Chính phủ quan tâm xây dựng thể chế, pháp luật
Phó Thủ tướng cam kết tiếp thu các ý kiến các đại biểu Quốc hội nêu ra tại phiên chất vấn để chỉ đạo, lãnh đạo tốt hơn, nhất là những nội dung mà các Bộ trưởng, trưởng ngành đã làm nhưng kết quả còn hạn chế hoặc mới đang làm dở dang.
Với câu hỏi của đại biểu Mai Thị Phương Hoa (Nam Định), Triệu Thị Thu Phương (Bắc Kạn) về chất lượng công tác xây dựng pháp luật khi tình trạng nợ đọng văn bản hướng dẫn luật vẫn còn.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đăng đàn trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội cuối ngày 15/8 |
Phó Thủ tướng khẳng định, thời gian qua, Chính phủ đã rất quan tâm, dành nhiều thời gian hơn cho nhiệm vụ xây dựng thể chế, pháp luật trong các phiên họp. Từ đầu năm tới nay, Chính phủ cũng đã họp 3 chuyên đề về xây dựng pháp luật. Thủ tướng cũng quán triệt Bộ trưởng cần ngồi ở các phiên giải trình luật nên không ai thoái thác được. Tổ Công tác của Thủ tướng thì thường xuyên đôn đốc các bộ, ngành về nhiệm vụ này.
“Dù thế, những hạn chế trong công tác xây dựng pháp luật vẫn không hết được, biểu hiện ở tình trạng luật trình còn chậm, dự án luật phải rút khỏi chương trình, nợ đọng văn bản quy phạm pháp luật. Cụ thể, Chính phủ hiện còn nợ 18 văn bản trong đó có 2 nghị định hướng dẫn luật”- Phó Thủ tướng bày tỏ.
Nguyên nhân của tình trạng nợ đọng văn bản, theo Phó Thủ tướng, là do chưa tuân thủ quy trình, trình tự của luật Ban hành văn bản, sự quan tâm của một số tư lệnh ngành với việc này chưa đúng mức, thời gian cho phép ban hành còn ngắn mà các vấn đề có nhiều diễn biến phức tạp, thay đổi nhanh, sự phối hợp liên bộ còn trục trặc, có nhiều hạn chế…
Phó Thủ tướng cho biết, thời gian tới, Chính phủ sẽ chấp hành nghiêm Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, công khai các bộ ngành nợ đọng văn bản. Ngoài ra, sẽ tăng cường năng lực triển khai, soạn thảo các văn bản quy phạm pháp luật.
Ưu tiên các dự án liên kết tiểu vùng tại Đồng bằng sông Cửu Long
Về phát triển kết cấu hạ tầng giao thông khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) mà rất nhiều đại biểu quan tâm, chất vấn, Phó Thủ tướng khẳng định, Chính phủ luôn quan tâm tới vấn đề phát triển kết cấu hạ tầng giao thông cho vùng ĐBSCL. Bởi vùng này có vị chí chiến lược về an ninh, kinh tế, quốc phòng là cứ điểm chiến lược về nông nghiệp.
Phó Thủ tướng cho biết, trong 5 năm vừa qua, tổng ngân sách đầu tư cho vùng ĐBSCL đứng thứ 3 trong các vùng kinh tế cả nước (khoảng 16,5%). Trong khi đó, ngân sách Trung ương hỗ trợ cũng đứng thứ ba. “Như vậy số vốn bố trí là không quá thấp. Tuy nhiên, xuất phát điểm thấp cộng thêm việc đầu tư tại vùng tốn kém nên nguồn lực chưa đáp ứng được”- Phó Thủ tướng chia sẻ.
Từ nay đến 2020 và 5 năm tới, Chính phủ sẽ tập trung đầu tư các dự án có tính chất liên kết vùng, liên kết các tiểu vùng tại ĐBSCL như vùng Đồng Tháp Mười, bán đảo Cà Mau, tứ giác Long Xuyên, đầu tư kết nối liên vùng giữa ĐBSCL với TP.Hồ Chí Minh.
Các loại hình như hàng hải, đường bộ, đường sắt, hàng không sẽ được đầu tư. Về đường bộ, Chính phủ sẽ đầu tư trục đường từ bắc xuống nam, từ đông sang tây. Về đường thủy nội địa, ĐBSCL là vùng có nhiều tiềm năng lợi thế, có thể phát triển dịch vụ logistics cho khu vực tiểu vùng sông Me Kong. Đối với hàng hải, khu vực này có thể đầu tư các luồng tàu biển. Về hàng không, có thể mở nhiều tuyến đường bay mới, sớm nâng cấp sân bay Phú Quốc. Đường sắt đang kêu gọi vốn tuyến đường sắt TP. Hồ Chí Minh đi Cần Thơ.
Phó Thủ tướng nhắc lại chỉ đạo của Thủ tướng yêu cầu vùng ĐBSCL cần xây dựng các danh mục dự án ưu tiên để bố trí vốn từ này đến 2020 và giai đoạn đến năm 2025. “Năm nay, Chính phủ sẽ bố trí phần vượt thu ngân sách là 2.186 tỷ đồng cho dự án Trung Lương – Mỹ Thuận, với số vốn đó, cộng thêm khoản tín dụng từ ngân hàng, dự án sẽ thông tuyến vào năm 2020”- Phó Thủ tướng nhấn mạnh.