Thứ ba 29/04/2025 16:07

Phó Chủ tịch HCL Technologies: Việt Nam đủ khả năng trở thành trung tâm IT của thế giới

Nhân lực có trình độ cao được coi là vấn đề cốt lõi trong quá trình chuyển đổi số nhiều nước trên thế giới. Nhân dịp tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới HCL Technologies mở chi nhánh tại Việt Nam, phóng viên Báo Công thương đã có cuộc trò chuyện với Phó Chủ tịch tập đoàn - ông Sanjay Gupta - về vấn đề này.

Ông đánh giá như thế nào về tiềm năng công nghệ thông tin (IT) của Việt Nam?

Sau một thời gian dài khảo sát ở Việt Nam, chúng tôi nhận thấy Việt Nam có rất nhiều nhân tài về công nghệ thông tin mặc dù vẫn cần phải đào tạo lại, các chỉ số kinh doanh ở Việt Nam đều là chỉ số dương và xin giấy phép kinh doanh ở đây cũng khá thuận lợi. Sau đại dịch Covid-19 sẽ là thời kỳ chuyển đổi số. Việt Nam với dân số 100 triệu dân và nguồn lao động đông và trẻ có thể đón đầu xu hướng ấy.

Những lĩnh vực mà Việt Nam cũng như các nước ASEAN khác có thể tập trung là những ngành dọc ví dụ như ngành sản xuất, ngành bán lẻ, giáo dục và tài chính ngân hàng. Ngân hàng đã gần như thay đổi hoàn toàn trong thời kỳ đại dịch. Đây là điều chúng ta có thể tập trung vào. Một điểm nữa mà Việt Nam cần quan tâm khi phát triển nền công nghệ thông tin chính là an ninh mạng. Khi mọi thứ được số hóa thì an ninh mạng đóng vai trò rất quan trọng. Đó là lý do chúng tôi sẽ tập trung vào việc phát triển nhân lực tài năng trong lĩnh vực này tại Việt Nam.

Ông Sanjay Gupta - Phó Chủ tịch HCL Technologies

Các công ty vừa và nhỏ là một thành phần quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam. Tuy nhiên, khi tham gia vào quá trình chuyển đổi số, họ lại gặp rất nhiều khó khăn do nguồn lực có hạn. Phải giải quyết vấn đề này như thế nào, thưa ông?

Trước hết, chúng ta cần phải tạo ra một môi trường làm việc số để giúp các công ty vừa và nhỏ có thể gia nhập vào tiến trình chuyển đổi số nhanh hơn. Tiếp nữa, chúng tôi nhận thấy nguồn lực hạn chế lớn nhất của các công ty vừa và nhỏ là nguồn lực con người. Chúng tôi cho rằng sẽ hiệu quả hơn và chi phí rẻ hơn nếu như sử dụng nhân lực Việt Nam để hỗ trợ các công ty ở Việt Nam. Vì vậy, trong thời gian tới, khi HCL vào Việt Nam, chúng tôi sẽ tập trung vào đào tạo nguồn nhân lực sẵn có.

Ông nhận xét thế nào về nhân sự người Việt tại HCL hiện nay?

Hiện nay, văn phòng của HCL tại Việt Nam đang có 20 người và dự kiến trong 3 tháng tới sẽ tuyển thêm 300 người nữa. Trong số đó, 90% nhân sự sẽ là người Việt và 10% được đưa từ nước ngoài về. Những nhân viên chúng tôi tuyển dụng ở Việt Nam có kỹ năng công nghệ thông tin khá tốt nhưng khả năng ngôn ngữ để giao tiếp với khách hàng quốc tế vẫn còn hạn chế. Vì vậy, họ cần được đào tạo nâng cao kỹ năng giao tiếp để làm việc với khách hàng trên toàn thế giới. Hơn nữa, nhân sự có thể giỏi về công nghệ thông tin, tuy nhiên, công nghệ thông tin có nhiều lĩnh vực khác nhau nên họ cần được đào tạo để có thể phục vụ trong những ngành riêng biệt của công nghệ thông tin.

Ông có thể cho biết về chương trình đạo tạo nguồn nhân lực của HCL?

Chúng tôi tiếp nhận sinh viên ngành điện tử, máy tính, truyền thông,… và có một chương trình đạo tạo 6 tháng chuyên biệt. Ngoài đào tạo về kỹ năng thì đào tạo thêm về ngôn ngữ, kỹ năng giao tiếp để có thể giao tiếp với khách hàng trên toàn cầu. Hiện nay, HCL đã có giáo án sẵn và sẽ hợp tác với các trường đại học để tiến hành đào tạo không chỉ sinh viên mà còn là giảng viên. Sau khi hoàn thành chương trình đào tạo, chúng tôi sẽ nhận sinh viên thực tập 3 tháng tại công ty để giúp cho các em không chỉ có kiến thức mà còn có những trải nghiệm thực tế.

Ông có lời khuyên nào dành cho sinh viên công nghệ thông tin – những người sắp bước chân vào thị trường lao động?

Tôi nghĩ khả năng của sinh viên còn phụ thuộc vào các trường đại học. Các trường đại học cần phải đảm bảo kiến thức cũng như kinh nghiệm thực tế để sinh viên có thể làm việc ngay sau khi tốt nghiệp. Mặt khác, tôi cũng phải nhắc lại vấn đề ngôn ngữ. Có thể các bạn sinh viên học ở trường có thể nghe hiểu, đọc hiểu rất tốt nhưng cần phải nâng cao kỹ năng giao tiếp, làm việc với khách hàng trên thế giới. Ngoài những vấn đề này, tôi nghĩ không có gì có thể ngăn Việt Nam trở thành trung tâm IT của thế giới.

Xin cảm ơn ông!

Thu Thủy thực hiện