Khai mạc Hội báo toàn quốc 2023: Phát huy hơn nữa vai trò của báo chí cách mạng Việt Nam Chính phủ phê duyệt Điều lệ Hội Nhà báo Việt Nam |
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đến dự và chỉ đạo hội nghị.
Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác Hội, công tác thi đua khen thưởng năm 2022, phương hướng nhiệm vụ năm 2023 trong toàn thể các cấp Hội, với những nội dung chính: Biểu dương, khen thưởng các điển hình tiên tiến, nhân tố mới trong hoạt động của các cấp Hội Nhà báo Việt Nam; Nâng cao nhận thức, năng lực của các cấp Hội trong quản lý, chỉ đạo báo chí và hoạt động Hội; Hướng dẫn các cấp Hội triển khai công tác hỗ trợ báo chí chất lượng cao năm 2023; Trưng bày chuyên đề 80 năm Đề cương văn hóa Việt Nam.
Báo chí góp phần đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực, tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà nhấn mạnh, Báo chí Cách mạng Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và lãnh đạo đã luôn đồng hành và đóng góp quan trọng trong hành trình đấu tranh kiên cường của Đảng ta, nhân dân ta trong bảo vệ chủ quyền dân tộc, xây dựng Chủ nghĩa xã hội, thực hiện thắng lợi đường hướng đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đến dự và chỉ đạo hội nghị |
Những năm qua, Báo chí Cách mạng đã phản ánh khách quan, sinh động mọi mặt đời sống xã hội, truyền tải tiếng nói, tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, kịp thời phát hiện, nêu lên nhiều vấn đề thực tiễn, cung cấp nhiều thông tin có giá trị phục vụ cho công tác quản lý và hoàn thiện về nghiên cứu lý luận, hoạch định chủ trương chính sách và công tác lãnh đạo chỉ đạo điều hành của Đảng và Nhà nước. Báo chí đã làm tốt vai trò xung kích trên mặt trận tư tưởng, thông tin và truyền thông, góp phần định hướng dư luận xã hội, củng cố niềm tin của nhân dân, đấu tranh phản bác những luận điệu sai trái của các thế lực thù địch; bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ; đi đầu trong việc lan tỏa thông tin chính thống, hình ảnh một Việt Nam an toàn, ổn định, hòa bình, hữu nghị, phát triển, góp phần ổn định, thực hiện thành công chiến lược đối ngoại, nâng cao vị thế, uy tín của đất nước.
Qua báo cáo của Hội Nhà báo Việt Nam, năm 2022, các cấp Hội Nhà báo Trung ương và địa phương đã đoàn kết, tập hợp, bồi dưỡng, nâng cao nhận thức chính trị, trình độ nghiệp vụ cho các nhà báo. Phương thức hoạt động của hội đã có nhiều đổi mới, bắt kịp sự phát triển nhanh chóng của khoa học công nghệ. Đặc biệt là bám sát xu thế để tuyên truyền về những quá trình chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, kinh tế tuần hoàn, ứng dụng trí tuệ nhân tạo , phát triển nội dung số trong hoạt động báo chí. Các nhà báo đã cập nhật thực tế, đưa tin các vấn đề được xã hội quan tâm.
“Nhiều bài báo mang tính phát hiện, đúc kết thực tiễn sinh động, lan tỏa các gương điển hình tiên tiến, cảnh báo nguy cơ diễn biến, kiến nghị Đảng nhà nước nhiều vấn đề thiết thực. Các tác phẩm đã tích cực phản ánh công tác xây dựng chỉnh đốn Đảng với nhiều cách thức đa dạng, sáng tạo, chính xác; góp phần đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực, tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước” – Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ghi nhận.
Công tác truyền thông chính sách được triển khai chủ động, hiệu quả, đặc biệt là tuyên truyền định hướng, truyền tải mong muốn của người dân đến các cơ quan xây dựng chính sách. Việc xin ý kiến nhân dân về dự thảo Luật Đất đai là minh chứng rõ nét nhất về hiêụ quả của cơ quan truyền thông trong xây dựng chính sách, tạo được sự đồng thuận.
“Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tôi nhiệt liệt biểu dương, đánh giá cao và chúc mừng những kết quả đã đạt được của Hội Nhà báo Việt Nam, các cấp Hội trong năm 2022, đã đóng góp tích cực cho sự phát triển chung của đất nước” – Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh.
Báo chí cần tiếp tục chuyển đổi số
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chỉ rõ, năm 2023 có rất nhiều khó khăn thách thức đang phải đối mặt, tình hình thế giới tiếp tục diễn biến hết sức phức tạp, khó đoán định; cạnh tranh kinh tế thương mại gay gắt, bất ổn tài chính tiền tệ, an ninh năng lượng, lương thực cùng các luật chơi mới trong đầu tư, thương mại toàn cầu dựa trên tiêu chuẩn môi trường, giảm phát thải, tác động đến nền kinh tế.
Cùng với đó, những tồn tại cũng bộc lộ sau đại dịch như thị trường bất động sản, phát triển du lịch, y tế, văn hóa… đòi hỏi hệ thống chính trị phải tập trung nâng cao, nỗ lực lớn, phát huy tinh thần sáng tạo, dám nghĩ, dám làm để hóa giải thách thức, tận dụng thời cơ, đưa đất nước ngày càng phát triển hơn bao giờ hết. Báo chí cách mạng Việt Nam phải khơi dậy mạnh mẽ tình yêu đất nước, khát vọng Việt Nam phồn vinh, thịnh vượng; cổ vũ động viên tinh thần đổi mới; tiếp thêm năng lượng tích cực để cải tổ hệ thống chính trị, cùng toàn dân vượt qua khó khăn thách thức, thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế xã hội năm 2023 và gai đoạn 2021-2025.
Do đó, các cấp hội cần định hướng các cơ quan báo chí, bám sát thực tiễn đổi mới, phát triển của đất nước; các vấn đề thời sự; phản ánh sâu sắc, sinh động hơi thở nhịp đập cuộc sống để có nhiều tác phẩm báo chí chất lượng, có tính chiến đấu, giá trị nhân văn sâu sắc, chạm đến cảm xúc của công chúng. Từ đó định hướng dư luận, tạo đồng thuận xã hội, cổ vũ niềm tin của nhân dân vào Đảng và sự nghiệp đổi mới đất nước.
Thứ hai, tận dụng tốt vai trò là vũ khí sắc bén, công cụ đăc lực của đảng trên mặt trận tư tưởng văn hóa, quán triệt tư tưởng Đại hội Đảng lần thứ 13, xây dựng nền báo chí truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại. Chú trọng nâng cao chất lượng hiệu quả báo chí.
Các cơ quan báo chí cần xây dựng đội ngũ làm báo chuyên nghiệp, có thể coi là những chuyên gia am hiểu về lý luận, ngoại giao, kinh tế, công nghệ, chuyển đổi số. Đầu tư nhiều hình thức chuyển tải đa dạng, phong phú để trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu của độc giả, không chỉ người dân mà còn nhà quản lý.
Mỗi người làm báo cần không ngừng trau dồi kiến thức học hỏi kinh nghiệm cập nhật thông tin, năng lực sáng tạo, bắt kịp với sự thay đổi nhanh chóng của xu hướng công nghệ mới. Luôn ý thức được trách nhiệm của mình với tư cách là sứ giả Việt Nam, mang giá trị văn hóa tốt đẹp, chân thiện mỹ của dân tộc, hình ảnh Việt Nam có trách nhiệm với những vấn đề toàn cầu đối với bạn đọc quốc tế, góp phần nâng cao sức mạnh tổng hợp của quốc gia.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nêu rõ, thứ ba, làm rõ vấn đề cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa trong hoạt động báo chí, đầu tư tương xứng về nguồn lực, con người, công nghệ để giúp cơ quan báo chí phát triển chính quy, chuyên nghiệp, hiện đại. Đây chính là trách nhiệm của Chính phủ. Thực hiện tốt vai trò là công cụ truyền thông sắc bén của Đảng, Nhà nước và nhân dân và phương tiện giám sát, phản biện xã hội một cách có hiệu quả hơn.
Các bộ ngành cần gắn bó hơn với các cơ quan báo chí, chủ động cung cấp thông tin kịp thời, chính xác, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho cơ quan báo chí, nhà báo tác nghiệp đúng chuyên môn, nghiệp vụ; chủ động phản ánh bất cập khó khăn vướng mắc để cơ quan quản lý có chính sách phản ứng kịp thời, nhanh và nhạy. Có các chuyên đề nghiên cứu hệ thống, đồng bộ, đưa ra các mô hình, cách làm báo hay. Nhân rộng cơ chế chính sách và đề xuất hướng giải quyết khó khăn.
Thứ tư, Hội Nhà báo Việt Nam – Ngôi nhà chung của các cấp hội nhà báo cả nước phải tiên phong trong bồi dưỡng, xây dựng bản lĩnh chính trị cho nhà báo hội viên; tạo lập không gian văn hóa trong hoạt động báo chí, từ đó chấn chỉnh những lệch lạc về đạo đức nghề nghiệp, nhân lên những giá trị nhân văn trong hoạt động báo chí.
Phó Thủ tướng nhắc lại: Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn người làm báo: “Trước khi đặt bút xuống trang giấy, cần tự mình làm sáng tỏ ta viết cho ai, viết để làm gì? Viết như thế nào?”. Lời dạy đó của người càng đúng trong bối cảnh xã hội có sự phân hóa trong cảm thụ, tiếp nhận thông tin, nhất là giới trẻ. Cùng với đó, công nghệ số, trí tuệ nhân tạo đã làm thay đổi mạnh mẽ các phương thức truyền thông, dẫn đến xu thế truyền thông hội tụ và thông tin đa phương tiện. Sự nổi lên của công nghệ đã định hướng, dẫn dắt người dùng.
Trong bối ảnh đó, báo chí muốn phát triển được phải chuyển đổi số, thay đổi phương thức vận hành, quản lý, phân phối nội dung, mô hình tổ chức. Các cơ quan báo chí cần đẩy mạnh chuyển đổi số, thay đổi phương thức vận hành, quản lý phân phối nội dung; nghiên cứu cập nhật các xu thế phát triển của công nghệ hiện đại, nghiên cứu từng nhóm đối tượng để đổi mới tư duy, cách làm báo, tạo luồng văn hóa mới thông qua công nghệ thông tin. Dựa vào độc giả để lan tỏa thông tin rộng rãi. Có như vậy, báo chí chính thống mới huy động, tập hợp được lực lượng thống nhất, có sức mạnh. Đa dạng hóa thị trường, kinh tế báo chí, đa dạng hóa nguồn thu nâng cao thu nhập.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh: Như tôi đã cam kết tại Hội báo toàn quốc 2023, tôi đã ký Chiến lược “Chuyển đổi số báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”; ký ban hành Điều lệ Hội Nhà báo Việt Nam với nhiều đổi mới, tiếp tục tạo môi trường thuận lợi cho báo chí làm tốt sứ mệnh thông tin tuyên truyền, phục vụ sự nghiệp đổi mới của đất nước. Chuyển đổi số đảm bảo vai trò dẫn dắt, định hướng dư luận , giữ vững chủ quyền thông tin trên không gian mạng, đổi mới hiệu quả trải nhiệm của độc giả, tạo nguồn cung mới thúc đẩy ngành công nghiệp nội dung số hiện đại, năng động, tiên tiến trong khu vực.
“Đảng và Nhà nước sẽ tiếp tục ban hành nhiều chủ trương chính sách để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho hoạt động báo chí, tạo môi trường để người làm báo phát huy sức manh sáng tạo, có những tác phẩm tầm cỡ, phản ánh được sâu sắc hiện thực đổi mới vĩ đại đất nước. Phát triển ngành công nghiệp truyền thông Việt Nam hiện đại, hội nhập, ngang tầm các nước tiên tiến trong khu vực; tiếp tục chỉ đạo các bộ, ban ngành chính quyền Trung ương và địa phương chủ động cập nhật thông tin đầy đủ và chính xác, tạo điều kiện thuận lợi cho cơ quan báo chí để tác nghiệp đúng chuyên môn nghiệp vụ” - Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà khẳng định.
Thông qua Hội nghị, các cấp Hội thảo luận, thống nhất, rút ra bài học kinh nghiệm và đề ra những giải pháp thiết thực nhằm thực hiện tốt Chỉ thị số 43-CT/TW của Ban Bí thư; Luật Báo chí và Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025; Hướng dẫn sinh hoạt của hội viên là phóng viên thường trú tại địa phương, 10 điều Quy định đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam, Quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo Việt Nam, Bộ tiêu chí cơ quan báo chí văn hóa và văn hóa của người làm báo.
Các cấp Hội cũng quán triệt yêu cầu của thực tiễn đối với đổi mới công tác báo chí, chia sẻ các định hướng, chiến lược phát triển, đặc biệt là về chuyển đổi số trong hoạt động báo chí; thống nhất chương trình hành động hướng đến kỷ niệm 100 năm Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2025). Đề ra mục tiêu phấn đấu, gắn việc thực hiện nhiệm vụ công tác Hội, phong trào thi đua yêu nước với thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, các nhiệm vụ chính trị của Hội Nhà báo Việt Nam.