Phó Thủ tướng Lê Minh Khái: Bảo đảm nguồn cung hàng hoá, bình ổn giá dịp cuối năm Bình Định: Quy hoạch 17 tuyến đường thủy nội địa |
Sáng 23/12, tại thành phố Quy Nhơn diễn ra Lễ công bố Quy hoạch tỉnh Bình Ðịnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái cùng lãnh đạo một số bộ, ban ngành, địa phương tham dự.
Quy hoạch tỉnh Bình Định thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1619/QĐ-TTg ngày 14/12/2023.
Phát biểu khai mạc, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Phạm Anh Tuấn cho biết, trong năm 2023, mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức nhưng với sự nỗ lực, quyết tâm cao của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh, tỉnh Bình Định đã đạt và vượt hầu hết các chỉ tiêu chủ yếu về phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, tổng sản phẩm địa phương (GRDP) tăng 7,61% (kế hoạch từ 7 - 7,5%) và xếp thứ 17/63 địa phương cả nước, thứ 6/14 địa phương vùng Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ và thứ 1/5 địa phương khu vực kinh tế trọng điểm miền Trung. Quy mô kinh tế của tỉnh xếp thứ 24/63 địa phương trong cả nước, thứ 5/14 địa phương vùng phương vùng Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ và thứ 3/5 địa phương khu vực kinh tế trọng điểm miền Trung.
Ông Phạm Anh Tuấn - Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định phát biểu khai mạc. Ảnh: BTC |
Theo ông Phạm Anh Tuấn, tỉnh Bình Định luôn xác định công tác xây dựng Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, có ý nghĩa hết sức quan trọng và phải đi trước một bước, đây là công cụ cần thiết để hoạch định, quản lý, điều hành thống nhất, xuyên suốt kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngành, lĩnh vực, cũng như phân bổ và sử dụng hiệu quả các nguồn lực của tỉnh.
Theo Quy hoạch, hướng đến mục tiêu năm 2030, Bình Định trở thành tỉnh phát triển thuộc nhóm dẫn đầu vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ, là trung tâm công nghiệp chế biến, chế tạo, dịch vụ, du lịch và văn hóa phía Nam của vùng; trung tâm lớn của cả nước về phát triển kinh tế biển; trọng điểm du lịch quốc gia và quốc tế với hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế đồng bộ, hiện đại. Kinh tế của tỉnh phát triển nhanh, bền vững và xanh dựa trên các trụ cột tăng trưởng công nghiệp, dịch vụ du lịch, cảng biển - logistics; nông nghiệp công nghệ cao; đô thị hóa, đô thị thông minh.
Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại, kết nối thuận tiện với các trung tâm kinh tế của vùng, cả nước và quốc tế. Kiên trì thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân; bảo vệ hệ sinh thái và cảnh quan thiên nhiên; thích ứng hiệu quả với biến đổi khí hậu; bảo tồn và phát huy tốt bản sắc, các nét đẹp văn hoá các dân tộc; đảm bảo quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội.
Đến năm 2050, Bình Định tiếp tục thuộc nhóm dẫn đầu khu vực miền Trung với GRDP bình quân đầu người và đô thị hóa cao hơn bình quân chung cả nước; trở thành trung tâm kinh tế biển; trung tâm khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, nơi ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) quan trọng của Việt Nam; trung tâm du lịch lớn của cả nước, trung tâm kết nối khu vực vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ; Tây Nguyên và hành lang kinh tế Đông - Tây.
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái trao Quyết định phê duyệt Quy hoạch tỉnh Bình Định thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn 2050 cho lãnh đạo tỉnh Bình Định. Ảnh: BTC |
Trên cơ sở đó, quy hoạch xác định 5 trụ cột phát triển và 3 khâu đột phá phát triển. Trong 5 trụ cột, tập trung phát triển công nghiệp công nghệ cao và công nghiệp 4.0, trọng tâm là công nghiệp chế biến chế tạo giá trị cao, chú trọng đầu tư phát triển công nghiệp sản xuất thép, điện gió ngoài khơi, năng lượng tái tạo, công nghiệp chế biến sâu nông, lâm, thủy sản, dược phẩm, linh kiện điện tử, bán dẫn, công nghiệp công nghệ thông tin và AI…
Phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; xây dựng Bình Định trở thành điểm đến hấp dẫn hàng đầu khu vực với những nét đặc trưng riêng và sản phẩm du lịch đặc thù. Phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, chuyển từ số lượng sang chất lượng.
Phát triển mạnh mẽ dịch vụ cảng biển - logistics, tập trung khai thác hiệu quả cụm cảng Quy Nhơn gắn với phát triển hệ thống cảng cạn và hiện đại hóa dịch vụ cảng; nâng cấp sân bay Phù Cát trở thành sân bay quốc tế phục vụ cho cả miền Trung - Tây Nguyên; phát triển công nghiệp, đô thị, logistics dọc các tuyến cao tốc Bắc - Nam và Quy Nhơn - Pleiku. Phát triển đô thị nhanh và bền vững, đô thị hóa trở thành động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Ba đột phá phát triển được xác định với việc xây dựng hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại, nhất là hạ tầng giao thông cho vùng phía Bắc tỉnh; hình thành các tuyến giao thông quan trọng kết nối liên tỉnh, liên vùng; kết nối với Cảng hàng không Phù Cát, Cảng Quy Nhơn. Chuyển đổi xanh, chuyển đổi số tạo chuyển biến mạnh mẽ về tái cơ cấu nền kinh tế và cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh. Đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nhân lực công nghệ thông tin, kỹ thuật công nghệ, du lịch, công nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp công nghệ cao.
Theo quy hoạch, Bình Định sẽ tập trung phát triển công nghiệp công nghệ cao và công nghiệp 4.0 |
“Để cùng chung tay, góp sức thực hiện khát vọng, mục tiêu phát triển tỉnh Bình Định, lãnh đạo tỉnh rất mong các nhà quản lý, các nhà đầu tư, cộng đồng doanh nghiệp góp ý, hiến kế, cũng như cam kết và triển khai hiệu quả các dự án được trao giấy chứng nhận đầu tư và biên bản ghi nhớ tại hội nghị để cùng nhau hợp tác, biến các tiềm năng, lợi thế, mục tiêu, ý tưởng thành hiện thực, giúp tỉnh Bình Định phát huy thế mạnh, khai khác và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, góp phần thúc đẩy kinh tế của tỉnh phát triển nhanh, bền vững và xanh hơn trong tương lai”, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Phạm Anh Tuấn nhấn mạnh.