Sáng 6/6, tiếp tục chương trình làm việc của Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, sau phiên trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ làm rõ một số vấn đề thuộc 4 nhóm nội dung chất vấn và trực tiếp trả lời chất vấn.
Trong đó liên quan đến lĩnh vực ngành Công Thương quản lý như: Năng lượng, công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp bán dẫn… đã được đại biểu đặt câu hỏi và được Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà thẳng thắn trả lời, làm rõ.
Bồi thường đất, tài sản trong hành lang an toàn cột điện gió theo Luật Đất đai
Chất vấn Phó Thủ tướng Chính phủ, đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi - đoàn Bến Tre đề nghị Chính phủ có giải pháp để giải quyết dứt điểm vấn đề bồi thường hỗ trợ đối với các công trình, phần đất nằm trong hành lang an toàn cột tháp điện gió.
Liên quan đến vấn đề trên, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nêu rõ, Luật Đất đai, hành lang an toàn là một trong những khu vực Nhà nước sẽ thu hồi khi cần thiết và sẽ có chính sách thu hồi, bồi thường phù hợp. Tuy nhiên, khó khăn hiện nay là chưa có tiêu chí xác định hành lang để có những chính sách phù hợp.
‘Hàng lang đó chiều rộng, chiều dài là bao nhiêu để có thể có những chính sách phù hợp, dưới hành lang đó khu vực nào có thể tiếp tục được sử dụng cùng với các trạm điện gió, khu vực nào không sử dụng’- Phó Thủ tướng cho hay.
Bộ Công Thương và Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ ban hành các tiêu chí kỹ thuật để xác định hành lang an toàn điện gió, trên cơ sở đó sẽ thực hiện thu hồi và có chính sách đền bù theo Luật Đất đai.
Cũng liên quan đến vấn đề về điện, đại biểu Trần Nhật Minh - đoàn Nghệ An đã đề nghị làm rõ thực trạng và giải pháp việc đảm bảo cung ứng điện, đặc biệt là cung ứng điện qua cơ chế mua bán điện tái tạo trực tiếp.
Đảm bảo cung ứng điện khi đường dây 500 kV mạch 3 hoàn thành
Theo đại biểu Trần Nhật Minh, trong thời gian gần đây có nhiều nhà đầu tư nước ngoài tìm hiểu cơ hội đầu tư ở Việt Nam, trong đó có những dự án công nghệ cao, sản xuất chip bán dẫn… Tuy nhiên, một trong những vấn đề các nhà đầu tư quan ngại và là việc đảm bảo cung ứng điện, đặc biệt là cung ứng điện qua cơ chế mua bán điện tái tạo trực tiếp.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà (Ảnh:quochoi.vn) |
Trả lời vấn đề này, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho biết, năm 2023 chúng ta đã có một giai đoạn thiếu điện cục bộ ở một số địa phương ở miền Bắc. Thời gian qua với sự chỉ đạo hết sức quyết liệt của Chính phủ, chúng ta đã quan tâm triển khai các công trình dự án liên quan đến nguồn, lưới điện, tháo gỡ các cơ chế chính sách hiện nay đang vướng về thủ tục đầu tư.
Theo Phó Thủ tướng, khâu phân phối điện đã được giải quyết thông qua xây dựng đường dây 500 kV mạch 3 Quảng Trạch (Quảng Bình) đi Phố Nối (Hưng Yên). Với một thời gian thần tốc, cuối tháng 6/2024 sẽ hoàn thành, như vậy việc điều tiết giữa các vùng miền sẽ giải quyết được ở một mức trong một số năm.
‘Đồng thời chúng ta đã có giải pháp đa dạng hóa công nghiệp điện, đảm bảo cạnh tranh công nghiệp điện, thông qua việc xây dựng nghị định liên quan đến mua bán điện trực tiếp đối với các khách hàng, đặc biệt đối với năng lượng tái tạo chúng ta đang chuẩn bị ban hành nghị định để mọi người dân có mái nhà có thể cung cấp nguồn điện tự sản tự tiêu'- Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh.
Từ góc độ này Phó Thủ tướng cho rằng, với trách nhiệm của Nhà nước đảm bảo cung cấp đầy đủ, an toàn các nguồn điện, cùng với đó là trách nhiệm chủ động của các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng trong đảm bảo an ninh năng lượng, vấn đề đảm bảo nguồn cung điện sẽ được giải quyết.
Báo cáo tại Quốc hội về giải pháp của Chính phủ trong thời gian tới trong lĩnh vực năng lượng, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho biết: Chính phủ sẽ triển khai hiệu quả quy hoạch, kế hoạch triển khai Quy hoạch Điện VIII, sớm hoàn thiện các cơ chế, chính sách mới về điện, đặc biệt như mua bán điện trực tiếp, từng bước tạo thị trường điện bán lẻ cạnh tranh, chính sách thu hút người dân tham gia đóng góp xây dựng điện áp mái. Bảo đảm an ninh năng lượng, không để thiếu điện, thiếu xăng trong mọi tình huống và phải đảm bảo dự trữ quốc gia đối với các mặt hàng thiết yếu này. Đề xuất các cơ chế, chính sách đột phá nhằm thu hút đầu tư vào các lĩnh vực mới nổi, như năng lượng tái tạo, công nghiệp đường sắt cao tốc, khai thác, chế biến một số loại khoáng sản chiến lược. |