Ngày 26/11, Phó thủ tướng Lê Minh Khái thừa uỷ quyền Thủ tướng đã ký Nghị định 103/2021/NĐ-CP quy định mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô, rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc được kéo bởi ô tô và các loại xe tương tự sản xuất, lắp ráp trong nước.
Theo đó, từ 1/12/2021 đến 31/5/2022, mức thu lệ phí trước bạ nộp lần đầu với ô tô, rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc được kéo bởi ô tô và các loại xe tương tự sản xuất, lắp ráp trong nước được giảm 50%. Từ 1/6/2022, mức thu lệ phí trước bạ trở về mức cũ.
Hiện nay, lệ phí trước bạ xe con được tính theo tỷ lệ phần trăm từng loại xe và từng địa phương khi đăng ký. Chẳng hạn, mức phí trước bạ lần đầu với ô tô con tại Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng... là 12% giá trị xe; TP.HCM 10%, Hà Tĩnh 11%... Riêng xe bán tải, phí trước bạ bằng 60% mức thu phí lần đầu với xe con. Đây là lần thứ 2 trong 2 năm qua, lệ phí trước bạ với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước được giảm một nửa. Động thái này được cho sẽ kích cầu tiêu dùng thị trường ô tô trong nước. Năm ngoái, khi áp dụng chính sách giảm phí trước bạ, lượng xe tiêu thụ đã tăng gấp đôi so với cùng giai đoạn trước khi giảm.
Chính thức giảm 50% phí trước bạ với ô tô lắp ráp trong nước từ 1/12 |
Theo số liệu từ Tổng cục Thuế cho thấy, trong giai đoạn ưu đãi diễn ra từ 28/6 đến 31/12/2020, thu ngân sách đã tăng hơn 11.200 tỷ đồng. Trong đó, riêng thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế giá trị gia tăng tăng hơn 8.200 tỷ đồng, phí và lệ phí trước bạ tăng hơn 3.000 tỷ đồng. Thị trường ô tô Việt Nam năm 2020 đã tiêu thụ 407.487 xe, vượt con số 401.890 xe của năm 2019.
Trước đó, ngay ở giai đoạn dự thảo lấy ý về việc giảm 50% phí trước bạ, thị trường đã nhanh chóng phản ứng tích cực. Các đại lý ô tô trên toàn quốc ghi nhận lượng người dùng quan tâm, cọc tiền mua xe lắp ráp để chờ giảm phí trước bạ tăng vọt. Hãng sản xuất và đại lý kỳ vọng chính sách giảm phí trước bạ sẽ giúp đẩy mạnh doanh số các dòng ô tô hàng hot vào dịp cuối năm. Như vậy, việc hỗ trợ giảm 50% phí trước bạ được cho rằng sẽ tạo ảnh hưởng không nhỏ đến cán cân về doanh số của thị trường ô tô trong nước, trong đó các mẫu ô tô được lắp ráp trong nước sẽ chiếm lợi thế lớn trước đối thủ.
Báo cáo của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) cho biết, trong tháng 10/2021, doanh số bán hàng của toàn thị trường đạt 29.797 xe, bao gồm 19.865 xe du lịch, 9.492 xe thương mại và 404 xe chuyên dụng. Xét về nguồn gốc, doanh số bán của xe lắp ráp trong nước đạt 15.344 xe, tăng 110% so với tháng trước và doanh số xe nhập khẩu nguyên chiếc là 14.453 xe, tăng 132% so với tháng 9/2021. Dù vậy, doanh số tháng 10/2021 vẫn giảm 10,4% so với tháng 10/2020.