Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nêu rõ phải đưa ra cách làm rõ ràng, công khai, minh bạch, đúng thẩm quyền, nhằm giải quyết dứt điểm khó khăn, vướng mắc về bảo đảm vật liệu xây dựng phục vụ san lấp (cát san lấp) cho các dự án giao thông trọng điểm khu vực phía Nam. Đây là những dự án huyết mạch, là nhiệm vụ chính trị có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển của các địa phương.
Một trong những nguyên nhân đến vướng mắc nguồn cát san lấp là do chưa có sự quyết liệt, các cơ quan tham mưu nghiên cứu chưa sâu, tham mưu chưa đúng việc thực hiện các kết luận, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Các địa phương chưa áp dụng kịp thời cơ chế, chính sách đặc thù mà Quốc hội, Chính phủ đã ban hành.
Phó thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì cuộc họp (Ảnh VGP). |
Do đó, Phó Thủ tướng yêu cầu lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương chỉ ra nguyên nhân của các khó khăn, vướng mắc, làm rõ trách nhiệm, thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương. "Bàn để quyết chứ không bàn để đấy" theo đúng thẩm quyền, đúng quy trình, công khai, minh bạch, rõ thời hạn hoàn thành.
Trước tình trạng thiếu cát san lấp, Chính phủ, lãnh đạo Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo về bảo đảm nguồn vật liệu san lấp đắp nền đường cho các dự án giao thông trọng điểm trong cả nước nói chung và dự án đường vành đai 3 TP. Hồ Chí Minh, cũng như khu vực các tỉnh phía Nam nói riêng.
Phó thủ tướng Trần Hồng Hà đã có nhiều cuộc họp, làm việc để giải quyết việc bảo đảm nguồn cát san lấp cho 5 dự án đường cao tốc ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và dự án đường vành đai 3 TP. Hồ Chí Minh; gần đây nhất là cuộc họp tại TP. Hồ Chí Minh (1/4/2024), chuyến kiểm tra, thị sát và làm việc tại tỉnh Vĩnh Long (11/5/2024).
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà khảo sát khu vực chuẩn bị cấp phép khai thác cát ở sông Hàm Luông, tỉnh Bến Tre (Ảnh: VGP) |
Theo báo cáo của Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tài nguyên và Môi trường và một số địa phương, nhu cầu cát san lấp, đắp nền đường cho 5 dự án đường cao tốc ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và dự án đường vành đai 3 TP. Hồ Chí Minh khoảng 63 triệu m3, hiện còn thiếu 24,4 triệu m3 chưa xác định được.
Dự kiến nguồn cát sông và cát thu hồi từ các dự án nạo vét khơi thông luồng sông (khoảng 66 triệu m3) sẽ đủ bảo đảm cho nhu cầu của các dự án giao thông trọng điểm khu vực phía Nam.
Trong đó, tỉnh An Giang dự kiến còn khoảng 4,5 triệu m3. Tỉnh Tiền Giang còn trữ lượng khoảng 41,8 triệu m3 (chưa cấp phép 21,9 triệu m3; 20 mỏ đã cấp phép nhưng hết hạn là 19,9 triệu m3). Bến Tre còn trữ lượng khoảng 25,36 triệu m3 (trong đó có 10 triệu m3 thu hồi từ nạo vét sông Ba Lai; 15,36 triệu m3 từ các mỏ cát sông).
Về khai thác cát biển, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông vận tải hướng dẫn các chủ đầu tư, nhà thầu đăng ký sử dụng cát biển; hướng dẫn đầy đủ về quy trình kỹ thuật bảo vệ môi trường để có thể sử dụng cát biển thay thế cát sông làm vật liệu san lấp an toàn.
Liên quan đến nguồn cát san lấp cho dự án đường vành đai 3 TP. Hồ Chí Minh, Phó Thủ tướng giao Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng TP. Hồ Chí Minh trực tiếp đến làm việc với các tỉnh Bến Tre, Tiền Giang, Vĩnh Long, Sóc Trăng… để cung cấp sớm nhất nguồn cát san lấp cho dự án.
Bộ Giao thông vận tải sớm hướng dẫn cụ thể, rõ ràng (phạm vi, điều kiện, các yêu cầu kỹ thuật, tổ chức thi công…) cho các địa phương, chủ đầu tư các dự án, nhà thầu thi công việc sử dụng cát biển làm vật liệu san lấp cho dự án đường vành đai 3 TP. Hồ Chí Minh.
Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải rất rõ trách nhiệm, không được để chậm tiến độ các dự án giao thông trọng điểm của quốc gia.
Phó Thủ tướng giao Bộ Giao thông vận tải phải khẩn trương hướng dẫn chi tiết việc điều tiết các mỏ cát "cho vay", "hoàn trả" để đáp ứng tiến độ các dự án cao tốc, không làm thay đổi tổng nguồn cát đã phân bổ cho các địa phương. Các nhà thầu phải cập nhật đầy đủ hồ sơ khảo sát xây dựng để bổ sung những mỏ cát "cho vay", "hoàn trả".
Bộ Tài nguyên và Môi trường lập các tổ công tác hướng dẫn Bến Tre, Tiền Giang, Sóc Trăng, An Giang trình tự thủ tục về nâng công suất khai thác, quyết định thủ tục đầu tư, cấp phép khai thác lại mỏ cát sông; hoàn thành việc giao khu vực biển cho nhà thầu khai thác cát biển ở tỉnh Sóc Trăng theo đúng thời hạn.
Bộ Giao thông vận tải chính thức có văn bản công bố quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật về cơ lý, công nghệ, vật liệu đi kèm… khi sử dụng cát biển làm vật liệu san lấp, làm căn cứ cho các địa phương thực hiện.
Trong tình huống các khó khăn, vướng mắc về nguồn cát san lấp được giải quyết, Bộ Giao thông vận tải phải điều chỉnh, cập nhật và báo cáo tiến độ các dự án giao thông trọng điểm khu vực phía Nam.