định tại điểm c khoản 1 Điều 2 Nghị quyết số 61/2022/QH15.
Khẩn trương xem xét, quyết định áp dụng hình thức chỉ định thầu đối với các gói thầu tư vấn để lập các quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh mà đến thời điểm Nghị quyết số 61/2022/QH15 có hiệu lực thi hành chưa lựa chọn được nhà thầu. Trình tự, thủ tục chỉ định thầu được thực hiện theo quy định của pháp luật về đấu thầu. Người có thẩm quyền quyết định lựa chọn nhà thầu phải chịu trách nhiệm về quyết định của mình, bảo đảm công khai, minh bạch, chất lượng, hiệu quả và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác quy hoạch.
Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết đẩy nhanh tháo gỡ, vướng mắc trong việc lập quy hoạch, trong đó có dự án treo (ảnh minh họa) |
Tiếp tục thực hiện và kéo dài thời kỳ các quy hoạch quy định tại điểm c khoản 1 Điều 59 của Luật Quy hoạch đã được quyết định hoặc phê duyệt trước ngày 1/1/2019 cho đến khi quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030 theo Luật Quy hoạch được quyết định hoặc phê duyệt. Chỉ được điều chỉnh nội dung theo quy định của pháp luật có liên quan trước ngày Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành trong trường hợp cần thiết, chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ về việc đề xuất, quyết định điều chỉnh; xem xét, lồng ghép các nội dung liên quan để đưa vào quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030, bảo đảm tính liên kết, đồng bộ, kế thừa, ổn định và hệ thống giữa các quy hoạch.
Tăng cường hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch
Nghị quyết cũng đưa ra các giải pháp nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch.
Cụ thể, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ và địa phương tổng hợp, xây dựng báo cáo hàng năm về tình hình triển khai công tác quy hoạch và kết quả thực hiện Nghị quyết 61/2022/QH15 trình Chính phủ xem xét, gửi Quốc hội tại kỳ họp cuối năm của Quốc hội.
Đánh giá toàn diện tác động của việc bãi bỏ các quy hoạch về đầu tư phát triển hàng hóa, dịch vụ, sản phẩm cụ thể, ấn định khối lượng, số lượng hàng hóa, dịch vụ, sản phẩm được sản xuất, tiêu thụ theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 59 của Luật Quy hoạch; nghiên cứu rà soát các quy hoạch này để bảo đảm yêu cầu của Luật Quy hoạch, yêu cầu quản lý nhà nước và phù hợp với cam kết trong các điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
Nghiên cứu hoàn thiện quy định của pháp luật về trách nhiệm, thẩm quyền của các cơ quan lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch, bảo đảm độc lập giữa các cơ quan, đề cao trách nhiệm của từng cấp, phù hợp với quy định của Luật Quy hoạch, các luật có liên quan đến quy hoạch, Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương.
Tổng kết, đánh giá toàn diện việc thực hiện Luật Quy hoạch và các nội dung có liên quan đến quy hoạch trong các luật, văn bản quy phạm pháp luật để khẩn trương trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung Luật Quy hoạch và các luật có liên quan đến quy hoạch nhằm đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước về công tác quy hoạch, bảo đảm tuân thủ các quan điếm chỉ đạo của Đảng đối với hoạt động quy hoạch, tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật. Cần lưu ý một số nội dung sau:
(1) Nghiên cứu sửa đổi phạm vi điều chỉnh của các Luật, bảo đảm định hướng, yêu cầu của Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 16/1/2012 của Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XI;
(2) Nghiên cứu, bổ sung quy định điều chỉnh quy hoạch với quy trình rút gọn, trong đó có các tiêu chí, điều kiện, thủ tục, quy trình điều chỉnh để vừa giải quyết các vấn đề vướng mắc trong thực tiễn, vừa bảo đảm tính đồng bộ, kế thừa, ổn định và liên kết của hệ thống quy hoạch quốc gia;
(3) Rà soát các Danh mục quy hoạch tại Phụ lục 1 và Phụ lục 2 của Luật Quy hoạch để sửa đổi, bổ sung phù hợp với tình hình thực tiễn và phạm vi quản lý của các bộ, ngành, địa phương và phù hợp với quy định chung của Luật Quy hoạch, tránh trùng lặp, chồng chéo về nội dung giữa các loại quy hoạch;
(4) Nghiên cứu, sửa đổi các quy định về kinh phí cho hoạt động quy hoạch theo hướng bố trí linh hoạt theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các nguồn vốn hợp pháp khác.
Khắc phục căn bản tình trạng các dự án treo do quy hoạch có nguyên nhân chủ quan
Các bộ, cơ quan ngang bộ và địa phương nghiêm túc kiểm điểm, rút kinh nghiệm và khẩn trương có giải pháp đồng bộ để khắc phục hạn chế, yếu kém đã được chỉ ra trong Báo cáo kết quả giám sát số 166/BC-ĐGS ngày 27/5/2022 của Đoàn giám sát; tăng cường kỷ luật, kỷ cương, tập trung cao độ chỉ đạo để thực hiện tốt công tác quy hoạch. Thực hiện nghiêm việc lấy ý kiến cộng đồng dân cư; khắc phục căn bản tình trạng các dự án treo do quy hoạch có nguyên nhân chủ quan; xử lý các tồn tại, bất cập do ảnh hưởng của quy hoạch treo, bảo đảm các quyền lợi của người dân về đất đai, tài sản và an sinh xã hội, không để xảy ra tình trạng khiếu nại kéo dài.
Tăng cường ứng dụng công nghệ trong lập quy hoạch và phối hợp đẩy mạnh công tác điều tra cơ bản, nâng cấp đồng bộ hóa hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu quy hoạch quốc gia, thống nhất công nghệ, định dạng dữ liệu về quy hoạch; cập nhật, chia sẻ thông tin.
Đề cao trách nhiệm của người đứng đầu, cá thể hóa trách nhiệm; bảo đảm tính công khai, minh bạch; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; tổ chức thanh tra, kiểm tra, ngăn chặn và xử lý kịp thời, nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật về quy hoạch.