Sau quãng thời gian ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, thời gian gần đây, mỗi ngày, khu phố đường tàu (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) đón hàng trăm du khách trong và ngoài nước đến thăm. Việc du khách đông đúc trở lại trên con phố này gây mất an toàn khi tàu hỏa chạy qua và cản trở đến việc duy tu bảo trì của ngành đường sắt, tiềm ẩn nguy cơ vi phạm hành lang an toàn đường sắt.
|
“Phố đường tàu” là lựa chọn của nhiều du khách khi đến Hà Nội |
Mới đây, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam gửi văn bản kiến nghị UBND TP. Hà Nội và Cục Đường sắt Việt Nam xử lý dứt điểm tình trạng buôn bán, chụp ảnh tại các tụ điểm cà phê đường tàu đang ảnh hưởng đến trật tự an toàn giao thông đường sắt.
Theo Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, đầu năm 2018 khu vực phía Bắc ga Hà Nội (từ Km 0+595 đến Km 0+840 tuyến đường sắt Hà Nội - Đồng Đăng) xuất hiện loại hình du lịch khách nước ngoài đi tham quan, quay phim chụp ảnh trên đường sắt, nhất là khi có tàu chạy qua. Cùng đó là các hàng quán bày bàn ghế bán nước cho khách du lịch trong phạm vi bảo vệ hành lang an toàn giao thông đường sắt.
Trước tình trạng trên, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã chỉ đạo Công ty Cổ phần Đường sắt Hà Hải (đơn vị được giao quản lý) phối hợp với các cơ quan chức năng triển khai nhiều biện pháp quyết liệt trong đó có cưỡng chế giải tỏa các hành vi vi phạm, xử phạt hành chính… Tuy nhiên, khi dịch Covid-19 được kiềm chế, tình trạng vi phạm hành lang an toàn giao thông đường sắt tại khu vực này lại tái diễn.
Đầu tháng 5/2022, Công ty Cổ phần Đường sắt Hà Hải đã có văn bản gửi các phường Hàng Bông, Cửa Nam, Điện Biên Phủ đề nghị có biện pháp giải quyết dứt điểm tình trạng người dân bày bán hàng, du khách trong nước và nước ngoài quay phim chụp ảnh tại đây. Cục Đường sắt Việt Nam cũng đã có văn bản gửi UBND TP. Hà Nội đề nghị tiếp tục chỉ đạo, xử lý tình trạng bán hàng trên đường sắt.
Ngay sau đó, UBND TP. Hà Nội ra văn bản giao UBND các quận Hoàn Kiếm, Ba Đình tiếp tục phối hợp với Tổng công ty Đường sắt Việt Nam chỉ đạo, xử lý tình trạng bán hàng trên đường sắt nhằm đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường sắt. Tuy nhiên, những vi phạm tại khu vực này vẫn hết sức nghiêm trọng. Đặc biệt, thời gian gần đây, nhất là dịp nghỉ lễ 2/9 lại tái diễn tình trạng bán hàng và du khách nước ngoài, người dân đứng trên đường ray để chụp ảnh, quay phim.
Việc tham quan ở khu vực này tiềm ẩn nhiều rủi ro về an toàn giao thông đường sắt do đó, năm 2019, TP. Hà Nội đã ra quy định cấm các hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông đường sắt, ngăn chặn giải tán các điểm tụ tập đông người, ngồi uống cà phê trong lòng đường sắt.
Tất cả hàng quán tại đây đều đã phải ký cam kết tuân thủ an toàn đường sắt, không được bày bán, lấn chiếm hành lang đường sắt, mỗi lần có tàu chạy cũng yêu cầu hành khách tuân thủ quy định để không xảy ra tai nạn.
Một số hình ảnh do Báo Công Thương ghi lại tại phố cà phê đường tàu:
|
“Phố đường tàu” là đoạn đường dài 2km nối giữa các phố Lê Duẩn - Trần Phú - Cửa Đông và Phùng Hưng (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội). Đây là địa điểm thu hút đông người nước ngoài và bạn trẻ trong nước kéo đến trải nghiệm, chụp ảnh |
|
Tổng cục Đường sắt xây dựng đoạn đường tàu này từ năm 1956. Hai bên đường chủ yếu là những căn nhà cấp 4 mang phong cách cũ kỹ, giản dị, rất riêng của Hà Nội, chính là điểm đặc biệt của con phố khiến nhiều du khách yêu thích |
|
Nhiều du khách nước ngoài thích thú khi tới đây, vừa uống cà phê vừa trải nghiệm cảm giác mạnh mỗi khi có đoàn tàu chạy qua. “Chúng tôi cảm thấy yêu thích nơi này. Những trải nhiệm ở đây thật là thú vị. Cà phê ở đây cũng ngon và rẻ nữa”, 2 vị khách châu Âu chia sẻ. Dù vậy, họ cũng khá lo ngại về vấn đề an toàn. |
|
Nhịp sống thường nhật của người dân các phường Hàng Bông, Cửa Đông, Cửa Nam bên đường tàu |
|
Bạn Hoàng là một sinh viên một trường Đại học tại Hà Nội chia sẻ: Dù đã trải qua hơn 3 năm sinh viên, đây là lần đầu em đến với khu phố đặc biệt này. Nó đẹp hơn những gì em được nghe kể. Thế nhưng em cũng cảm thấy lo lắng không rõ lúc tàu chạy qua sẽ ra sao |
|
Những người làm dịch vụ và buôn bán 2 bên đường tàu, họ vừa làm việc, vừa cố gắng giúp du khách không vi phạm an toàn hành lang đường sắt. Họ thường xuyên phải kêu gọi, nhắc nhở những vị khách về chỗ an toàn mỗi khi tàu chạy qua. |
|
Những mặt hàng lưu niệm thủ công xinh xắn tại một cửa hàng trong phố |
|
Nhiều bạn trẻ tìm tới đây để có những bức ảnh check-in đẹp. Tuy nhiên, việc đảm bảo hành lang an toàn đường sắt là cần thiết để bảo vệ tính mạng, tài sản của du khách cũng như duy trì một địa điểm du lịch độc đáo. |