Còn 10 trung tâm hoạt động, Sở GTVT TP. Hồ Chí Minh khuyến cáo người dân đi đăng kiểm xe sớm Hà Nội: 2 trung tâm đăng kiểm ở quận Nam Từ Liêm và huyện Thanh Oai mở cửa lại |
Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà tại cuộc họp nghe báo cáo về công tác đăng kiểm phương tiện giao thông và giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.
Thông báo kết luận của Phó Thủ tướng nêu rõ: Công tác kiểm định phương tiện giao thông là dịch vụ công rất quan trọng, bảo đảm an toàn cho các phương tiện giao thông, tính mạng của người dân, đòi hỏi công nghệ, kỹ thuật, trình độ và thuộc trách nhiệm của Nhà nước.
Vì vậy, trong khi giải quyết, xử lý những yếu kém của cơ quan quản lý nhà nước, phải tìm giải pháp tốt nhất, không làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của người dân. Các bộ, ngành, địa phương cần quán triệt tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tăng cường phản ứng chính sách, chủ động xử lý kịp thời, giải quyết những vấn đề ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của nhân dân.
Trong thời gian qua, việc xã hội hóa đã huy động được nguồn lực bên ngoài bước đầu đáp ứng được nhu cầu của người dân, doanh nghiệp trong cung cấp dịch vụ công về kiểm định, tuy nhiên việc thực hiện kiểm định, hoán cải phương tiện giao thông vận tải còn diễn ra rất tùy tiện, chưa được quản lý chặt chẽ đảm bảo các quy chuẩn kỹ thuật, quy định pháp luật ảnh hưởng nghiêm trọng đến an toàn tính mạng của nhân dân.
Chuyên án của Bộ Công an góp phần chấn chỉnh, lập lại trật tự, kỷ cương trong lĩnh vực đăng kiểm, tạo niềm tin của nhân dân, đồng thời cho thấy trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước và những bất cập trong mô hình xã hội hoá hoạt động đăng kiểm.
Để đảm bảo cung cấp dịch vụ công kịp thời cho người dân, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải trước mắt, cần khẩn trương huy động điều phối nhân lực đăng kiểm viên, cán bộ nghiệp vụ ở các địa phương khác để tăng cường cho các trung tâm đăng kiểm ở Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh kết hợp tăng ca, kíp để đáp ứng nhu cầu kiểm định của người dân.
Bộ Giao thông Vận tải phối hợp với Bộ Công an, Bộ Quốc phòng huy động các đơn vị có chức năng, đủ điều kiện thực hiện hoạt động đăng kiểm của hai Bộ tham gia hỗ trợ, đồng thời công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân biết.
Phó Thủ tướng giao Bộ Giao thông Vận tải khẩn trương sửa đổi Thông tư số 16/2021/TT-BGTVT ngày 12/8/2021 quy định về kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện cơ giới đường bộ, trong đó xem xét sửa đổi bổ sung quy định cho phép miễn kiểm tra kỹ thuật khi đăng kiểm lần đầu đối với ô tô mới sản xuất, lắp ráp và xe cơ giới nhập khẩu chưa qua sử dụng gắn với trách nhiệm của nhà sản xuất; nghiên cứu phương án kéo dài chu kỳ đăng kiểm với các phương tiện mới sử dụng đảm bảo các yêu cầu kỹ thuật về an toàn của phương tiện ban hành trước ngày 10/3/2023.
Rà soát các vấn đề bất cập, vướng mắc để trình Chính phủ ban hành Nghị quyết giải quyết ngay những vướng mắc thuộc thẩm quyền của Chính phủ trong thời gian chờ sửa đổi Nghị định số 139/2018/NĐ-CP quy định về kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới, trong đó nghiên cứu phương án cho phép các trung tâm bảo trì, bảo dưỡng của các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu xe ô tô đủ điều kiện được tham gia thực hiện kiểm tra kỹ thuật để kiểm định xe, gửi Bộ Tư pháp thẩm định trong ngày 9/3/2023, trình Chính phủ trong ngày 10/3/2023.
Về lâu dài, chủ trì phối hợp với Bộ Công an để xem xét phương thức tách bạch công tác quản lý và hoạt động dịch vụ công của các trung tâm kiểm định, quy hoạch hợp lý mạng lưới các cơ sở kiểm định chất lượng, tăng cường công tác đào tạo, quan tâm chế độ, chính sách cho đội ngũ đăng kiểm viên gắn với tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm.
Bộ Công an trong quá trình xử lý các vi phạm không làm ảnh hưởng đến hoạt động đăng kiểm; tiếp tục phân hóa các nhóm đối tượng vi phạm để có phương thức đấu tranh phù hợp để đảm bảo quá trình cung cấp dịch vụ đăng kiểm được thực hiện liên tục cho người dân.