Phát triển tín dụng tiêu dùng: Cần hành lang pháp lý đủ rộng
Hoạt động cho vay tiêu dùng mang lại tiện ích cho những người thu nhập thấp |
Ngần ngại vì lo lãi cao
Cần mua chiếc xe máy để đi làm nhưng chị Nguyễn Thị Thuận ở phố Nguyễn Hữu Tiến, thị trấn Đồng Văn (Hà Nam) lại chưa đủ tiền. Với thu nhập nhân viên tiếp thị chỉ gần 4 triệu đồng/tháng, chị Thuận đến ngân hàng hỏi vay, nhưng nhân viên tín dụng yêu cầu chứng minh bảng lương, hợp đồng dài hạn và mức thu nhập tối thiểu phải 5 triệu đồng mới được vay tiền. Khi được hỏi tại sao không vay vốn tại các công ty tài chính có liên kết với cửa hàng bán xe máy, thì chị lo ngại mức lãi suất “cắt cổ” như dư luận nêu, nên không dám vay.
Trên đây chỉ là một trong số nhiều trường hợp người dân chưa có đủ thông tin khiến họ ngại ngần khi tiếp cận với các dịch vụ cho vay tiêu dùng hiện nay. Thực tế, lo ngại lãi suất “cắt cổ” của nhiều người khi định gõ cửa vay vốn tiêu dùng tại các công ty tài chính là chưa thật chính xác. Nếu so với lãi suất vay tiêu dùng tại các ngân hàng thương mại đang áp dụng từ 15-18%, thậm chí là 20% thì mức lãi suất từ 30- 55% của các công ty tài chính đúng là cao hơn, nhưng việc tiếp cận vốn vay lại dễ dàng hơn. Các công ty tài chính không đòi hỏi chứng minh thu nhập, bảng lương, hợp đồng lao động…; khách hàng có thể vay những món tiền nhỏ từ 5-10 triệu đồng hoặc vài chục triệu đồng đến cả trăm triệu đồng tùy theo nhu cầu và sự thẩm định của công ty với người vay. Việc trả lãi và gốc cũng được thực hiện linh hoạt, phù hợp với thu nhập của người vay, thuận tiện cho cân đối tài chính của mỗi người.
Do nguồn vốn của công ty tài chính không phải huy động từ nguồn vốn rẻ của dân cư cộng với những điều kiện vay khá dễ dàng nên việc áp lãi suất cao hơn đề phòng rủi ro là hoàn toàn có thể chấp nhận được. Đặc biệt, nếu so với lãi suất vài trăm phần trăm/năm của các hoạt động cho vay tín dụng đen đang tràn lan hiện nay thì việc gõ cửa vay vốn tại các công ty tài chính là lựa chọn khôn ngoan. Chuyên gia tài chính TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, cần tránh sự nhầm lẫn giữa hai khái niệm: Lãi suất thỏa thuận giữa người cho vay và đi vay trên cơ sở thương mại với lãi suất áp đặt trong tín dụng đen, vẫn thường được gọi là lãi suất “cắt cổ”.
Hạn chế phát triển “tín dụng đen”
Theo kết quả nghiên cứu của Viện Chiến lược ngân hàng (Ngân hàng Nhà nước), 7 năm qua, tổng dư nợ cho vay tiêu dùng ở Việt Nam đã tăng trưởng trung bình lên tới xấp xỉ 20%/năm. Ước tính, tỷ lệ cho vay tiêu dùng/GDP hiện đạt 6,4%, tỷ lệ tín dụng tiêu dùng/tổng tín dụng là 5,6%, tỷ lệ cho vay tiêu dùng/tiêu dùng cuối cùng là 7,3% và dư nợ cho vay tiêu dùng bình quân đầu người đạt xấp xỉ 1,5 triệu đồng/người.
Thực tế cho thấy, hoạt động cho vay tiêu dùng thực sự mang lại tiện ích cho người dân, nhất là những người có thu nhập thấp, dưới “chuẩn” vay của các ngân hàng thương mại. Chuyên gia kinh tế TS.Lê Xuân Nghĩa nhận xét: Tín dụng tiêu dùng hay hoạt động cho vay của công ty tài chính không phải là tín dụng đen, mà còn là một “cứu cánh” cho những “khách hàng” của nạn “tín dụng đen”. Đi liền với rủi ro cao bao giờ cũng là lãi suất cao và cao ở đây là so với các khoản vay giá trị lớn, thời gian dài và có tài sản đảm bảo, chứ nếu so với những rủi ro tiềm ẩn của loại hình vay tiêu dùng tín chấp thì lãi suất này mới chỉ đủ bù cho các chi phí vận hành.
TS. Vũ Đình Ánh: Hiện nay, Việt Nam chưa thật sự có thị trường tín dụng tiêu dùng phát triển bởi khuôn khổ pháp lý cho hoạt động này chưa đầy đủ và chưa phù hợp với thực tiễn thị trường. Cần xây dựng khuôn khổ pháp lý cho thị trường tín dụng tiêu dùng và hỗ trợ các định chế tài chính trong phổ biến tuyên truyền kiến thức; thông tin về dịch vụ tín dụng tiêu dùng theo hướng phát triển tín dụng tiêu dùng là công cụ hữu hiệu để hạn chế “tín dụng đen”. |