Mở đầu phiên đấu giá, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cho biết, trong các năm từ 2016 - 2019, Bộ Công Thương phối hợp với các Bộ ngành đã tổ chức thành công đấu giá thí điểm hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường, được dư luận xã hội đánh giá cao, góp phần đáp ứng nhu cầu nhập khẩu đường làm nguyên liệu sản xuất, phục vụ nhu cầu của doanh nghiệp.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh phát biểu tại Phiên đấu giá |
Phiên đấu giá hạn ngạch thuế quan nhập khẩu ôtô đã qua sử dụng theo Hiệp định CPTPP năm 2020 được tiến hành theo nguyên tắc công khai, công bằng, minh bạch, với sự chứng kiến và giám sát của đại diện các Bộ ngành, doanh nghiệp và cơ quan báo chí - truyền thông.
“Đây là năm đầu tiên thực hiện đấu giá hạn ngạch thuế quan trong Hiệp định CPTPP, mặt hàng ô tô đã qua sử dụng cũng lần đầu tiên được áp dụng phương thức quản lý bằng hạn ngạch thuế quan” - Thứ trưởng Trần Quốc Khánh nhấn mạnh.
Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 có những diễn biến phức tạp, việc tổ chức phiên đấu giá này là một nỗ lực của Bộ Công Thương nhằm đảm bảo thực hiện nghiêm túc cam kết quốc tế tại các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã tham gia.
Các thương nhân tham gia đấu giá kiểm tra hồ sơ bỏ giá tại phiên đấu giá |
Thông tin rõ hơn về quy chế đấu giá, ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương - cho biết, thực thi cam kết trong Hiệp định CPTPP, Bộ Công Thương đã xây dựng và ban hành Thông tư số 04/2020/TT-BCT ngày 22/1/2020 quy định về đấu giá hạn ngạch thuế quan nhập khẩu ô tô đã qua sử dụng theo Hiệp định CPTPP.
Ngày 20/4, Bộ Công Thương chính thức ban hành quy chế đấu giá. Tài sản bán đấu giá là hạn ngạch thuế quan nhập khẩu 66 xe ôtô đã qua sử dụng; trong đó 33 ôtô có dung tích động cơ trên 3.000 cm3, 33 ôtô có dung tích động cơ từ 3.000 cm3 trở xuống. Đối tượng được tham gia đấu giá hạn ngạch thuế quan ôtô đã qua sử dụng lần này là thương nhân theo quy định của pháp luật Việt Nam. Tuy nhiên, thương nhân nhập khẩu ôtô đã qua sử dụng phải là doanh nghiệp đã được Bộ Công Thương cấp giấy phép kinh doanh nhập khẩu ôtô theo quy định của pháp luật.
Riêng trường hợp thương nhân tham gia đấu giá và trúng đấu giá nhưng không có giấy phép kinh doanh nhập khẩu ôtô thì ủy thác cho doanh nghiệp có giấy phép kinh doanh nhập khẩu ôtô thực hiện nhập khẩu.
Đặc biệt, thương nhân tham gia đấu giá thông qua phiếu bỏ giá, mỗi đơn giá đăng ký cho 1 xe. Cụ thể, bước giá 30 triệu đồng/chiếc cho mỗi lần bỏ giá; tiền đặt trước 50 triệu đồng/chiếc, không phân biệt dung tích động cơ. Thương nhân chỉ được phép bỏ giá cho số lượng xe không nhiều hơn số tiền đặt trước. Cụ thể, nếu thương nhân đặt trước số tiền tương ứng với 3 xe, phiếu bỏ giá ghi 1, 2 hoặc 3 đơn giá.
Nếu thương nhân đặt trước số tiền tương ứng với 3 xe, phiếu bỏ giá có thể ghi từ 4 đơn giá trở lên thì đơn giá thứ 4 trở đi sẽ không được xem xét.
Đáng lưu ý, mỗi thương nhân có thể bỏ giá không quá 33 đơn giá cho các loại xe thuộc cả 2 loại dung tích động cơ.
“Thương nhân trúng đấu giá là thương nhân có phiếu bỏ giá với mức giá cao từ trên xuống theo thứ tự đến hết số lượng hạn ngạch thuế quan nhập khẩu ô tô đã qua sử dụng” - Phó Cục trưởng Trần Thanh Hải thông tin thêm.
Trong bối cảnh dịch Covid-19, doanh nghiệp trong nước gặp nhiều khó khăn nhưng phiên đấu giá cũng thu hút sự quan tâm của các doanh nghiệp ô tô. Sau khi kiểm tra hồ sơ niêm phong một cách công khai, minh bạch, trước sự chứng kiến của toàn thể Hội đồng và các đại biểu tham dự phiên đấu giá, có 2 doanh nghiệp đã trúng thầu. Trên cơ sở hồ sơ đấu giá, đơn giá, bỏ giá hợp lệ, Công ty TNHH The King F&B (số 138 đường Pasteur, phường Bến Nghé, quận 1, TP. Hồ Chí Minh) trúng đấu giá 10 chiếc ô tô, Công ty TNHH Đầu tư kinh doanh thương mại Long Biên (tầng 6, tòa nhà Việt Á, phố Duy Tân, Q. Cầu Giấy, Hà Nội) đã trúng đấu giá 5 chiếc ô tô theo cam kết Hiệp định CPTPP.