Tại cuộc họp Ban chỉ huy tiền phương ứng phó với bão số 9 tại TP. Đà Nẵng trưa ngày 28/10, ông Hoàng Đức Cường, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng thủy văn cho biết, lúc 11 giờ ngày 28/10, bão số 9 ở ngay trên bờ biển các địa phương từ Đà Nẵng - Phú Yên có gió cấp 12, giật cấp 15. Khắp các tỉnh miền Trung đang có mưa vừa đến mưa có, lượng mưa trung bình từ 100 - 300mm, có nơi đo được đến 390mm (Trà Hiệp, Quảng Ngãi).
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chủ trì cuộc họp Ban Chỉ huy tiền phương ứng phó với bão số 9 tại Đà Nẵng trưa 28/10 |
Bão số 9 đã gây những thiệt hại ban đầu cho ngành điện. Do ảnh hưởng của bão, toàn miền Trung hiện có 360 xã, phường mất điện tạm thời. Riêng tại tỉnh Quảng Ngãi, nơi tâm bão số 9 đổ bộ, để đảm bảo an toàn cho người dân và hệ thống điện, Điện lực Quảng Ngãi đã chủ động cắt phụ tải nên hầu hết các huyện, xã, thị trấn đều bị cắt điện tạm thời (97 xã, thị trấn). Tại TP. Đà Nẵng tính đến 10h sáng ngày 28/10, ở tất cả các quận, huyện trên địa bàn thành phố, cục bộ một số tổ/thôn, phường/xã đã bị mất điện tạm thời, nhiều nhất là tại huyện Hòa Vang.
Ngành điện cũng khuyến cáo người dân khi phát hiện sự cố điện cần báo ngay cho điện lực qua số hotline 19001909. Không thực hiện sửa chữa điện gia đình khi mưa gió, tắt các aptomat thiết bị ngoài trời, khi ngập nước hoặc ẩm ướt cao…
Ngoài ra, tại tỉnh Phú Yên, bão gió đã làm đứt 01 đường dây trung thế, gẫy 01 cột điện trung thế.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu đảm bảo an toàn hồ đập, đảm bảo an toàn hệ thống truyền tải điện, nhất là khu vực có đường dây 500 kV đi qua |
Chỉ đạo tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh, cơn bão số 9 hiện đã làm sập nhiều nhà yếu, tốc mái hầu hết các nhà cấp 4 tại các huyện như Bình Sơn, Đức Phổ (Quảng Ngãi), gây thiệt hại nặng nề, nhất là tại tỉnh Quảng Ngãi.
Do cường độ rất mạnh của cơn bão, gió giật mạnh, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương chú ý đến an toàn hệ thống truyền tải điện. “Đặc biệt, yêu cầu Bộ Công Thương, EVN theo dõi chặt chẽ hệ thống điện, hệ thống truyền tải điện để đảm bảo an toàn hệ thống truyền tải. Phải chú ý khu vực có đường dây 500 kV chạy qua, nơi có những cột điện lớn chịu ảnh hưởng của thời tiết mưa nhiều, sạt lở đất… để đảm bảo an toàn cho đường dây, không để xảy ra sự cố có nguy cơ gây ảnh hưởng đến an ninh năng lượng”, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nói.
Bên cạnh đó, cơn bão có sức tàn phá lớn cùng với lượng mưa có xu hướng sẽ tăng trong tối nay và ngày mai, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương, Bộ Xây dựng phối hợp với các địa phương để tiếp tục theo dõi an toàn các hồ chứa, nhất là tại Quảng Nam, Thừa Thiên Huế, Hà Tĩnh. Đặc biệt hồ thủy điện ở Quảng Nam rất nhiều nên phải theo dõi chặt chẽ cùng với EVN để điều tiết nước đảm bảo an toàn hồ chứa.
Trước đó, tại cuộc họp khẩn ngày trưa ngày 27/10 để ứng phó với bão số 9, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam - ông Lê Trí Thanh - cho biết, hiện các hồ thủy lợi, thủy điện đều an toàn và có thể đón lũ. Đặc biệt, thời gian qua, tỉnh Quảng Nam và chủ đầu tư các hồ thủy điện đã chủ động điều tiết giảm mực nước tại hồ chứa thủy điện để sẵn sàng đón đợt lũ từ cơn bão số 9. Nhờ vậy, nếu trong đợt mưa của bão số 9 lượng mưa dưới 400mm thì các hồ thủy điện hoàn toàn có thể vận hành đảm bảo an toàn cho hạ du.
Ông Trần Đình Nhân - Tổng giám đốc EVN - kiểm tra công tác ứng phó với bão số 9 tại PC Đà Nẵng |
Cũng trong ngày 27/10, ông Trần Đình Nhân - Tổng giám đốc EVN - đã có buổi làm việc với Công ty Điện lực Đà Nẵng (PC Đà Nẵng) về công tác ứng phó với bão số 9. Ông Lê Hồng Cương - Giám đốc PC Đà Nẵng - cho biết, đơn vị triển khai công tác ứng phó cơn bão theo phương châm 4 tại chỗ. Công ty đặc biệt lưu ý đến các điểm ngập úng, vị trí xung yếu; chuẩn bị phương án cấp điện dự phòng cho các khách hàng quan trọng; tái lập nhân lực trực tại các TBA 110kV tự động hóa; đồng thời hoãn các công tác trên lưới để tập trung nhân lực phòng chống bão kể từ ngày 27/10/2020. Ông Trần Đình Nhân đề nghị Tổng công ty Điện lực miền Trung (EVNCPC), PC Đà Nẵng tập trung chỉ đạo, trực vận hành, xử lý sự cố 24/24; chuẩn bị sẵn sàng nhân lực, vật tư dự phòng, hậu cần đáp ứng phương châm “4 tại chỗ”, phát huy những kinh nghiệm, sẵn sàng các phương án ứng phó với tình huống xấu nhất khi bão số 9 đổ bộ.
Ngoài đảm bảo an toàn ngành điện, Phó Thủ tướng yêu cầu các thành viên Ban Chỉ huy tiền phương và các địa phương phải tập trung, triển khai nhân lực, vật lực để tìm kiếm 26 thuyền viên tại 2 tàu đánh cá gặp nạn hôm 27/10. “Khẩn trương đưa tàu lớn cùng 2 tàu kiểm ngư ra để cứu hộ 26 thuyền viên và một tàu đang bị chết máy tự trôi ở khu vực biển Bình Định. Thủ tướng đã trực tiếp gọi điện nhiều lần yêu cầu bảo đảm tính mạng người dân, tập trung lực lượng cứu hộ. Tôi đã hứa với Thủ tướng là chúng tôi sẽ làm hết sức mình để bảo vệ an toàn cho người dân”, Phó Thủ tướng nói và cho biết cần có thêm một phương án nữa là tập trung ngay máy bay trực thăng, khi thời tiết cho phép thì điều máy bay trực thăng ứng cứu. Dự kiến, chiều ngày 28/10, ngay khi bão giảm, các phương tiện có thể lưu thông, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng và Ban Chỉ huy tiền phương ứng phó với bão số 9 sẽ vào phía Nam (khu vực Quảng Ngãi, Bình Định) để chỉ đạo trực tiếp vấn đề khắc phục hậu quả của mưa bão. |