Tăng cường công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn |
Hội nghị toàn quốc về công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2022 được kết nối trực tuyến tới 63 điểm cầu UBND tỉnh, thành phố và 701 điểm cầu quận, huyện trên cả nước với hơn 19.000 người dự.
Hội nghị toàn quốc về công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2022 được tổ chức trực tuyến với hơn 19.000 người dự |
Thiên tai diễn biến phức tạp, dị thường
Năm 2021, thế giới đã có 16.000 người chết, mất tích do thiên tai, tổng thiệt về kinh tế ước tính trên 340 tỷ USD, tác động đến mọi mặt của đời sống, kinh tế-xã hội của nhiều quốc gia, khu vực. Tại Việt Nam, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, cộng đồng, doanh nghiệp, đặc biệt là chính quyền cơ sở, thiệt hại do thiên tai năm 2021 đã ở mức thấp nhất về người và tài sản. Trong đó, có 108 người chết, mất tích; thiệt hại vật chất 5.200 tỷ đồng – con số thấp nhất trong những năm gần đây.
Mặc dù đã có nhiều nỗ lực, nhưng công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2021 vẫn còn nhiều bất cập. Cụ thể như, việc ứng phó với tình huống thiên tai lớn còn bị động, lúng túng; khả năng chống chịu của cơ sở hạ tầng thấp, chưa đáp ứng yêu cầu trước sự tàn phá của bão, lũ; trang thiết bị phục vụ công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn còn hạn chế; nguồn lực cho công tác khắc phục hậu quả mới đáp ứng khoảng 20-30% nhu cầu thực tế…
Bước sang năm 2022, ngay từ những tháng đầu năm, thiên tai tại nước ta đã cho thấy những diễn biến phức tạp, dị thường, rét lịch sử cuối tháng 2 ở khu vực miền núi phía bắc; mưa lũ lớn trái quy luật ngay giữa mùa khô, kèm theo dông lốc, sóng lớn tại các tỉnh từ Quảng Bình đến Khánh Hòa từ ngày 30/3-2/4 vừa qua; động đất gia tăng cả về cường độ và tần suất tại huyện Kon Plong, tỉnh Kon Tum…
Tổng thiệt hại do thiên tai gây ra từ đầu năm đến nay ước tính đã lên tới 2.400 tỷ đồng - gần bằng 1/2 thiệt hại về kinh tế do thiên tai gây ra cả năm 2021.
Theo nhận định của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, những tháng tiếp theo của năm 2022 có khả năng xuất hiện bão mạnh trái quy luật với khoảng 10-12 cơn bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động trên khu vực biển Đông. Lượng mưa trong năm có xu hướng gia tăng trên phạm vi toàn quốc, khả năng cao xảy ra hiện tượng mưa cực đoan.
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành chỉ đạo Hội nghị toàn quốc về công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2022 |
Chuyển dịch từ bị động đối phó sang chủ động phòng ngừa
Tham gia đóng góp các giải pháp cho công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn giai đoạn tới, các địa phương, ban, ngành và đại diện một số tổ chức quốc tế… đã thẳng thắn nêu lên những hạn chế, tồn tại cũng như những đề xuất, kiến nghị với Hội nghị.
Trong đó, đại diện Bộ Công Thương – cơ quan được Chính phủ giao nhiệm vụ quản lý an toàn đập, hồ chứa thủy điện thuộc loại hồ quan trọng đặc biệt và các hồ chứa nằm trên địa bàn từ 2 tỉnh trở lên – cho biết: Trước tình hình thiên tai diễn ra ngày càng dị thường và không theo quy luật, với quan điểm phòng chống thiên tai thực hiện theo phương châm “bốn tại chỗ”, ngay từ đầu năm 2021, Bộ Công Thương đã kiện toàn Ban Chỉ huy và Văn phòng thường trực Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn của Bộ - Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên là Trưởng Ban
Ngày 6/4/2021, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ban hành Chỉ thị số 05/CT-BCT về tăng cường công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2021 để chỉ đạo các đơn vị trong Bộ, Sở Công Thương các tỉnh và các doanh nghiệp trong ngành Công Thương triển khai đồng bộ các nhiệm vụ phòng chống thiên tai, trong đó đặc biệt quan tâm tới việc vận hành an toàn các hồ chứa, phát huy vai trò tham gia cắt/giảm/làm chậm lũ, đảm bảo an toàn cho công trình và vùng hạ du…
Xét thấy, một số nội dung về quản lý an toàn hồ đập, hồ chứa thủy điện tại Nghị định số 114/2018/NĐ-CP đang phát sinh nhiều khó khăn, bất cập, tại Hội nghị lần này, Bộ Công Thương đã kiến nghị Chính phủ xem xét sửa đổi Nghị định số 114/2018/NĐ-CP theo hướng: Giao cho các chủ sở hữu công trình trực tiếp kiểm tra, đánh giá an toàn đập, hồ chứa thủy điện. Cơ quan quản lý nhà nước chỉ thực hiện kiểm tra công tác kiểm tra đánh giá an toàn đập, hồ chứa thủy điện của các chủ hồ. Cùng với đó, phân giao việc xây dựng bản đồ ngập lụt rõ ràng hơn nữa đối với đơn vị chủ trì, nguồn kinh phí để thuận tiện triển khai thực hiện.
Đồng thời, kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ - Chỉ đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan sớm rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy trình vận hành liên hồ chứa cho phù hợp với điều kiện, tình hình thực tế; Chỉ đạo các UBND tỉnh có công trình hồ chứa trên cùng một lưu vực sông liên tỉnh chủ động phối hợp chặt chẽ để việc điều tiết lũ các hồ chứa thủy điện đảm bảo an toàn công trình và vùng hạ du đập…
Năm 2022, khả năng xuất hiện khoảng 10-12 cơn bão mạnh và áp thấp nhiệt đới trái quy luật hoạt động trên khu vực biển Đông |
Sau khi nghe ý kiến, kiến nghị của các địa phương, ban, ngành và đại diện một số tổ chức quốc tế, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành - Trưởng ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai chỉ ra tình trạng, một bộ phận người dân và chính quyền còn hạn chế, chủ quan, bất cẩn trong phòng, chống thiên tai, dẫn đến thiệt hại đáng tiếc, nhất là về người. Trong khi việc hoàn thiện bộ máy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, đầu tư trang thiết bị, phương tiện hiện đại phục vụ công tác này còn chưa thực sự được quan tâm…
Theo đó, Phó Thủ tướng yêu cầu: Tới đây, công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cần chuyển dịch mạnh mẽ từ bị động đối phó sang chủ động phòng ngừa, tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ để nâng cao chất lượng dự báo, cảnh báo và theo dõi, giám sát thiên tai. Tăng cường năng lực chỉ đạo, chỉ huy điều hành ứng phó nâng cao năng lực cứu hộ cứu nạn, đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản nhân dân. Quan tâm tăng đầu tư từ ngân sách nhà nước, đa dạng hoá nguồn lực, sử dụng hiệu quả nguồn lực trong phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.
“Sau Hội nghị này, tôi đề nghị Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn (cơ quan thường trực của Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai) chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan khẩn trương hoàn thiện dự thảo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành ngay đầu tháng 5/2022” - Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành nhấn mạnh.