Ứng dụng công nghệ sẽ giảm thách thức ngành nông nghiệp
Chiều 23/7, tại Hà Nội, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã tổ chức “Diễn đàn Nông nghiệp 2024: Nông nghiệp thông minh đột phá từ công nghệ 5.0”.
“Diễn đàn Nông nghiệp 2024: Nông nghiệp thông minh đột phá từ công nghệ 5.0” được tổ chức vào chiều 23/7, tại Hà Nội |
Phát biểu tại Diễn đàn, ông Hoàng Quang Phòng – Phó Chủ tịch VCCI cho rằng: Trong những năm gần đây, ngành nông nghiệp Việt Nam tiếp tục phát triển cả về quy mô và trình độ sản xuất, duy trì tăng trưởng ở mức khá cao, khẳng định vị thế quan trọng, là trụ đỡ của nền kinh tế, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia.
Thống kê trong 6 tháng đầu năm 2024, tốc độ tăng GDP ngành nông - lâm - thủy sản đạt 3,38%, cao nhất trong nửa đầu năm của 5 năm gần đây. Trong đó, nông nghiệp tăng 3,15%; lâm nghiệp tăng 5,34%; thủy sản tăng 3,76%. Tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành nông nghiệp đạt 29,2 tỷ USD, tăng 19% so với cùng kỳ năm 2023.
“Với kết quả này, ngành nông nghiệp tự tin nâng mục tiêu xuất khẩu nông - lâm - thủy sản cả năm 2024 lên 57-58 tỷ USD, cao hơn 2-3 tỷ USD so với chỉ tiêu Chính phủ giao từ đầu năm” – Phó chủ tịch VCCI Hoàng Quang Phòng nêu.
Cũng nói về những đóng góp của ngành nông nghiệp, phát biểu tại Diễn đàn, ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn - Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông nghiệp) cho biết: Những năm qua, nông nghiệp Việt Nam luôn duy trì tốc độ tăng trưởng cao từ 3 - 4%, nhất là từ giai đoạn năm 2021 đến nay, với nhiều nỗ lực trong nước và xu hướng tăng giá chung của nhiều mặt hàng nông sản, tăng trưởng nông nghiệp đã đạt mức 3,4 - 3,8%.
Với giá trị xuất khẩu nông sản đạt 53 tỷ USD năm 2023, hiện Việt Nam đứng top 5 thế giới về xuất khẩu cá tra, gạo, cà phê, hạt điều, tiêu đen, chè, sắn và sản phẩm gỗ.
Ông Hoàng Quang Phòng - Phó Chủ tịch VCCI phát biểu tại Diễn đàn |
Tuy nhiên, theo đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ngành nông nghiệp hiện cũng đối diện với những thách thức, biểu hiện qua 3 chữ “biến”, bao gồm: Biến đổi khí hậu, biến động thị trường và biến chuyển xu thế tiêu dùng. Trên cơ sở đó, phương châm chính và cách tiếp cận của ngành nông nghiệp đưa ra là tạo ra giá trị nhiều hơn từ việc sử dụng ít đầu vào hơn, ít tài nguyên thiên nhiên hơn, ít sức lao động hơn và tạo ra giá trị cao hơn.
Để làm được điều đó, ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn cho rằng, việc tận dụng thành tựu của khoa học công nghệ, trong đó có nông nghiệp công nghệ cao để tạo ra nền kinh tế có giá trị cao hơn, xanh hơn, sạch hơn là cần thiết.
Còn ông Hoàng Quang Phòng cũng cho rằng, cơ hội cho phát triển rất lớn, nhưng cũng đầy thách thức do sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ, nông nghiệp Việt Nam sẽ không thể tiếp tục cạnh tranh trên cơ sở chi phí thấp, thâm dụng lao động và dựa vào tài nguyên. Theo đó, ngành nông nghiệp cần phải thay đổi tư duy trong phát triển, chuyển từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp.
Muốn làm được như vậy, việc áp dụng công nghệ vào sản xuất nông nghiệp là rất cần thiết trong bối cảnh thế giới đang phải đối mặt với nhiều thách thức toàn cầu, như xung đột địa chính trị, tình trạng cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên, thu hẹp diện tích canh tác, trái đất nóng lên, xâm nhập mặn,… Đặc biệt, ngành nông nghiệp Việt Nam có chủ thể là hàng chục triệu nông dân với quy mô sản xuất còn nhiều hạn chế, trình độ công nghệ chưa cao, năng suất lao động thấp dễ tổn thương và chịu nhiều tác động của sự phát triển như vũ bão của các ngành công nghiệp.
“Chính vì vậy, phát triển nông nghiệp thông minh, nông nghiệp công nghệ cao, ứng dụng công nghệ 5.0 vào nông nghiệp sản xuất hàng hoá đang là một trong những xu hướng được nhiều doanh nghiệp, nông dân, hợp tác xã áp dụng và đã chứng minh được tính hiệu quả, góp phần mang lại diện mạo mới cho ngành nông nghiệp” – ông Hoàng Quang Phòng cho biết thêm.
Đại biểu tham dự Diễn đàn |
Thêm cơ chế, chính sách phát triển nông nghiệp công nghệ cao
Theo ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn - Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), hiện nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, phát triển nông nghiệp thông minh được ưu tiên nhất với các chính sách hỗ trợ đầu tư từ đất đai, tín dụng, thuế, hạ tầng, nghiên cứu khoa học công nghệ, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực. Cụ thể, chính sách đất đai nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được áp dụng ở mức ưu đãi cao nhất như ưu tiên đầu tư vào vùng đặc biệt khó khăn hay các đối tượng thuê đất đã tính cả những đối tượng không sản xuất nông nghiệp nhưng có đầu tư vào nông nghiệp công nghiệp cao; tăng thời gian thuê đất công từ 5 năm lên 10 năm…
Chính sách tín dụng cũng đã quy định rõ, dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao sẽ hưởng lãi suất cho vay thấp hơn từ 0,5-1%/năm so với khoản vay thông thường; không có tài sản đảm bảo được vay 70% giá trị dự án… Câu chuyện chính khi triển khai là xác định tiêu chí, quy hoạch, tài sản đảm bảo trong doanh nghiệp.
Với chính sách ưu đãi thuế, nhiều loại đầu vào cho sản xuất nông nghiệp không phải chịu thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp được hưởng mức 10% trong 15 năm, miễn thuế tối đa không quá 4 năm và giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo; dự án nghiên cứu và phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao thuộc danh mục công nghệ cao và sản phẩm công nghệ cao được ưu tiên, khuyến khích đầu tư được xem xét áp dụng chính sách miễn giảm thuế sử dụng đất phi nông nghiệp…
Đặc biệt, thời gian tới, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng các cơ quan có liên quan sẽ tham mưu đổi mới chính sách có tính tới sự phối hợp bộ ngành về chính sách đất đai, cơ sở hạ tầng tạo sức bật trong tập trung ruộng đất, quỹ đất vừa đủ cho doanh nghiệp đầu tư nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và các ngành phụ trợ…; chính sách tín dụng; chính sách thuế minh bạch rõ ràng; chính sách nghiên cứu khoa học công nghệ; đào tạo nguồn nhân lực…
Ông Đặng Kim Sơn - Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp Nông nghiệp ứng dụng Công nghệ cao phát biểu tại Diễn đàn |
Mặc dù đã có các chính sách hỗ trợ, nhưng theo thông tin từ hội thảo, việc ứng dụng phát triển nông nghiệp công nghệ cao vẫn đối diện với rất nhiều thách thức. Cụ thể, theo ông Lê Văn Tuấn, Phó trưởng ban Chính sách tín dụng, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank): Bên cạnh thiếu nguồn vốn đầu tư để phát triển nông nghiệp công nghệ cao thì vấn đề chất chất lượng nguồn nhân lực trong lĩnh vực nông nghiệp vẫn còn nhiều bất cập so với yêu cầu phát triển và hội nhập.
Phát triển nông nghiệp công nghệ cao là cần thiết đối với các quốc gia trên thế giới và đặc biệt quan trọng đối với Việt Nam. Do đó, để thúc đẩy phát triển nông nghiệp công nghệ cao trong thời gian tới, ông Lê Văn Tuấn kiến nghị, các bộ ngành cần nhanh chóng ban hành các khung pháp lý, quy định và hướng dẫn liên quan tới lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, tài chính xanh nhằm khơi thông hành lang pháp lý cho các doanh nghiệp cũng như tổ chức tài chính tham gia vào thị trường nông nghiệp công nghệ cao, tài chính xanh.
Bên cạnh đó, Chính phủ cần có chính sách hỗ trợ chi phí thiết kế đồng ruộng, cơ sở hạ tầng, tạo vùng sản xuất tập trung chuyên canh sản xuất hàng hóa, thuận tiện cho áp dụng cơ giới hóa để sản xuất nông nghiệp ứng dụng côngn ghệ cao, hỗ trợ chi phí đo đạc, lập hồ sơ, chuyển đổi đất đai giữa các tổ chức, hộ nông dân, doanh nghiệp tham gia đầu tư trong vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Ông Đặng Kim Sơn - Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp Nông nghiệp ứng dụng Công nghệ cao đưa ra đề xuất: Cần nhanh chóng đổi mới cơ chế và hoàn thiện hệ thống tổ chức của các viện nghiên cứu và trường đại học, thực sự gắn kết giữa nghiên cứu và đào tạo, tạo động lực để cán bộ khoa học tập trung vào sáng tạo, quan tâm đến hiệu quả cuối cùng của sản phẩm khoa học.
Cùng với đó, đổi mới căn bản thủ tục, cơ chế quản lý và chính sách hỗ trợ để hình thành các khu nông nghiệp công nghệ cao, vùng nông nghiệp công nghệ cao, nhằm tạo ra các cụm liên kết ngành, tổ hợp nông nghiệp công nghệ cao, công viên nông nghiệp công nghệ cao, vườn ươm khởi nghiệp sáng tạo đối tác công-tư…